Đó là nhận định của nhiều chuyên gia, đại biểu trong hội thảo khoa học “Cơ chế đầu tư BT - những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện” do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức vào sáng nay (19-10).
Tại hội thảo, nhiều đại biểu chỉ ra các vấn đề bất cập trong hình thức đầu tư BT.
Cơ hội thâu tóm đất “vàng”
Mở đầu hội thảo, ông Hồ Đức Phớc, Tổng KTNN, cho rằng cùng với BOT, các hợp đồng xây dựng theo hình thức BT đóng vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng, là công cụ hữu hiệu để huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong, ngoài nước. So với BOT, BT hiện ít vấp phải phản ứng dư luận hơn do người dân không phải trực tiếp bỏ tiền túi thanh toán và thông tin về các dự án cũng ít hơn.
Tuy nhiên, BT cũng rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai, minh bạch vì lợi ích nhóm, những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa hoặc những diện tích rộng lớn của địa phương.
Đồng quan điểm, ông Phạm Quang Tú, chuyên gia Oxfam, đặt vấn đề cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” hiện nay còn mù mờ, giá trị đem ra đánh đổi như thế nào? Cụ thể, giá trị con đường được xây dựng do ai đánh giá chất lượng, ai định giá, quyết toán, kiểm toán hay chỉ lấy theo giá trị khái toán trong dự án đầu tư.
Tương tự, đất đai hai bên đường đem đổi lấy con đường được tính theo giá đất nông nghiệp hay đất ở, tại thời điểm đã có con đường hay chưa. Tất cả phần giá trị đổi chác được quy định hoàn toàn thiếu minh bạch và Nghị định 15/2015 lại trao toàn quyền cho Bộ Tài chính quyết định. Điều này chứa đựng nguy cơ tham nhũng rất cao.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Đình Hòa, Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, nhận định BT là một giao dịch đầu tư-thương mại điển hình phi thị thường và lợi ích nhóm. Như một hệ lụy tất yếu, thất thoát trong dự án BT sẽ là thất thoát kép.
Thất thoát thứ nhất, cơ sở hạ tầng mà dự án BT đưa ra chào do không có cạnh tranh nên không phản ánh theo giá thị trường. Lợi ích của nhà đầu tư ở chỗ các dự án BT đến nay đều được chỉ định thầu, việc xác định tổng mức đầu tư, quyết toán, thực hiện “hàng đổi hàng” đều do cơ quan quản lý và doanh nghiệp tự thương thảo với nhau, người dân không tham gia trực tiếp nên không biết, không phản ứng hay ủng hộ.
Thất thoát thứ hai là từ đất đai. Nhiều ý kiến cho rằng ở thời điểm ký hợp đồng BT, hầu hết quỹ đất thanh toán chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất nên việc xác định giá trị không có căn cứ pháp lý.
Đường Lê Văn Lương kéo dài, một trong những dự án BT tại Hà Nội, vừa bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm.
Hầu hết dự án đều chỉ định thầu
Báo cáo tại hội thảo, bà Trương Hải Yến, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN, cho biết qua kiểm toán 21 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT cho thấy có nhiều bất cập, hạn chế.
Theo quy định, các dự án đầu tư mới từ nguồn ngân sách nhà nước đều phải là những dự án cần thiết, thực sự cấp bách. Tuy nhiên, các dự án BT về bản chất là sử dụng từ ngân sách nhưng các văn bản pháp luật hiện nay không quy định về điều này. Thực tế, hầu hết các dự án BT không nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn, không được thông qua HĐND, không thể hiện được sự cần thiết, cấp bách.
Ngoài ra, hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, không thực hiện đấu thầu, điều này làm giảm sự cạnh tranh, tiềm ẩn rủi ro,… Việc giao đất đã giải phóng mặt bằng không thông qua hình thức đấu giá là chưa phù hợp quy định của Luật Đất đai 2013, là kẽ hở “xin-cho” tạo ra thất thoát.
Cùng với đó, quy định về thời điểm giao đất thanh toán dự án BT và thời điểm giao dự án còn bất cập, không rõ ràng dẫn đến thanh toán dự án bằng quỹ đất không đảm bảo nguyên tắc ngang giá,…
Ông Phạm Quang Tú cho rằng cần giới hạn phạm vi áp dụng đầu tư theo hình thức BT. Cụ thể, chỉ áp dụng tại các địa phương kém phát triển, nguồn thu ngân sách yếu, hạ tầng chưa đủ để thu hút đầu tư. Tại các địa phương có hạ tầng phát triển tốt thì không dùng BT mà phải thực hiện cơ chế Nhà nước đấu giá đất để lấy tiền phát triển hạ tầng, khuyến khích đầu tư công tư đối tác theo các hình thức khác (BOT, BTO, BOO, BTL,…).
Nếu đã triển khai dự án BT, không cho phép giao đất để trả cho nhà đầu tư hạ tầng trước khi nghiệm thu, hoàn thành đánh giá chất lượng, định giá giá trị; công khai, minh bạch toàn bộ thông tin về dự án, tạo cơ chế để người dân địa phương tham gia giám sát,…
Một giải pháp quan trọng khác, được nhiều đại biểu đưa ra, đó là tăng cường sự kiểm soát của cơ quan chức năng, trong đó có KTNN. Các dự án BT là đối tượng kiểm toán của KTNN, do đó KTNN phải tổ chức kiểm toán để có những đánh giá, kiến nghị nhằm đảm bảo sự công khai, minh bạch, hiệu quả trong đầu tư và quản lý.