Đắk Lắk: Bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc chữa bệnh

(PLO)- Một số bệnh viện công lập ở Đắk Lắk thiếu thuốc chữa bệnh khiến bệnh nhân phải ra quầy thuốc tư nhân mua thuốc chữa bệnh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 3-3, trao đổi với PLO, một lãnh đạo Bệnh viện (BV) Đa khoa vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk) cho biết thực trạng thiếu thuốc chữa bệnh, vật tư y tế vẫn đang xảy ra tại BV này.

Người dân mua thuốc chữa bệnh ở quầy thuốc BV Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: BT

Người dân mua thuốc chữa bệnh ở quầy thuốc BV Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: BT

Theo lãnh đạo BV Đa khoa vùng Tây Nguyên, trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận 900- 1.000 bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Trung bình mỗi ngày có 1.500 - 1.600 bệnh nhân lưu trú trong khi số giường bệnh của bệnh viện chỉ 1.250.

Thời gian qua, người nhà bệnh nhân phải tự mua nhiều loại thuốc để điều trị do BV thiếu thuốc. Theo vị lãnh đạo BV, nguyên nhân là đến nay nhiều gói thầu lớn thuốc chữa bệnh, vật tư y tế thuộc thẩm quyền Sở Y tế vẫn chưa đấu thầu xong.

Người dân chờ mua thuốc ở quầy tư nhân. Ảnh: BT

Người dân chờ mua thuốc ở quầy tư nhân. Ảnh: BT

Hiện BV Đa khoa vùng Tây Nguyên còn hai gói thầu vướng quy định của pháp luật. Đó là gói thầu khớp có những mặt hàng chưa được kê khai lên giá, chưa được đưa lên kế hoạch của Bộ Y tế và có những điều giấy phép của bên cung cấp chưa hoàn chỉnh.

Thứ hai là gói thầu stent mạch vành, thời gian qua xảy ra một số vấn đề liên quan đến pháp luật về vấn đề stent mạch vành nên việc đấu thầu của stent mạch vành được tiến hành rất thận trọng. Bệnh viện đang thăm dò để làm cho đúng, tránh vi phạm pháp luật.

“Không có thuốc, BV phải yêu cầu người nhà bệnh nhân ra các nhà thuốc tư nhân mua. Điều này rất thiệt thòi cho người dân. Đây là thực trạng chung” – vị lãnh đạo BV Đa khoa vùng Tây Nguyên nói.

Theo vị lãnh đạo trên, BV Đa khoa vùng Tây Nguyên đã nhiều lần có văn bản, ngay cả trong cuộc họp giao ban hàng tháng cũng đã nói về vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay thực trạng thiếu thuốc đang diễn ra vì chưa có giải pháp hữu hiệu về đấu thầu thuốc.

Chiều cùng ngày, chúng tôi có mặt tại BV Đa khoa vùng Tây Nguyên, chứng kiến người dân chen chúc nhau đi mua thuốc chữa bệnh ở quầy thuốc tư nhân. Đối diện cổng BV Đa khoa vùng Tây Nguyên có bốn quầy thuốc, chuyên cung cấp thuốc chữa bệnh cho bệnh nhân. Theo tìm hiểu, khoảng hơn một năm nay lượng người bệnh ra đây mua thuốc chữa bệnh nhiều hơn.

Anh TTL (ngụ huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) phản ánh: "Tôi đưa bố đi khám bệnh, bác sĩ nói trong bệnh viện không có loại thuốc đặc trị nên yêu cầu gia đình ra mua ở quầy thuốc đối diện. Tuy nhiên, dược sĩ ở quầy thuốc bảo chúng tôi phải lên một số nhà thuốc lớn ở Ngã Sáu ở trung tâm TP Buôn Ma Thuột, cách bệnh viện khoảng 6 km mới có. Không hiểu sao ở bệnh viện lớn nhất nhì Tây Nguyên lại thiếu thuốc như vậy".

Trong khi đó, theo lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Krông Búk (Đắk Lắk), lượng bệnh nhân đến khám, lưu trú ít so với các địa phương khác nên chưa thiếu thuốc, vật tư y tế. “Có một gói thầu đã được Sở Y tế trình qua UBND tỉnh muộn quá, đến nay vẫn chưa được duyệt. Trong khoảng hơn một tháng tới, nếu gói thầu này không được phê duyệt thì sẽ thiếu thuốc chữa bệnh ở trung tâm” – vị lãnh đạo này cho hay.

Một lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk cho rằng đấu thầu thuốc là một công việc phức tạp, đòi hỏi phải nắm kiến thức sâu về Luật đấu thầu và các văn bản liên quan. Trong khi đó, đội ngũ y tế được đào tạo kiến thức chuyên môn về y dược, để nắm bắt về đấu thầu cần phải có thời gian tìm hiểu, học hỏi.

Lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk xác nhận vẫn còn thực trạng thiếu thuốc ở một số bệnh viện công lập. “Thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở Đắk Lắk cũng như BV Chợ Rẫy ở TP.HCM, BV Bạch Mai ở Hà Nội. Chúng tôi đang kiến nghị Bộ Y tế sửa đổi các thông tư trong công tác đấu thầu, gia hạn các gói thầu thuộc thẩm quyền của Bộ” – vị lãnh đạo Sở Y tế nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm