Chính phủ đề xuất quy định "dao có tính sát thương cao" là vũ khí thô sơ

(PLO)- Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) đang được trình Quốc hội có quy định bổ sung dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại kỳ họp Quốc hội thứ 7, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Dao có tính sát thương cao họp quốc hội.jpg
Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trình Quốc hội có quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ

Tội phạm sử dụng dao đang diễn biến phức tạp

Theo tờ trình của Chính phủ, Dự thảo luật đã bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ, trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Đồng thời, quy định vũ khí thô sơ khi sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng.

Một lý do Chính phủ đề xuất đưa dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ là do tội phạm sử dụng các loại dao gây án chiếm tỷ lệ rất cao, chiếm 58,6% tổng số vụ, 54% tổng số đối tượng.

Tờ trình nêu khái niệm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 đã bộc lộ hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thực tế trong 5 năm, toàn quốc đã phát hiện 28.715 vụ, bắt giữ 48.987 đối tượng sử dụng trái phép, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại dao và phương tiện tương tự dao. Trong đó, dao và phương tiện tương tự dao 16.841 vụ, 26.472 đối tượng.

Tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, vũ khí tương tự vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án đang diễn biến rất phức tạp. Riêng tội phạm sử dụng các loại dao gây án chiếm tỷ lệ rất cao, chiếm 58,6% tổng số vụ, 54% tổng số đối tượng.

Nhiều vụ đối tượng sử dụng dao nhọn, dao sắc, dao sắc nhọn có tính sát thương rất cao (dao bầu, dao phay, dao quắm…) giết người với tính chất rất manh động, tàn ác, dã man gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

Trong khi đó, các loại dao luôn có sẵn trong cuộc sống hằng ngày để phục vụ lao động, sản xuất, sinh hoạt nhưng khi phát sinh mâu thuẫn đối tượng sẵn sàng sử dụng dao để tấn công nạn nhân nhằm giải quyết mâu thuẫn.

Thực tế quá trình điều tra các vụ án cho thấy, chỉ xử lý hình sự được khi có đủ căn cứ kết luận đối tượng phạm tội về các tội danh khác như: Giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích…, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ không quy định dao là vũ khí.

Nếu không kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các đối tượng trên sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự; vì vậy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các khái niệm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Cần nghiên cứu đảm bảo thống nhất

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết đa số ý kiến thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Các đại biểu nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật vì cho rằng dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa các nội dung của Luật hiện hành; những chính sách Chính phủ đề nghị xây dựng trong lần sửa đổi này cơ bản là những chính sách đã được quy định trong Luật hiện hành, được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

Tuy nhiên, còn có ý kiến khác nhau về quy định “dao có tính sát thương cao”, cho rằng quy định như vậy chưa bao quát hết các loại công cụ tương tự (chông, mìn, bẫy...) có nguy cơ gây sát thương, sẽ trở thành vũ khí nguy hiểm khi sử dụng trái mục đích.

Việc định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ, vũ khí quân dụng sẽ không thống nhất với một số quy định của pháp luật hiện hành quy định về vũ khí. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu quy định bảo đảm phù hợp, đồng bộ, thống nhất.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng một số quy định tại Điều 3 có sự trùng lặp và không thống nhất về nội hàm khái niệm, việc giải thích từ ngữ gắn với tiêu chí "mục đích sử dụng" dẫn đến khó phân biệt rạch ròi giữa các loại vũ khí.

Từ đó gây khó khăn cho công tác quản lý, nhất là công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến vũ khí khi phải chứng minh mục đích sử dụng vũ khí của người vi phạm. Vì vậy, các thành viên theo ý kiến này đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc chỉnh lý các quy định của dự thảo Luật để bảo đảm thống nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm