Chiến tranh thương mại và vấn đề Triều Tiên

Trong phát biểu hôm 31-7 (giờ Mỹ) tại TP Tampa tiểu bang Florida (Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Trung Quốc (TQ) đang can thiệp vào các cuộc đàm phán hạt nhân khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chiến tranh thương mại.

Phát biểu này của ông Trump là dấu hiệu mới nhất cho thấy vấn đề phi hạt nhân hóa theo tuyên bố thượng đỉnh Singapore hồi tháng 6 vừa qua đang không “thuận buồm xuôi gió”, đúng như nhiều phân tích và nhận định của giới quan sát, trong đó không loại trừ khả năng tác động từ TQ.

Giằng co thương mại “tỉ đô”

Ông Trump lên tiếng chỉ trích TQ khi suốt tháng qua, tổng thống Mỹ luôn bảo vệ chính sách đối đầu trực diện bằng các biện pháp áp thuế nhập khẩu với 34 tỉ USD hàng TQ từ ngày 6-7. Thậm chí ông Trump đang cân nhắc việc tăng gấp đôi mức thuế hiện nay lên lượng hàng hóa trị giá 200 tỉ USD nếu TQ không nhượng bộ.

Trong bối cảnh kinh tế Mỹ quý II được báo cáo tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2014, đồng thời Mỹ và EU đạt thỏa thuận “đình chiến” thì ông Trump càng có lý do tiếp tục chính sách áp thuế với Bắc Kinh. Nếu ý định áp thuế 200 tỉ USD có hiệu lực thì trên lý thuyết TQ sẽ chịu thiệt hại tương đương 1,7% mức tăng trưởng GDP trung bình hằng năm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Floria hôm 31-7. Ảnh: AFP

Dù vậy, cho đến lúc này TQ vẫn chưa tỏ ra nao núng trước Mỹ. TQ chỉ trích Mỹ đang đe dọa tăng thuế nhằm ép các quan chức phải ngồi lại bàn đàm phán thương mại. Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố “sẽ không có bên nào chiến thắng trong chiến tranh thương mại”. Ông Tập hiểu rõ rằng một cuộc chiến thương mại toàn diện có thể làm tăng trưởng kinh tế nước này giảm đi 1,7% về lý thuyết nhưng trên thực tế chỉ là hơn 0,4% vì nền kinh tế xuất khẩu của TQ có sự đóng góp rất lớn từ doanh nghiệp Mỹ.

Bên cạnh đó, chính các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Mỹ cũng đang cảm nhận được thiệt hại kể từ khi lệnh áp thuế có hiệu lực, vì giá cả nhập khẩu tăng cao trong khi xuất khẩu lại thiếu cạnh tranh vì lệnh trả đũa từ phía Bắc Kinh. Ngay cả khi Mỹ áp thuế lên 200 tỉ USD hàng TQ, tổng thuế thu về cũng chỉ chiếm 0,1% GDP của Mỹ trong khi ông Trump phải đau đầu với rất nhiều bất ổn kinh tế, giảm việc làm, áp lực chính trị từ các nhóm cử tri trực tiếp chịu sự tấn công từ Bắc Kinh.

Thương mại và Triều Tiên: Được tất, mất cả?

Hai vấn đề nóng hiện nay với Mỹ chính là Triều Tiên và chiến tranh thương mại với TQ - hai vấn đề có quan hệ mật thiết với nhau. Có hai lý do để Mỹ phải suy tính giải hòa hoặc chí ít đình chiến với TQ, tránh mở rộng chiến tranh thương mại toàn diện.

Thứ nhất, các dự báo về tăng trưởng kinh tế và hệ lụy của chiến tranh thương mại toàn diện đang chống lại ông Trump. Ông Neal Dutta, nhà kinh tế trưởng của Renaissance Macro Research, nhận định: “Thật trớ trêu khi phần lớn các nhà kinh tế cho rằng căng thẳng thương mại hiện nay tạo đà cho sự tăng trưởng mặc dù nó có tác động tới mức tăng trưởng ở quý II. Tuy vậy, những tác động này chỉ là tạm thời”.

Chuyên gia kinh tế của Công ty Moody’s Analytics Ryan Sweet thì dự đoán tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm xuống 2,6% trong năm 2019 và sau đó sẽ giảm dần tới mức thấp vào năm 2020. Chính Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED), ông Jerome Powell, trong phiên điều trần thường niên trước Quốc hội Mỹ khẳng định chủ nghĩa bảo hộ là nhân tố làm tổn thương tăng trưởng kinh tế và có khả năng làm giảm thiểu tiền lương.

Thứ hai, giải quyết thương mại với TQ sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến vấn đề Triều Tiên. Tổng thống Trump nói rằng Mỹ đang thể hiện tốt hơn Triều Tiên trong khi TQ đang cản đường. Dù vậy, thỏa thuận “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” cho đến nay vẫn mơ hồ và thiếu cơ sở để tin vào tính khả thi. Một phần vì Mỹ chưa thuyết phục được Triều Tiên về số phận “an toàn” của lãnh đạo nước này; phần khác giới quan sát cho rằng có sự can thiệp của TQ.

Nếu ông Trump quay lại bàn đàm phán thương mại với TQ, khả năng sẽ giải quyết được “tắc nghẽn” của cả vấn đề thương mại lẫn Triều Tiên; hoặc nếu các cuộc đàm phán thất bại thì mục tiêu bảo đảm nền thương mại thịnh vượng lẫn giải quyết êm đẹp vấn đề Triều Tiên sẽ càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Mỹ-Trung nỗ lực ngồi lại bàn đàm phán

Tờ Bloomberg cho biết Mỹ và TQ đang nỗ lực khởi động lại các cuộc đàm phán để ngăn chặn một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dự kiến sẽ có cuộc gặp riêng nhằm tìm kiếm các biện pháp đàm phán giữa hai bên.

Hai quan chức cao cấp cho biết một lộ trình cụ thể, các vấn đề cần thảo luận và mô hình các cuộc đàm phán đều chưa được quyết định nhưng hai bên đều đồng thuận nguyên tắc chung rằng cần phải tổ chức nhiều hơn các chương trình thảo luận song phương. Thông tin này đưa ra sau khi Mỹ và EU đã đạt thỏa thuận “đình chiến” sau thời gian căng thẳng. Nhiều chuyên gia cho rằng điều đó đồng nghĩa những tuyên bố cứng rắn của ông Trump có thể được xem xét lại bằng thiện chí đàm phán của các bên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm