Cụ thể, khi nhận dự án, dự toán công trình là do nhà thầu đề xuất. Ngoài ra, các khu đất đắc địa cũng do nhà thầu đề xuất để thanh toán công trình. Bên cạnh đó, ông Châu cho rằng việc thực hiện phương thức chỉ định nhà thầu đã bộc lộ nhiều hạn chế.
Nhà đầu tư thường chỉ có khoảng 10%, còn lại khoảng 90% vốn đầu tư xây lắp là vốn vay ngân hàng nên có tiềm ẩn rủi ro, có thể ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình.
“Điều này dễ phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh và lợi ích xã hội, trong lúc thiếu cơ chế phản biện, giám sát, thẩm định khách quan của bên thứ ba” - ông Châu nhìn nhận.
Ông Châu cũng khẳng định hình thức chỉ định nhà thầu kiêm nhà đầu tư dự án BT, BOT… làm giảm đi tính minh bạch, công khai, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh của môi trường kinh doanh, tác động tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư trong nước, nước ngoài.
Quan cảnh hội nghị về công tác quản lý dự án theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT), thực trạng và giải pháp. Ảnh: V.HOA
Hơn nữa, hình thức này có thể gây thiệt hại ngân sách nhà nước và gây quan ngại cho xã hội. Điển hình là bài học rất quý từ thực tiễn tổ chức thành công buổi đấu giá khu đất công tại số 23 Lê Duẩn, quận 1. Giá khởi điểm đấu giá là 558 tỉ đồng, có 13 doanh nghiệp tham dự đấu giá. Sau 16 vòng đấu giá, mức giá thắng đấu giá lên đến 1.430 tỉ đồng, gấp 2,6 lần giá khởi điểm, giúp ngân sách nhà nước thu được đúng giá trị khu đất - ông Châu dẫn chứng.
Chủ tịch Hiệp hội bất động sản kiến nghị cần thực hiện phổ biến hình thức đấu giá công khai, đấu thầu rộng rãi trong nước hoặc đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, chỉnh trang, phát triển đô thị.
Cuối cùng ông Châu cho rằng nên hạn chế tối đa chỉ định thầu để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh. Qua đó, củng cố lòng tin cho các nhà đầu tư, làm lợi cho ngân sách nhà nước và tăng cường sự đồng thuận trong xã hội.
Tuy nhiên, phản hồi lại, bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII), cho rằng ông Châu nói như vậy là không đúng và oan cho DN.
“Anh Châu nói xã hội bất bình còn chúng tôi là nhà đầu tư thì bức xúc và rất “điên” vì dư luận xã hội cho rằng các dự án BT, BOT các nhà đầu tư muốn làm gì làm và gây thất thoát tiền nhà nước. Tuy nhiên, thực chất là khi bắt tay triển khai dự án, các bộ ngành kiểm tra rất chặt chẽ từ khâu thẩm tra, phê duyệt dự án, giám sát nhà nước trong quá trình đầu tư” - bà Trâm nói.
Đồng thời cho biết quá trình thực hiện, DN chỉ có một nhiệm vụ là bỏ tiền ra và đôn đốc theo dõi dự án. “Chúng tôi phải theo tư vấn, cùng tư vấn để hoàn thiện dự án để TP thẩm định chứ không phải nhà đầu tư muốn làm gì thì làm, muốn định mức dự án mấy đồng là mấy đồng. Lập dự án là đơn vị tư vấn lập, thẩm định dự án là đơn vị thẩm định của Nhà nước phê duyệt, thiết kế kỹ thuật cũng là tư vấn lập và nhà nước phê duyệt, giám sát quá trình thì công, đơn vị thi công, giám sát của chủ đầu tư thuê và đồng thời có một ông nữa là do Nhà nước chỉ định. Thanh quyết toán công trình thì qua Sở Tài chính, như vậy cái khái niệm nhà đầu tư PPP muốn làm gì thì làm là không đúng” - bà Trâm phân trần.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường cũng cho rằng: “Anh Châu không phải lo vì nhà đầu tư lập dự án nhưng có Nhà nước kiểm soát, có thanh tra, kiểm tra và quyết toán chứ không phải nhà đầu tư muốn làm gì thì làm”.
Ông Cường cũng thông tin, liên quan đến các dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT, riêng ngành giao thông có đến 90% thực hiện theo mô hình này và hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc vì thủ tục triển khai.
Theo Giám đốc Sở GTVT, trong thời gian qua, nếu TP không vận dụng linh hoạt và có cách làm riêng thì các dự án triển khai theo hình thức BT rất khó thực hiện.