Trong khó khăn chung, Chính phủ đã tìm mọi cách để có mấy ngàn tỷ đồng hỗ trợ người nghèo cả nước đón Tết. Đây là chủ trương đầy tính nhân văn, thể hiện sự chia sẻ, quan tâm sâu sắc của nhà nước đối với người nghèo. đáng buồn là đã có những hạt sạn làm xói mòn ý nghĩa tốt đẹp của chủ trương đúng đắn ấy gây phẫn nộ trong dư luận. Pháp Luật TP.HCM giới thiệu một số ý kiến.
Cào bằng là mất công bằng
“Vụ chia tiền hỗ trợ Tết cho người nghèo một cách tùy tiện không phải diễn ra ở một địa phương, diễn ra lần đầu. Chính sách, chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước đã không được thực thi nghiêm túc. Đây là biểu hiện của bệnh “trên bảo dưới không nghe” hay “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” khá phổ biến ở nước ta hiện nay. Cán bộ không thể nói là không biết hộ nào là hộ nghèo vì chính anh phải là người nắm rõ hơn ai hết” - Th.S Lê Thị Trúc Anh, giảng viên khoa Văn hóa học Trường đại học KHXH&NV TP.HCM, nói.
Bà Anh cũng lý giải, người Việt chúng ta có tính cộng đồng rất cao. Việc hỗ trợ tiền cho người nghèo đón Tết là một biểu hiện của tính cộng đồng ấy. Nhưng hệ quả xấu của tính cộng đồng là thói ỷ lại vào tập thể, cào bằng. Một số cán bộ đã “sáng tạo” bằng cách đem chia đều số tiền cho mọi người và nói đó là công bằng. Nhưng sự công bằng ấy thực chất chính là sự bất công bằng. Trong trường hợp này có thể anh là người “nhiệt tình” nhưng lại thiếu hiểu biết, không có khả năng lãnh đạo dẫn đến phá hoại.
Cũng theo bà Anh, những người cố tình đem tiền Tết của người nghèo chia cho “người có dây mơ rễ má” với mình dù họ không hề nghèo thì đó chính là biểu hiện của tham nhũng. “Trách nhiệm này không chỉ thuộc về một ông trưởng thôn nào mà là cả một hệ thống. Anh làm vậy không đơn giản chỉ là lấy tiền của nhà nước mà còn làm mất lòng tin ở nhân dân. Đó tội rất lớn” - bà Anh nhấn mạnh.
Trả giá đối với lòng tin
Trong khi đó, ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TP.HCM, cho rằng để xảy ra những sai phạm trong chi tiền hỗ trợ người nghèo ăn Tết thể hiện lỗ hổng về mặt năng lực cũng như đạo đức của những người có trách nhiệm, mà cụ thể là cán bộ thôn. Ông Khoa kể, tại hội nghị ủy viên Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam ngày 21 tháng Chạp (tức 16-1), khi Thủ tướng thông tin việc sẽ dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo ăn Tết, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn rằng cận Tết quá thì không biết triển khai có suôn sẻ không, có kịp thời đến tay người dân trước Tết hay không. Tuy nhiên, thông tin được cung cấp là tiền bạc đã có sẵn, danh sách cũng đã có sẵn, cụ thể từng người một. Danh sách này dựa trên chuẩn nghèo mà địa phương đã xác lập từ trước đến nay, cứ theo đó mà làm, không cần phải qua bất cứ một thủ tục, hội đồng xét duyệt hay thẩm định nào. Do vậy, chúng ta có thể yên tâm rằng chủ trương rất nhân đạo này của Đảng, nhà nước sẽ đi nhanh, đi ngay đến đúng đối tượng.
“Nhưng đến khi triển khai thì vẫn có sai phạm ở nơi này nơi khác. Tôi cho rằng đây là sai phạm không chỉ về pháp luật mà còn cả về đạo lý và lương tâm. Tất cả lý do cán bộ cơ sở nêu ra chỉ là ngụy biện cho những lỗ hổng về mặt năng lực và đạo đức của những người có trách nhiệm” - ông Khoa nhấn mạnh.
Theo ông Khoa, cách duy nhất để có thể lấy lại lòng tin của dân là cần phải điều tra tới nơi tới chốn và xử lý thật nghiêm minh. “Dù việc sai phạm mới chỉ một vài triệu đồng nhưng những đồng tiền này có sức nặng ghê gớm đối với lòng tin của người dân. Cần xử lý ở mức độ nghiêm khắc nhất để chứng tỏ đây là nhà nước pháp trị, do dân, của dân và vì dân” - ông Khoa nói.
TIẾNG NÓI NGƯỜI DÂN Chị Trần Đoàn Lệ Hằng (11 Nguyễn Quang Bích, quận Tân Bình, TP.HCM): Tôi cũng sẽ không nhận tiền Đọc bài về vụ chia tiền hỗ trợ người nghèo ở thôn Thống Nhất (xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), nếu là tôi tôi cũng trả lại 50 ngàn đồng “bất chính” kia. Đưa tay nhận 50 ngàn đồng có phải là tôi đã tiếp tay cho các ông có chức quyền trong xã ăn chặn tiền của dân? Bởi nếu nhận tiền thì cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận và ủng hộ cái gọi là “phép vua thua lệ làng”! Một nghĩa cử cao đẹp của nhà nước ta những tưởng sẽ làm ngày Tết thêm niềm vui, tiếng cười nhưng đến thôn Thống Nhất lại trở thành một câu chuyện đáng lên án. Ông Nguyễn Văn Thức, 73 tuổi, nông dân thôn Thống Nhất, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình nêu ý kiến: Dân chưa thông thì việc gì cũng khó Những sai sót trong cấp phát tiền hỗ trợ Tết ở thôn tôi là do cán bộ tự ý làm, chưa họp bàn, thông qua dân nên mới sinh chuyện mất công bằng nên người dân khiếu nại. Thực chất là người dân không “ganh” mà chỉ vì sự phân chia không công bằng mà thôi. Chính vợ tôi cũng nhận 100 ngàn đồng do cán bộ thôn đưa tận nhà mà chẳng ký tá gì cả. Khi nghe nói đó là dành cho người nghèo tôi mới biết. Thu hồi toàn bộ số tiền đã cấp phát sai đối tượng là đúng nhưng cũng phải họp dân lại để giải thích rõ vì sao phải thu lại. Có như vậy mới yên lòng dân và mới thu hồi được tiền. Dân chưa thông thì việc gì cũng khó. |
NHÓM PHÓNG VIÊN