Uỷ ban Kinh tế: Các ngân hàng lãi lớn trong khi doanh nghiệp khó khăn

(PLO)- Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ việc các ngân hàng thương mại lãi lớn năm 2023 trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 20-5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024

1-uy-ban-kinh-te-cac-ngan-hang-lai-lon-trong-khi-doanh-nghiep-kho-khan.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: PHẠM THẮNG

Các ngân hàng lãi lớn năm 2023

Tại báo cáo thẩm tra, bên cạnh việc ghi nhận những kết quả đạt được trong năm 2023, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng tình hình kinh tế - xã hội năm này còn hạn chế, tồn tại cần khắc phục.

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội nêu chín nhóm vấn đề cần quan tâm. Đáng chú ý, Uỷ ban Kinh tế đánh giá công tác điều hành tăng trưởng tín dụng còn bất cập; tăng trưởng tín dụng đạt thấp hơn mục tiêu đề ra, tiếp cận tín dụng khó khăn.

Thị trường vốn (trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán) còn nhiều vấn đề khiến nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng, làm gia tăng áp lực và tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống ngân hàng.

Từ đó, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có đánh giá, phân tích về nguyên nhân, mức độ tác động của tăng trưởng tín dụng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và làm rõ việc các ngân hàng thương mại lãi lớn năm 2023 trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn.

Báo cáo dẫn chứng lợi nhuận sau thuế năm 2023 của Vietcombank hơn 33.050 tỉ đồng, tăng 10% so với năm 2022; BIDV hơn 22.000 tỉ đồng, tăng 20%; MB hơn 21.050 tỉ đồng, tăng 16%; Vietinbank 20.044 tỉ đồng, tăng 18%...

Cũng theo Uỷ ban Kinh tế, tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn rất đáng lo ngại. “Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, dự án tồn đọng gặp nhiều khó khăn, đề nghị Chính phủ có báo cáo cụ thể những khó khăn về hành lang pháp lý, cơ chế hỗ trợ, quy trình, thủ tục, nhất là trong bối cảnh Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2024” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị.

Uỷ ban Kinh tế: Các ngân hàng lãi lớn trong khi doanh nghiệp khó khăn
Các đại biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: PHẠM THẮNG

Hơn 50% trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro thanh toán

Uỷ ban Kinh tế cũng nhận định diễn biến tình hình kinh tế - xã hội bốn tháng đầu năm 2024 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức.

Theo cơ quan thẩm tra, thị trường vàng có nhiều biến động, chỉ số giá vàng trong nước bình quân bốn tháng đầu năm tăng 20,8% so với cùng kỳ khi giá vàng thế giới tăng cao kỷ lục.

Có ý kiến cho rằng ngoài yếu tố biến động tình hình kinh tế thế giới và bất ổn địa chính trị, một số hạn chế trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ đã hình thành thị trường ngầm về giao dịch vàng, ngoại tệ từ lâu với quy mô giao dịch lớn, phức tạp và khó kiểm soát, nhất là hành vi ưa thích vàng ngày càng gia tăng.

Theo Hội đồng vàng thế giới, ở Việt Nam, 81% nhà đầu tư đã từng đầu tư vào vàng và cho biết họ sẽ xem xét đầu tư vào vàng một lần nữa. Chỉ số này cao hơn Trung Quốc (72%), Ấn Độ (67%), và toàn cầu (45%).

Cạnh đó, năm 2022, Việt Nam tiêu thụ 43 tấn vàng, tăng 37% so với năm 2021, cao nhất khu vực ASEAN. Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế đánh giá việc này chưa được điều chỉnh phù hợp, có thể ảnh hưởng đến công tác điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường, phản ánh qua tình hình buôn lậu vàng, ngoại tệ, tội phạm gia tăng.

Báo cáo dẫn số liệu từ Bộ Công an tháng 12-2023, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao dẫn đến tình trạng buôn lậu vàng vào Việt Nam, gia tăng hoạt động tội phạm, gây bất ổn tình hình an ninh trật tự xã hội, ảnh hưởng an ninh tiền tệ, nhất là các tỉnh biên giới.

Cơ quan thẩm tra cũng dẫn bản tin trên VTV hồi tháng 11-2023, theo đó, trong vài năm trở lại đây, các lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ buôn lậu vàng qua biên giới. Điển hình, chuyên án triệt phá đường dây buôn lậu vàng từ Campuchia về Việt Nam qua cửa khẩu Chàng Riệc (Tây Ninh). Cơ quan chức năng đã khởi tố 18 bị can về tội buôn lậu; tang vật thu giữ được 198 kg vàng, 59 cây vàng, gần 2,9 triệu USD; gần 27 tỉ đồng và các phương tiện, thiết bị; trị giá thu giữ được tương đương gần 250 tỉ đồng.

Mở rộng điều tra, tính riêng trong hai tháng 8, 9 năm 2022, các đối tượng đã nhập lậu hơn 4 tấn vàng.

Đặc biệt, cơ quan thẩm tra cho rằng áp lực thanh toán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ năm 2024 tăng cao. Theo đó, khối lượng TPDN riêng lẻ đáo hạn trong năm 2024 khoảng 300 nghìn tỉ đồng, cao nhất trong ba năm gần đây, trong đó nhóm bất động sản chiếm khoảng 44,2% .

Đáng lưu ý, theo ước tính của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, trong tổng giá trị TPDN bất động sản đáo hạn năm 2024, có khoảng gần 52% (khoảng 65,7 nghìn tỉ đồng) tiềm ẩn rủi ro thanh toán khi các tổ chức phát hành bị lỗ, liên quan đến các vụ án hoặc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

“Thị trường TPDN vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn khi các nhà đầu tư chưa có đủ niềm tin, gia tăng áp lực trả nợ các trái phiếu đến hạn của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản, càng gây khó khăn đến hoạt động kinh doanh” - theo Uỷ ban Kinh tế.

Đề nghị Chính phủ báo cáo việc thực hiện Nghị định 73 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ

Uỷ ban Kinh tế nhận định còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc. Đặc biệt, hiện tượng công chức, viên chức xin thôi việc vẫn còn tiếp diễn.

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội cho hay có ý kiến đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về việc thực hiện, triển khai Nghị định 73/2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung đến các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm