Sáng 30-10, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp thường kỳ đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2017, nhiệm vụ trong những tháng cuối năm.
Xử nghiêm nếu Khaisilk vi phạm
Tại cuộc họp, khi ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, đang báo cáo về tình hình sản xuất hàng hóa, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong bất ngờ hỏi ông Kiên về vụ Khaisilk bán khăn lụa Trung Quốc.
Trả lời vấn đề này, ông Kiên cho biết ở TP.HCM có ba điểm bán tơ lụa Khaisilk, trong đó hai điểm tại đường Đồng Khởi và một điểm trên đường Tôn Đức Thắng. Ngoài ra còn bốn nhà hàng Khaisilk có trưng bày hàng ở quận 3 và quận 7. Sau khi vụ việc được báo chí đăng tải, cả ba cửa hàng đều đã đóng cửa, treo biển tạm ngừng kinh doanh để kiểm tra hàng hóa. Bốn nhà hàng thì không còn trưng bày sản phẩm của Khaisilk.
Ông Kiên cho biết ngay sau khi báo chí đăng thông tin, ngành công thương TP có nhận được chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết bộ này sẽ chủ trì phối hợp với Sở Công Thương làm rõ vụ việc liên quan Khaisilk. Sau đó Bộ Công Thương có phối hợp với cơ quan quản lý thị trường TP tập trung kiểm tra làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ việc này. “Tinh thần là TP.HCM sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm” - ông Kiên khẳng định.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm, không để tình trạng buôn bán hàng gian, hàng giả trên địa bàn TP. Theo ông Phong, thời gian qua có xảy ra một số vụ việc liên quan đến doanh nghiệp (DN) làm ăn gian dối, thiếu đạo đức kinh doanh, thiếu tôn trọng người tiêu dùng như việc tiêm thuốc an thần cho heo, thuốc ung thư giả và vụ Khaisilk bán khăn lụa Trung Quốc. Từ những vụ việc này, ông Phong khẳng định: “TP.HCM không phải là đất sống cho những DN thiếu đạo đức kinh doanh, làm ăn gian dối và thiếu tôn trọng người tiêu dùng”.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết các dự án BT đang thảo luận đàm phán phải đình lại hết. Ảnh: TL
Tại cuộc họp báo sau đó, ông Phạm Thành Kiên cũng cho biết việc kiểm tra hàng gian, hàng giả là việc thường xuyên của Sở. “Về vụ việc của Khaisilk, tôi xin khẳng định TP.HCM tạo điều kiện cho DN phát triển bằng nhiều chính sách hỗ trợ. Mong DN làm ăn chân chính nhưng cũng dứt khoát không để DN làm ăn gian dối tồn tại. Người tiêu dùng sẽ quyết định đến việc kinh doanh của DN” - ông Kiên nói.
Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan cho rằng vụ Khaisilk là vụ rất lớn. Quan điểm của TP là tập trung, thống nhất đồng bộ trong việc xem xét xử lý vụ việc này. “TP.HCM chưa có đủ thẩm quyền xử lý vụ này mà chỉ tham gia hỗ trợ để xử lý. Còn thuế, gian lận thương mại thì cơ quan trung ương sẽ xem xét và có ý kiến” - ông Hoan nói.
Chậm lại một chút để sau này dễ quản lý
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu tạm dừng tất cả dự án BT (xây dựng-chuyển giao) đang thảo luận đàm phán. “Các dự án BT đang thảo luận đàm phán phải đình lại hết, có quy trình sẽ làm tiếp. Còn cái nào đã có chỉ đạo của Chính phủ rồi thì cứ tiếp tục làm. Sở KH&ĐT làm việc với các DN để thông tin rõ ràng, chậm lại một chút để sau này dễ dàng trong quản lý mà vẫn đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư” - ông Phong nói.
Chủ tịch Phong cũng cho biết trong tuần này sẽ có hội thảo về quản lý các dự án BT trên địa bàn TP. Các nội dung làm việc của hội thảo về BT là đánh giá quy trình, đề xuất giải pháp quản lý các dự án này như thế nào, công khai, tránh trường hợp lợn cợn chuyện bị tác động bởi các yếu tố khác.
“Việc thực hiện các dự án này phải theo hướng hết sức công khai, minh bạch, đảm bảo các quy định của pháp luật nhưng cũng phải thông thoáng, tạo điều kiện cho các DN đầu tư” - ông Phong nói và cho rằng quy trình làm dự án BT phải đảm bảo làm sao khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai và tài sản của Nhà nước.
Có việc sử dụng đất công không đúng mục đích
Tại buổi họp báo trưa cùng ngày, liên quan đến vấn đề sử dụng đất công được nhiều PV đề cập, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng thừa nhận những biểu hiện sử dụng đất chưa hiệu quả, không đúng mục đích được giao như báo nêu là có.
Ông Thắng cho biết những việc này cũng đang nằm trong quá trình kiểm tra của Sở TN&MT và các quận, huyện. Trong giai đoạn 2010-2015, qua rà soát đã thu hồi 576 dự án đã được chấp thuận chủ trương nhưng chậm triển khai. Hiện nay TP đang tiếp tục rà soát ở giai đoạn năm 2016-2020 khoảng 1.283 dự án, trong đó có khoảng 280 dự án có dấu hiệu chậm tiến độ. “Chúng tôi tập trung phân loại và đối chiếu quy định pháp luật để xử lý” - ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, điều đó cho thấy kể cả đã có chủ trương nhưng khi sử dụng không đúng mục đích đất được giao hoặc không làm đều bị xử lý. “Vừa rồi Chính phủ cũng tạm dừng thực hiện Quyết định 09 năm 2007 về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Hướng là sẽ sửa quyết định này để làm sao sử dụng đất hiệu quả nhất. Bởi đất đai là nguồn lực rất lớn sau nguồn lực về vốn” - ông Thắng nói.
Không có cơ sở vụ “con sếp có ngàn hecta đất” Tại cuộc họp báo vào trưa cùng ngày, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng thông tin con trai của phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM mua 950 ha đất quanh sân bay Long Thành là không có cơ sở, không được kiểm chứng. Từ vụ việc này, ông Hoan cho rằng trong việc chống tham nhũng, tiêu cực rất nhạy cảm và không có vùng cấm nhưng báo chí nên hết sức cẩn trọng, kiểm tra thật chi tiết và nếu phát hiện ra các vụ tham nhũng, tiêu cực cứ mạnh dạn phản ánh với chính quyền TP. Ông Võ Văn Hoan cũng cho biết hiện nay có rất nhiều trường hợp mạo danh cán bộ lãnh đạo để vòi vĩnh DN hoặc là những người đang có nhu cầu quen người này, quen người kia làm lãnh đạo. “Trong thực tế đã có xảy ra rồi và hiện nay các lãnh đạo rất bức xúc” - ông Hoan nói. ông cũng cho biết TP.HCM kiên quyết xử lý và đã có đề nghị cơ quan chức năng thẩm tra, kiểm tra lại số điện thoại, con người, địa chỉ và những vụ việc cụ thể để xem xét có hướng xử lý. Vì việc này ảnh hưởng đến uy tín của lãnh đạo. |