Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vào sáng nay, 30-10, tâm bão số 5 (tên quốc tế là Matmo) ở ngay trên khu vực tây bắc quần đảo Trường Sa, cách Bình Định - Ninh Thuận khoảng 350 km về phía Đông. Sức gió cấp 8, giật cấp 10.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng tây tây bắc (15-20 km/giờ) và có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 30-10, tâm bão ngay trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận, sức gió cấp 9, giật cấp 11.
Vị trí và đường đi của bão số 5. Ảnh: NHCMF
Chiều tối hôm nay bão đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa với gió cấp 6, giật cấp 8 và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi thành một vùng áp thấp trên khu vực phía đông Campuchia.
Do ảnh hưởng của bão, trong hôm nay và ngày mai, 31-10, ở các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên có mưa 300-400 mm/đợt; riêng Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa 400-600 mm/đợt. Nguy cơ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ, có thể ngập lụt sâu, diện rộng tại các vùng trũng thấp, vùng ven sông, khu đô thị các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa.
Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, đến nay vẫn còn 557 tàu/6.230 người đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm. Có hai tàu bị sự cố, là tàu BĐ 98413 TS/06 LĐ đang được các tàu trong tổ đội đang hỗ trợ kéo ra ngoài phạm vi nguy hiểm và tàu BĐ 96389 TS/08LĐ hiện đã được lai dắt vào đảo Phú Quý để tránh bão.
Để chủ động phòng chống bão số 5, Bình Định đã cấm biển từ 15 giờ chiều 29-10; nhiều tỉnh khác dự kiến cấm biển trong ngày 30-10.
Khánh Hòa đã di dời 80% số lượng lồng bè và 830 hộ dân/3.200 ở người một số khu vực nguy hiểm (tại khu vực sạt lở xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang); các tỉnh khác sẵn sàng phương án di dời dân khi có nguy cơ ảnh hưởng.
Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương bị ảnh hưởng tiếp tục rà soát, kiểm đếm các phương tiện, tàu thuyền, thông tin kịp thời và hướng dẫn các phương tiện còn hoạt động trên biển di chuyển, tránh trú an toàn (kể cả đối với các tàu vận tải và du lịch). Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú. Đối với khu vực ven biển, đồng bằng, đô thị: sẵn sàng sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu, nhất là tại khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản. Thực hiện tiêu nước đề phòng mưa lớn gây ngập úng; bảo vệ công trình kết cấu hạ tầng, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển, các công trình cột tháp cao; bảo vệ đê điều... Đối với khu vực miền núi, trung du chủ động sơ tán, di dời dân khỏi vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn. Triển khai biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, đang thi công và các hồ nhỏ... |