Báo cáo về tình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2023 của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 quay đầu giảm 0,11 % so với tháng trước, sau khi tăng ba tháng liên tục.
Trong 11 nhóm hàng tính CPI có năm nhóm hàng tăng giá; năm nhóm hàng giảm và một nhóm hàng không biến động giá là thuốc và dịch vụ y tế.
Trong năm nhóm hàng có chỉ số giá tăng, nhóm văn hóa giải trí tăng cao nhất 1,42%. Tiếp đến là nhóm giao thông chỉ số giá tăng 0,37%, trong đó xăng tăng 1,1% qua ba lần điều chỉnh giá xăng tăng.
Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tăng thứ ba với 0,31% so với tháng trước, trong đó rượu bia tăng 0,81%, thuốc lá tăng 0,93%, đồ uống không cồn giảm 0,62%.
Chỉ số giá nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,47%; chỉ số giá nhóm giáo dục tăng nhẹ.
|
Trong tháng 4 rau các loại có chỉ số giá giảm mạnh nhất 2,62%. ẢNH: TÚ UYÊN |
Trong năm nhóm hàng có chỉ số giá giảm nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng giảm mạnh nhất 0,64%, do tác động của giá gas giảm (-12,97% so với tháng 3).
Đặc biệt, chiếm vị trí quan trọng tính CPI là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (lương thực; thực phẩm; ăn uống ngoài gia đình) chỉ số giá tháng 4 giảm 0,22%. Trong đó thực phẩm giảm 0,50% gồm thịt heo, thịt gia cầm, trứng; thủy sản tươi sống; thủy sản chế biến đều giảm. Đáng chú ý rau các loại giá giảm 2,61%.
Riêng lương thực tăng 0,18% với giá gạo và lương thực chế biến tăng giá; dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 0,11%.
Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,03%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,23%...
Theo Cục Thống kê TP.HCM, bình quân 4 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 4,23%. Trong 11 nhóm hàng tính CPI, trừ nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giao thông có chỉ số giá giảm, chín nhóm hàng hóa còn lại đều tăng.
Các nhóm hàng có chỉ số giá tăng cao gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,55%; đồ uống thuốc lá tăng 4,62%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,3%; văn hóa giải trí tăng 5,69% và giáo dục tăng 15,29%.