Các ĐBQH đề nghị Chính phủ báo cáo riêng về bôxit Tây Nguyên. Ảnh: Trí Dũng |
Như vậy, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã giao một số bộ, ngành chuẩn bị báo cáo chủ trương và quy hoạch khai thác bôxit Tây Nguyên để đưa vào báo cáo chung về kinh tế - xã hội, nhưng Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu đều mong muốn Chính phủ chuẩn bị một chuyên đề riêng để trình ra Quốc hội.
Tiếp thu ý kiến này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho hay, sẽ báo cáo Thủ tướng để chuẩn bị một báo cáo riêng về bôxit Tây Nguyên để gửi Quốc hội. "Những vấn đề mà đại biểu QH và người dân quan tâm, nhất là các vấn đề thời sự, Chính phủ sẽ tiếp thu và có báo cáo riêng", ông Phúc nói.
Báo cáo kết quả phân giới cắm mốc biên giới Việt - Trung
Khai mạc vào ngày 20/5, dự kiến kéo dài 1 tháng, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII sẽ xem xét các báo cáo chung về tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2009, về ngân sách nhà nước, việc điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội...
Ngoài ra, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cho biết, Chính phủ sẽ trình thêm một số báo cáo riêng về các vấn đề thời sự nổi cộm gần đây, để xin ý kiến Quốc hội. Chẳng hạn, về nguồn vốn kích cầu, việc miễn, giảm, giãn thuế thu nhập cá nhân, dự án đầu tư tại Venezuela của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (thực chất đã ký kết từ trước)...
Mặc dù rút gọn thời gian, nhưng kỳ họp sẽ vẫn cố gắng đảm bảo chất lượng, dành thời gian bàn bạc, xem xét và quyết định những chủ trương lớn. Do đó, ngoài báo cáo tổng hợp, theo Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, trong từng lĩnh vực, sẽ có những báo cáo cụ thể gửi riêng để đại biểu tham khảo, không cần đọc trước hội trường.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn, kết quả công tác phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc, dự kiến sẽ được báo cáo công khai tại Hội trường. Ngoài ra, có thể gửi tài liệu (đóng dấu mật) tới đại biểu, để tạo điều kiện cho đại biểu nắm bắt tốt hơn vấn đề.
Dự kiến ngày 19/6, QH sẽ thông qua Nghị quyết về bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ năm 2009; về miễn, giảm, giãn thuế thu nhập cá nhân. |
Cũng theo dự kiến của Văn phòng Quốc hội, các báo cáo về tình hình lao động thất nghiệp, mất việc làm trong 4 tháng đầu năm 2009 cũng như kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo nhiều năm qua sẽ được gửi cho đại biểu tự nghiên cứu.
Ngoài ra, do tầm quan trọng của vấn đề, Quốc hội cũng sẽ dành hẳn 1 ngày để thảo luận về Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2008 - 2012, thay vì chỉ dành nửa ngày như chương trình dự kiến.
Thông qua Luật Quy hoạch đô thị
Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ biểu quyết thông qua 5 dự án luật: Luật Quản lý nợ công, Luật Quy hoạch đô thị, Luật bồi thường nhà nước, Luật cơ yếu, Luật lý lịch tư pháp.
Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ biểu quyết 8 dự án luật sửa đổi bổ sung khác như: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng; Luật Di sản văn hóa... và thông qua Nghị quyết về Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2008 - 2012.
5 dự án luật khác sẽ được xem xét, cho ý kiến lần đầu, như Luật Viễn thông, Luật Khám chữa bệnh...
Ngoài phiên khai mạc, các phiên thảo luận khác về kinh tế - xã hội và chất vấn (2,5 ngày) cũng sẽ được truyền hình trực tiếp.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên, chậm nhất là ngày 19/5, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN (PVN) và các đơn vị có liên quan phải báo cáo giải trình trước QH các dự án đầu tư khai thác dầu khí tại Venezuela. Trước đó, ngày 28/11/2008, tại thủ đô Caracas, Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) đã ký bản ghi nhớ với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Venezuela để thành lập công ty liên doanh và hợp đồng khai thác dầu nặng tại lãnh thổ nước này. Dự án này có ý nghĩa quan trọng đối với PVN trong việc thực hiện mục tiêu mở rộng hoạt động kinh doanh. |
Theo Lê Nhung (VNN)