Tâm điểm chiến sự Nga-Ukraine ngày qua nằm ở mặt trận Donetsk (miền Đông Ukraine).
Ukraine: Giằng co ác liệt ở Donetsk
Cập nhật chiến sự ngày 13-6, Bộ Tổng Tham mưu quân đội Ukraine cho biết tổng cộng có 41 trận giao tranh giữa Nga và Ukraine trong ngày. Trong đó, các trận chiến diễn ra căng thẳng nhất ở các hướng tại tỉnh Donetsk gồm TP Kurakhove, Pokrovsk và Kramatorsk khi Nga liên tục tấn công nhằm phá vỡ hàng phòng thủ Ukraine, theo hãng thông tấn Ukrinform.
Quân Nga cũng tiếp tục bắn phá tỉnh Kharkiv bằng bom lượn xuất phát từ lãnh thổ Nga. Từ tỉnh Belgorod, Nga 3 lần nhắm mục tiêu vào TP Vovchansk.
Ngoài ra, các khu vực Ukraine gần biên giới với Nga, gồm tỉnh Sumy và Chernihiv, tiếp tục hứng các cuộc tấn công bằng pháo binh của Nga từ bên kia biên giới.
Nga: Hạ hơn ngàn lính Ukraine ở Donetsk
Cập nhật chiến sự ngày 13-6, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân Nga tấn công các đơn vị và khí tài quân sự Ukraine ở 103 khu vực, theo hãng thông tấn TASS.
. Ở tỉnh Kharkiv, Bộ này cho biết quân Nga ngăn chặn 8 cuộc phản công của Ukraine và gây thương vong cho 2 lữ đoàn Ukraine. Thiệt hại binh sĩ phía Ukraine ở tỉnh này trong ngày lên tới 305 lính và Ukraine cũng mất 5 phương tiện cơ giới, 1 khẩu pháo M777 155mm, 1 khẩu pháo D-20 152mm và 1 pháo phản lực BM-21 Grad.
. Theo Bộ Quốc phòng Nga, Nhóm chiến đấu phía tây của lực lượng nước này gây thiệt hại cho các lữ đoàn Ukraine gần TP Lyman, TP Kirovsk và làng Torske (đều ở tỉnh Donetsk).
Tổng cộng Ukraine mất ở những khu vực này đến 450 lính, Ukraine mất nhiều trang thiết bị, trong đó có 1 hệ thống pháo Krab, 1 pháo M777, 1 pháo 2S1 Gvozdika, 2 xe bán tải. Ngoài ra, lực lượng Nga còn phá hủy 2 kho đạn dược dã chiến của Ukraine.
Nhóm chiến đấu phía nam của Nga cải thiện được vị trí chiến thuật, tấn công gây thiệt hại cho các lữ đoàn Ukraine ở gần khu định cư Ostroye, Belaya Gora và Stenki (đều ở tỉnh Donetsk) cũng như ngăn chặn 1 cuộc phản công của Ukraine.
ThUkraine ở những khu vực này lên tới 635 người. Kiev tổn thất 2 xe bọc thép, 6 phương tiện cơ giới, cùng một số hệ thống pháo. Nga cũng phá hủy 7 kho đạn của quân đội Ukraine tại tỉnh này.
Riêng ở TP Avdiivka, quân Nga ngăn chặn 4 cuộc phản công của Ukraine và tấn công một số lữ đoàn Ukraine ở khu vực này. Tổn thất phía Ukraine ở hướng Avdiivka lên tới 345 lính, một số phương tiện do phương Tây viện trợ như xe chiến đấu bộ binh Marder, xe bọc thép M113, MaxxPro, cũng bị phá hủy.
Ukraine: Phá trạm liên lạc hiện đại của Nga
Ngày 13-6, Lực lượng tác chiến đặc biệt (SOF) của Ukraine đã tấn công trạm liên lạc chuyển tiếp vô tuyến kỹ thuật số R-416GM mới nhất của Nga. Đây là lần đầu tiên Ukraine tấn công trạm liên lạc loại này kể từ khi chiến sự Nga-Ukraine bùng nổ, theo tờ Kyiv Independent.
R-416GM là trạm liên lạc được thiết kế để nâng cao hiệu quả của các đơn vị chuyển tiếp vô tuyến tại chiến trường. Nga bắt đầu sử dụng nó vào năm 2018.
Một đơn vị của SOF được cho là đã phát hiện ra trạm này trên chiến trường và tấn công bằng vũ khí mới nhất. Tuy nhiên, SOF không tiết lộ vị trí phá hủy trạm liên lạc này.
SOF cho biết do cuộc tấn công, liên lạc giữa sở chỉ huy và các đơn vị quân đội Nga đã bị gián đoạn.
Hiện Nga chưa bình luận về thông tin này.
Ukraine ký thỏa thuận an ninh với Mỹ, Nhật
Ngày 13-6, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky ký hai thỏa thuận an ninh, một với Mỹ và một với Nhật, bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức tại Ý, theo Kyiv Independent.
Ông Zelensky nói rằng thỏa thuận này cho thấy Mỹ ủng hộ những nỗ lực của Ukraine để giành chiến thắng trong cuộc chiến này, đồng thời đánh giá thỏa thuận này là "cầu nối" cho tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong tương lai của Ukraine.
Thỏa thuận nêu rõ rằng Mỹ "cam kết hỗ trợ Ukraine phát triển một lực lượng hiện đại, có khả năng tương tác với NATO, có thể ngăn chặn và, nếu cần, bảo vệ chống lại sự xâm lấn trong tương lai", bao gồm phát triển khả năng phòng không và tên lửa, an ninh mạng và hàng hải.
Cạnh đó, Mỹ cũng cam kết nỗ lực mua sắm các phi đội máy bay chiến đấu hiện đại, bao gồm nhưng không giới hạn ở việc cung cấp chiến đấu cơ F-16.
Ông Zelensky lưu ý rằng điều quan trọng là thỏa thuận này làm rõ vấn đề trách nhiệm của Nga, khi nêu rõ rằng Mỹ "có ý định giữ tài sản thuộc chủ quyền của Nga trong phạm vi quyền tài phán của Mỹ cho đến khi Nga trả tiền cho những thiệt hại mà họ đã gây ra cho Ukraine”.
Ngoài ra, thỏa thuận còn nêu chi tiết các cam kết của Ukraine về cải cách và giám sát việc sử dụng đối với vũ khí do phương Tây cung cấp.
Đối với thỏa thuận giữa Ukraine và Nhật, ông Zelensky cho biết Nhật sẽ cung cấp cho Ukraine 4,5 tỉ USD vào năm 2024 và sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong suốt 10 năm tới.
Hai nước nhất trí hợp tác về an ninh mạng, chống lại sự can thiệp của nước ngoài, chống tội phạm có tổ chức và đảm bảo trật tự hàng hải cùng các lĩnh vực khác.
Cùng với việc ký kết các thỏa thuận này, ông Zelensky cũng đã có các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo G7, gồm Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Ý Giorgia Meloni.