Chính phủ sẽ 'chỉnh' những sai sót của các dự án BT

"Kết quả thanh tra các dự án sử dụng phương thức BT đã cho thấy có rất nhiều dự án, đặc biệt là tại thủ đô Hà Nội, số tiền vượt mức so với tổng mức đầu tư là rất lớn" - ông Nguyễn Đăng Trung, Cục trưởng Cục Đấu thầu, Bộ KH&ĐT, nói tại hội nghị mời gọi đầu tư các dự án cải tạo, di dời nhà trên kênh rạch, chỉnh trang đô thị diễn ra ngày 1-2 tại TP.HCM.

Đường Phạm Văn Đồng được thực hiện theo hình thức BT.

 Thủ tục đơn giản, đa dạng phương thức thanh toán

Theo ông Trung, Chính phủ hiện đang giao cho Bộ KH&ĐT soạn thảo nội dung sửa đổi Nghị định 15/2015 và Nghị định 30/2015 liên quan đến đầu tư theo phương thức BT để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Ông Trung cho biết trong tháng 2, Thủ tướng sẽ ký ban hành Nghị định 15 sửa đổi. Trong đó, nhiều điểm mới tại các nghị định này sẽ giúp khắc phục được bất cập khi thực hiện các dự án BT. Ông Trung cho hay Nghị định 15 trước đây có những nhầm lẫn giữa đầu tư công thuần túy và đầu tư tư thuần túy.

Chẳng hạn, những thủ tục như thủ tục quyết định chủ trương đầu tư thì nhiều khi dẫn chiếu đến quy định của luật đầu tư công làm cho thủ tục quyết định chủ trương đầu tư rất phức tạp và phiền hà. Do đó, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng hẳn một nghị định hoàn toàn về mặt thủ tục theo hình thức đối tác công tư, trong đó quy định về quyết định đầu tư sẽ được sửa đổi một cách rõ ràng mạch lạc.

 "Thủ tục quyết định đầu tư đơn giản hơn rất nhiều so với quy định của pháp luật đầu tư công" - ông Trung nói.

Điểm quan trọng thứ hai của Nghị định 15 sửa đổi là bổ sung các phương thức đầu tư thanh toán cho các hợp đồng kinh tế. Theo ông Trung, hiện nay Nghị định 15 quy định chỉ được sử dụng quỹ đất để thanh toán nhưng khi sửa đổi sẽ mở rộng các phương thức thanh toán, công cụ thanh toán để phù hợp với luật quản lý tài sản công.

"Nhà đầu tư có thể sử dụng các quyền khác, ví dụ như TP.HCM có những nhà đầu tư đề xuất xây dựng cầu vượt sông nhưng chỉ cần khai thác quyền kinh doanh quảng cáo mà không cần đất cũng không cần tiền của TP. Sau khi nghị định này ra đời sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư làm việc đó" - vị đại diện Bộ KH&ĐT cho hay.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã hoàn thiện lần hai nghị định hướng dẫn luật quản lý tài sản công, sử dụng đất đai, tài sản công của cơ quan nhà nước và tài sản kết cấu hạ tầng để thanh toán cho các dự án BT.

Quản lý chặt để tránh thất thoát ngân sách 

Ông Trung cho hay vừa qua có rất nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra các dự án BT trong 20 năm qua đã chỉ ra các bất cập của các dự án BT. Do đó, nghị định lần này sẽ quy định chặt chẽ cách làm dự án BT, từ chủ trương đầu tư đến việc giao các cơ quan chuyên môn của các sở, ngành để lập dự án kêu gọi đầu tư.

Theo đó, việc đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư chỉ thực hiện khi có thiết kế và có dự toán. Vì công trình BT sau khi xây xong là chuyển giao ngay cho Nhà nước và nhà đầu tư sẽ tiến hành làm các dự án đối ứng hoặc là được khai thác các quyền kinh doanh khác nên công trình đấy hoàn toàn là đầu tư công.

Công trình BT có quy định UBND cấp tỉnh giao cho các sở, ngành chuyên môn hoặc các ban quản lý có chức năng giám sát đầu tư, giám sát chất lượng, khi nhà đầu tư có đề xuất thì công tác chuẩn bị cũng phải được siết chặt hơn.

"Vì thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra cho thấy rất nhiều các dự án BT tính vượt tổng mức đầu tư rất nhiều. Con số của thanh tra một loạt các dự án, trong đó có các dự án tại Hà Nội, mức vượt ở tổng mức đầu tư các công trình là rất lớn, gây thiệt hại cho ngân sách" - ông Trung cho hay. 

Nghị định 15 sửa đổi cũng bổ sung nguyên tắc khi dùng quỹ đất thanh toán thì phải có quy hoạch chi tiết 1/500. Có quy hoạch 1/2000 có thể mời gọi đầu tư nhưng khi thanh toán thì phải có quy hoạch chi tiết 1/500. Lúc đó giá đất sẽ được tính sát hơn, tránh thiệt hại cho ngân sách. 

Theo vị đại diện Bộ KH&ĐT, rất nhiều trường hợp khi bố trí quỹ đất, khu đất để thanh toán BT nhưng khi bắt đầu thực hiện dự án thì nhà đầu tư lại đề xuất điều chỉnh quy hoạch của các dự án đối ứng. Khi thay đổi quy hoạch, giá trị sử dụng đất tăng lên, mục đích sử dụng đất không còn như ban đầu thì nhà đầu tư được hưởng lợi rất lớn từ việc điều chỉnh quy hoạch.

"Trong trường hợp đó thì Nghị định 15 sửa đổi quy định, TP sẽ bàn lại với nhà đầu tư nếu làm tăng giá trị giá trị bao nhiêu thì phải nộp lại cho ngân sách" - ông Trung nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới