Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước.
Mục đích của kế hoạch là nhằm xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Căn cước, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.
Xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật Căn cước trên phạm vi cả nước….
Để triển khai Luật Căn cước, các nội dung sẽ được thực hiện gồm tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về căn cước; tổ chức tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ lãnh đạo cơ quan, tổ chức và người trực tiếp làm công tác quản lý căn cước.
Cùng đó là biên soạn tài liệu phục vụ công tác phổ biến Luật Căn cước và các văn bản hướng dẫn thi hành; tài liệu tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý căn cước.
Đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu rà soát, xây dựng sáu văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết việc thực hiện Luật Căn cước. Cụ thể, nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước; Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử; hai văn bản này được xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Ngoài ra còn có các thông tư của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Căn cước; quy định mẫu thẻ căn cước, mẫu giấy chứng nhận căn cước; quy định tàng thư căn cước, cư trú; quy định về quy trình cấp, quản lý thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước.
Bộ Công an cũng được giao chủ trì, phối hợp đẩy mạnh thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu khác theo quy định của Luật Căn cước và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành có liên quan; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Bộ Công an bảo đảm điều kiện về phương tiện, giải pháp kỹ thuật để tổ chức triển khai việc thu nhận sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói, tích hợp, khai thác thông tin trong thẻ căn cước và căn cước điện tử. Mở rộng việc kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.
“Bộ Công an đề xuất các giải pháp về công nghệ, đầu tư trang thiết bị, nâng cấp hệ thống lưu trữ, xử lý để triển khai các công việc nêu trên” – Thủ tướng lưu ý và nêu rõ thời gian thực hiện là trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Về kinh phí thực hiện được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước hàng năm của các bộ, cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định.
Luật Căn cước 2024 được thông qua tại Kỳ họp 6, Quốc hội khóa XV và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024.
Hiện nay, Bộ Công an cũng đang lấy ý kiến người dân về các dự thảo nghị định, thông tư liên quan việc thi hành Luật Căn cước mới, gồm: nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước; nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử; thông tư quy định chi tiết Luật Căn cước; thông tư quy định về mẫu thẻ căn cước, mẫu giấy chứng nhận căn cước;