Chính phủ: Nhiều giải pháp cho tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội

Khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Chính phủ: Nhiều giải pháp cho tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội

(PLO)- Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỉ USD, bước vào nhóm các nước trung bình cao; Chính phủ cũng đã dành 680.000 tỉ đồng để cải cách tiền lương.

Ngày 20-5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ bảy, Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.

Đã dành khoảng 680.000 tỉ đồng để cải cách tiền lương

Nêu đánh giá của Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2023 tiếp tục phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Chính phủ: Nhiều giải pháp cho tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội
Các đại biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV. Ảnh: PHẠM THẮNG

Theo Phó Thủ tướng, một số chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu vào tháng 10-2023, như tốc độ tăng GDP đạt 5,05% (cao hơn 0,05% điểm). Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỉ USD, bước vào nhóm các nước trung bình cao…

Đáng chú ý, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thông tin tính đến hết năm 2023, đã dành được khoảng 680.000 tỉ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới. Đời sống của người dân không ngừng được cải thiện. Số hộ gia đình có thu nhập tăng lên và ổn định đạt trên 94%.

Với những tháng đầu năm 2024, Chính phủ nhìn nhận triển vọng kinh tế, thương mại toàn cầu có dấu hiệu khả quan hơn, là cơ hội thuận lợi cho phát triển. Trong nước, tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi, các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra sôi động hơn.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý I-2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020-2023. “Đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Chính phủ thừa nhận sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao, nhất là trong kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỉ giá; tăng trưởng tín dụng còn thấp; giá vàng thế giới và trong nước biến động mạnh.

Trong khi đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN), người dân gặp nhiều khó khăn. Tiến độ một số dự án cao tốc, giao thông trọng điểm, giải phóng mặt bằng còn chậm. Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính còn chồng chéo, rườm rà, chậm được sửa đổi…

Những tồn tại, hạn chế nêu trên, Phó Thủ tướng cho rằng nguyên nhân chủ yếu do kinh tế, chính trị thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, vượt dự báo, tạo áp lực lớn lên công tác chỉ đạo điều hành…

“Những tồn tại, yếu kém nội tại của nền kinh tế kéo dài từ lâu, bộc lộ rõ hơn trong điều kiện khó khăn, trong đó có thị trường bất động sản, trái phiếu DN, chứng khoán, ngân hàng yếu kém. Một số cán bộ, công chức còn chưa chủ động, quyết liệt, còn tâm lý né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...” - Phó Thủ tướng nói thêm.

chinh-phu-nhieu-giai-phap-cho-tang-truong-kinh-te-on-dinh-xa-hoi-1.jpg
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và những tháng đầu năm 2024. Ảnh: PHẠM THẮNG

Hoàn thiện bộ máy trong sạch, tinh gọn

Nêu nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh việc ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, nhất là chi thường xuyên; rà soát, kiên quyết cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết.

Chính phủ cũng tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, tập trung chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém; tập trung xử lý các DN, dự án chậm tiến độ, thua lỗ kéo dài. “Quyết liệt triển khai ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng theo quy định, chú trọng thanh tra, kiểm tra; áp dụng hóa đơn điện tử... “ - Phó Thủ tướng nói và chỉ đạo triển khai ngay các giải pháp thu hẹp chênh lệch giá vàng miếng trong nước và quốc tế.

Lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, liên vùng, nhất là thi công 1.000 km đường bộ cao tốc để phấn đấu đến năm 2025 đưa vào khai thác khoảng 3.000 km.

“Đưa vào vận hành khai thác đường sắt đô thị trên cao Nhổn - ga Hà Nội, đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên và dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối” - ông Lê Minh Khái nói.

Phó Thủ tướng cũng cho biết trong năm 2024, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước trong sạch, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới quản lý công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, liêm chính, thực sự là công bộc của nhân dân.

Đồng thời, triển khai chính sách tiền lương mới từ ngày 1-7; hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trong tháng 9-2024.

Chính phủ cũng sẽ hoàn thiện các chế độ, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khắc phục tình trạng đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm...

Một số kết quả nổi bật bốn tháng đầu năm 2024

- Tăng trưởng GDP quý I-2024 đạt 5,66%.

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,93% so với cùng kỳ.

- Thu ngân sách nhà nước đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1%.

- Giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,46% kế hoạch.

- Tổng vốn FDI đăng ký đạt 9,27 tỉ USD, tăng 4,5%.

- FDI thực hiện đạt 6,28 tỉ USD, tăng 7,4%.

- Khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 6,2 triệu lượt (tăng 1,6 lần so với cùng kỳ).

*****

Hơn 50% trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro thanh toán

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế nhận định diễn biến tình hình kinh tế - xã hội bốn tháng đầu năm 2024 bộc lộ những khó khăn, thách thức. Trong đó, thị trường tài chính, tiền tệ tiềm ẩn rủi ro, thách thức; nợ xấu tăng tiếp tục diễn ra trong bốn tháng đầu năm 2024.

Báo cáo thẩm tra dẫn số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy dư nợ xấu (đã trừ Ngân hàng SCB) tăng 8,7% so với cuối năm 2023. Chính vì nợ xấu có xu hướng tăng nên các ngân hàng đã kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động cho vay để giảm bớt rủi ro.

Trong khi đó, thị trường vàng có nhiều biến động, chỉ số giá vàng trong nước bình quân bốn tháng này tăng gần 21% so với cùng kỳ, khi giá vàng thế giới tăng cao kỷ lục.

uy-ban-kinh-te-cac-ngan-hang-lai-lon-trong-khi-doanh-nghiep-kho-khan-2.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Đặc biệt, cơ quan thẩm tra cho rằng áp lực thanh toán trái phiếu DN phát hành riêng lẻ năm 2024 tăng cao. “Áp lực đáo hạn trái phiếu DN cao với khối lượng trái phiếu DN riêng lẻ đáo hạn trong năm 2024 khoảng 300.000 tỉ đồng, cao nhất trong ba năm gần đây. Trong đó, nhóm bất động sản chiếm khoảng 44,2%” - ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho hay.

Theo ước tính của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, trong tổng giá trị trái phiếu DN bất động sản đáo hạn năm 2024 có gần 52% (khoảng 65,7 ngàn tỉ đồng) tiềm ẩn rủi ro thanh toán khi các tổ chức phát hành bị lỗ, liên quan đến các vụ án hoặc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

“Thị trường trái phiếu DN vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn khi các nhà đầu tư chưa có đủ niềm tin, gia tăng áp lực trả nợ các trái phiếu đến hạn của nhiều DN, đặc biệt là nhóm bất động sản, càng gây khó khăn đến hoạt động kinh doanh” - ông Vũ Hồng Thanh nhìn nhận.

Đề cập nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh cần tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở củng cố nền tảng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.

Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý việc bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là điện, xăng, dầu, không để tái diễn tình trạng thiếu điện ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng cần phối hợp hài hòa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; chú trọng tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát lạm phát, ổn định tỉ giá, giá vàng, không để xảy ra các “cú sốc” ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đọc thêm