Chính phủ khơi thông cho mua sắm, đấu thầu vật tư y tế

(PLO)- Lãnh đạo nhiều bệnh viện cho rằng các giải pháp Chính phủ vừa đưa ra đã kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trước thực trạng các bệnh viện (BV) gặp khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế, ngày 3-3, Chính phủ ký ban hành Nghị định 07/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2021 về quản lý trang thiết bị y tế (TTBYT) nhằm giải quyết các tồn tại, bất cập phát sinh trong thời gian vừa qua. Tiếp đến, ngày 4-3, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 30 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, TTBYT.

Tháo gỡ nhiều điểm nghẽn

Các quy định sửa đổi, bổ sung trong Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đã tháo gỡ nhiều khó khăn trong việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Cụ thể, Nghị định 07 cho phép gia hạn các loại giấy phép liên quan mua sắm TTBYT trong tình hình tiến độ cấp mới số lưu hành TTBYT chậm, không đáp ứng nhu cầu. Nghị định 07 cũng cho phép chỉ thực hiện kê khai giá đối với TTBYT khi có biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thiết bị, khả năng chi trả của người mua, khả năng thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT)... Khác với trước đây, hơn 200.000 chủng loại TTBYT với nhiều cấu hình, tính năng kỹ thuật khác nhau phải được kê khai giá đầy đủ đã gây quá tải cho ngành y tế.

Với Nghị quyết 30, nhiều điểm “nghẽn” trong mua sắm, đấu thầu TTBYT cũng được tháo gỡ. Cụ thể, nghị quyết này sửa quy định về thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT như cho phép tiếp tục thanh toán BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất; cho phép các cơ sở y tế được thanh toán BHYT và sử dụng các TTBYT đã được hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm các TTBYT liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám bệnh, chữa bệnh.

Đặc biệt, nếu theo quy định trước đây, BV hay gặp vướng mắc khi phải tham khảo đủ ba báo giá khi đấu thầu TTBYT thì với hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023, vấn đề này đã được tháo gỡ. Theo đó, nếu chỉ có một hoặc hai nhà phân phối hoặc doanh nghiệp cung cấp báo giá, BV được sử dụng các báo giá đã nhận được để xây dựng giá gói thầu. BV cũng được lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối với trường hợp chỉ có một nhà (máy độc quyền) hoặc để đảm bảo tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ đơn vị khác...

Các bệnh viện phấn khởi

Trước những quy định trên, các BV đều bày tỏ phấn khởi và cho rằng những quy định mới, sửa đổi như không cần tham khảo ba báo giá của các nhà cung cấp, hay bỏ thời hạn thanh toán BHYT với máy mượn, máy đặt… tạo điều kiện thuận lợi trong công tác mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế cho BV.

BS Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc BV quận 6 (TP.HCM), chia sẻ quy định yêu cầu không cần phải đủ ba báo giá sẽ giúp việc sửa chữa trang thiết bị tại BV quận 6 được triển khai nhanh chóng hơn.

BS Vui dẫn chứng hiện BV quận 6 có một máy nội soi tiêu hóa vẫn chưa sửa được do chỉ có một bảng báo giá duy nhất của hãng cũng chính là nơi bán máy.

Cạnh đó, BS Vui cũng mong muốn Bộ Y tế sớm có hướng dẫn cho cơ sở y tế các tỉnh, thành xây dựng kế hoạch đấu thầu giá và xác định đơn vị nào có trách nhiệm thẩm định giá để tiến hành thủ tục mua các loại máy móc phục vụ bệnh nhân.

Bệnh nhân đang chạy thận tại BV Lê Văn Thịnh, TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Bệnh nhân đang chạy thận tại BV Lê Văn Thịnh, TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

“Các loại máy móc đều là thiết bị không hề rẻ tiền, chẳng hạn BV đang chuẩn bị mua máy CT scan có giá trên 10 tỉ đồng nhưng phải chờ hướng dẫn thì mới tiến hành thủ tục mua sắm được” - BS Vui cho hay.

BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh (TP.HCM), cũng cho hay những điểm mới này còn mang tính bao quát và còn nhiều điểm cần thay đổi, BV sẽ tiếp tục tổng hợp để kiến nghị. Chẳng hạn, theo ông, quy định “giá trúng thầu của gói thầu mua sắm TTBYT tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 120 ngày” khó áp dụng vì thời gian ngắn và mong muốn tăng lên “tối đa không quá 12 tháng”.

Đồng tình, lãnh đạo BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho rằng những điểm mới của nghị quyết giúp các BV linh động hơn trong mua sắm, đấu thầu TTBYT.

Tuy nhiên, với điểm mới “không cần tham khảo ba báo giá của các nhà cung cấp”, BV vẫn phải thực hiện theo đúng quy trình ba báo giá. “Khi thực hiện hết điều kiện nhưng không thể có ba báo giá thì BV mới được áp dụng tiếp bước thứ hai. Từ đó BV mới có cơ sở để giải trình” - lãnh đạo BV này cho hay.

Trước những quy định mới, ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội), chia sẻ Nghị định 07 của Chính phủ tạo điều kiện thông thoáng cho việc thông quan hóa chất, vật tư, thiết bị y tế thuận lợi, đồng thời giao trách nhiệm cho doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng. Điều này sẽ chấm dứt tình trạng đấu thầu xong rồi nhưng các công ty không cung ứng được do không thông quan được.

“Đây là việc hết sức quan trọng, thông quan, nhập khẩu thuận lợi mới có vật tư, thiết bị y tế để mua sắm, đấu thầu. Chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng là gián tiếp tạo điều kiện cho các cơ sở y tế” - ông Cơ nói.

Cần tuân thủ nghiêm quy định tránh vụ lợi

Nghị quyết 30 đã tháo gỡ vướng mắc nhưng các đơn vị cần phải tuân thủ nghiêm các quy định của luật pháp trong mua sắm, đấu thầu, tránh tình trạng lợi dụng chính sách để vụ lợi.

Về lâu dài, tôi kiến nghị Chính phủ tiếp tục giao các bộ, ban ngành ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thông tư, nghị định để làm sao công tác quản lý, mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế được công khai, minh bạch, đặc biệt là tạo hành lang pháp lý cho các BV hoạt động trơn tru, đúng pháp luật.

Ông ĐÀO XUÂN CƠ, Giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm