Ukraine 'đau đầu' quản lý tiền viện trợ

(PLO)- Việc một quan chức cấp cao Ukraine tham gia quá trình tái thiết từ chức làm dấy lên lo ngại về vấn đề chính quyền Kiev quản lý tiền viện trợ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 10-6, ông Mustafa Nayyem, lãnh đạo Cơ quan nhà nước về Tái thiết Ukraine - cơ quan chính phủ giám sát công việc tái thiết Ukraine từ nguồn tài trợ chủ yếu đến từ phương Tây - đã xin từ chức với lý do quỹ được quản lý yếu kém, tờ The New York Times đưa tin.

Theo The New York Times, việc từ chức của ông Nayyem không liên quan đến cáo buộc tham ô, tham nhũng nào. Tuy nhiên, điều này cho thấy sự bất đồng trong chính quyền Kiev về việc phân bổ viện trợ thời chiến.

Cạnh đó, những phát ngôn của ông Nayyem về việc quản lý tiền quỹ yếu kém có thể làm dấy lên những lo ngại của Mỹ và đồng minh về việc liệu Ukraine có sử dụng hiệu quả hàng tỉ USD viện trợ hay không.

lãnh đạo cơ quan tái thiết Ukraine từ chức dấy lên lo ngại quản lý tiền viện trợ
Việc ông Mustafa Nayyem, lãnh đạo Cơ quan nhà nước về Tái thiết Ukraine, từ chức làm dấy lên lo ngại về vấn đề quản lý tiền viện trợ. Ảnh: GETTY IMAGES

Năm ngoái, Cơ quan nhà nước về Tái thiết do ông Nayyem đứng đầu đã giám sát khoản ngân sách vào là 100 tỉ hryvnia (khoảng 2,5 tỉ USD) vào năm ngoái và phần lớn số tiền này được tài trợ từ nước ngoài.

Các dự án mà cơ quan này rót tiền rất đa dạng, từ tài trợ để xây dựng các hệ thống bảo vệ các thiết bị điện dễ bị tổn thương tại các nhà máy điện, đến việc sửa chữa đường ống nước, cầu và đường.

Báo động về tình trạng quan liêu

Trong một cuộc phỏng vấn và một lá thư giải thích việc từ chức đăng trên Facebook, ông Nayyem không chỉ ra đích danh trường hợp tham nhũng nào. Thay vào đó, ông chỉ ra những gì ông cho là một loạt trở ngại quan liêu cản trở công việc của cơ quan này, làm chậm trễ việc phê duyệt dự án và thanh toán cho các nhà thầu.

“Kể từ tháng 11 năm ngoái, cơ quan này đã phải đối mặt liên tục với sự đối đầu, phản kháng và những trở ngại do nhiều người tạo ra” - ông Nayyem cho biết và nói thêm rằng lương của nhân viên cơ quan này đã bị cắt giảm.

Ông Nayyem nói rằng bất chấp nhu cầu cấp thiết để sửa chữa những hư hỏng ở các nhà máy điện, đường sá, cầu cống và công trình nước bị hư hại do các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga, các nhà thầu vẫn không được thanh toán trong nhiều tháng. Điều này dẫn đến việc một số dự án phải “đắp chiếu” vì không được thanh toán.

lãnh đạo cơ quan tái thiết Ukraine từ chức dấy lên lo ngại quản lý tiền viện trợ
Ông Nayyem cho biết một số nhà thầu sửa chữa đã không được thanh toán trong nhiều tháng do vấn đề quản lý tiền viện trợ yếu kém. Ảnh: AP

Cơ quan của ông Nayyem cũng chi tiền cho một số công trình củng cố quân sự ở tỉnh Sumy và tỉnh Donetsk. Ông Nayyem cho biết việc thanh toán cho các hợp đồng này cũng đã “bị trì hoãn trong nhiều tháng” và đã “tác động tiêu cực đến khả năng phòng thủ của đất nước”.

Tuy chậm thanh toán nhưng hiện tại, hầu hết các dự án đều đã hoàn thành, bao gồm dự án xây dựng các hàng rào bảo vệ xung quanh thiết bị điện tại 103 địa điểm để bảo vệ máy móc khỏi các mảnh bom đạn, cho phép các kỹ sư khôi phục lưới điện nhanh hơn.

Những người liêm chính phải “ra đi”

Ông Nayyem cho rằng “tính minh bạch và khả năng dự đoán về vấn đề này là rất quan trọng vì tiền đến từ người nộp thuế” và hiện tại, “những người cố gắng làm cho hệ thống này trở nên minh bạch và có trách nhiệm đã phải rời đi”.

Trước đó, vào tháng 5, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Oleksandr Kubrakov đã bị sa thải. Cơ quan của ông Kubrakov giám sát hoạt động của cơ quan mà ông Nayyem lãnh đạo.

Ông Kubrakov được giới chính trị Kiev coi là một nhân vật đứng về phía Mỹ trong việc ưu tiên chi tiêu để tái thiết viện trợ. Lập trường này khiến các nhà lãnh đạo khác trong chính quyền Kiev bất đồng vì coi là Mỹ đang giám sát quá nhiều vào hoạt động của Ukraine. Cả ông Kubrakov và ông Nayyem đều từng lên tiếng phản đối nạn hối lộ trong hoạt động xây dựng.

lãnh đạo cơ quan tái thiết Ukraine từ chức dấy lên lo ngại quản lý tiền viện trợ
Việc tái thiết Ukraine gặp khó khăn do vấn đề quản lý tiền viện trợ không hiệu quả. Ảnh: REUTERS

Mùa thu năm ngoái, ông Nayyem đã tố cáo 2 thành viên Quốc hội với cơ quan chống tham nhũng vì những người này đã đưa hối lộ. Những trường hợp này hiện đang được tòa án xét xử.

Việc từ chức của ông Nayyem diễn ra vào thời điểm khá nhạy cảm, ngay trước thềm hội nghị các nhà tài trợ lớn về tái thiết ở Berlin. Chính quyền Ukraine đã loại ông ra khỏi phái đoàn, hủy bỏ các cuộc họp mà ông nói rằng ông đã lên lịch với các quan chức nước ngoài về việc quyên góp cho việc tái thiết Ukraine.

Văn phòng của ông Zelensky hiện chưa bình luận về việc từ chức hoặc phát ngôn quản lý yếu kém từ ông Nayyem.

Ông Tymofiy Mylovanov, cựu bộ trưởng kinh tế Ukraine, cho biết do có sự phức tạp về giấy phép của chính phủ và các thỏa thuận với các công ty xây dựng để sửa chữa thiệt hại chiến tranh, thì việc nảy sinh một số khúc mắc là không thể tránh khỏi.

“Đó là môi trường thời chiến nên không phải mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ. Bạn sẽ phải khắc phục sự cố mọi lúc” - ông Mylovanov nhận định.

Cơ quan nhà nước về Tái thiết Ukraine được thành lập trong thời chiến để hợp lý hóa và bảo đảm nguồn tài chính cho việc tái thiết. Ngăn chặn lạm dụng tiền quỹ này là ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách Mỹ và đây là mối lo ngại của các thành viên Quốc hội khi cân nhắc có duyệt gói hỗ trợ tài chính và quân sự trị giá 61 tỉ USD cho Ukraine vào hồi đầu năm nay. Cuối cùng, gói viện trợ này đã được Washington phê duyệt vào cuối tháng 4.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm