Chính phủ trình trung ương chính sách tiền lương mới

(PLO)- Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay Chính phủ sẽ trình trung ương, Quốc hội việc cải cách tổng thể chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết 27 kể từ ngày 1-7-2024.

Ngày 3-10, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bước vào ngày làm việc thứ hai. Một trong những nội dung đáng chú ý là trung ương đã thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước ba năm 2024-2026 và lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng đã thay mặt Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội (QH) báo cáo về công tác quản lý cán bộ, công chức. Tại báo cáo này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay thực hiện ý kiến của Bộ Chính trị và QH, Chính phủ sẽ trình trung ương, QH việc cải cách tổng thể chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương kể từ ngày 1-7-2024.

Sáu nội dung của chế độ tiền lương mới

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 107 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 27. Theo đó, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan xây dựng sáu nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới theo chức vụ, chức danh, vị trí việc làm, gắn với lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước và các giải pháp tài chính tạo nguồn cho cải cách tiền lương.

Từ năm 2020 đến nay, do tác động bất lợi của nhiều yếu tố, đặc biệt là đại dịch COVID-19 đã làm cho nền kinh tế và ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn. Do vậy, Hội nghị Trung ương 13 khóa XII (tháng 10-2020) và Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII (tháng 10-2021) đã xem xét, quyết định lùi thời điểm thực hiện chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết 27.

w-p3-cai-cach-tien-luong.jpg
Xây dựng vị trí việc làm của cán bộ, công chức là một trong những cơ sở để thực hiện việc cải cách tiền lương. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Thực hiện Nghị quyết 69/2022 của QH về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2023 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng (tăng 20,8%) từ ngày 1-7-2023. Việc này để giúp giảm bớt khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, đồng thời điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công theo mức lương cơ sở cho phù hợp.

“Chính sách tiền lương còn thấp, chưa thực sự tạo động lực để cán bộ, công chức toàn tâm, toàn ý với công việc” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh và đánh giá đây là một trong những nguyên nhân chủ quan dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý cán bộ, công chức hiện nay.

18.867

là số công chức mà các bộ, ngành địa phương đã tuyển dụng trong giai đoạn 2020-2022 (tính đến tháng 6-2022).

Trong sáu tháng đầu năm 2023, các địa phương đã tuyển dụng 2.242 công chức để kịp thời bổ sung số công chức nghỉ hưu, nghỉ việc, thôi việc.

Cả nước cũng đã tuyển dụng được 334 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo quy định tại Nghị định 140/2017.

Trong năm 2021 có hơn 12.650/247.700 công chức bị xử lý vi phạm; năm 2022 con số này là hơn 10.440/254.760 công chức.

Vị trí việc làm - tiền đề để cải cách tiền lương

Cũng tại báo cáo này Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay trên cơ sở quán triệt yêu cầu khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm, coi đây là giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách tiền lương, Chính phủ ban hành Nghị định 62/2020 quy định về vị trí việc làm và biên chế công chức. Đây là căn cứ để xác định vị trí việc làm, biên chế công chức và cơ cấu ngạch công chức.

Theo đó, việc xây dựng vị trí việc làm được tiếp cận theo phương pháp mới khoa học và phù hợp với thông lệ quốc tế, đã khắc phục được những hạn chế thời gian qua. Cụ thể, các bộ quản lý chuyên ngành, lĩnh vực xây dựng danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc, khung năng lực của từng vị trí việc làm theo ngành, lĩnh vực quản lý để các bộ, ngành khác và địa phương thống nhất áp dụng.

Kết quả xây dựng danh mục vị trí việc làm, danh mục vị trí việc làm cán bộ, công chức có 861 vị trí; danh mục vị trí việc làm cán bộ, công chức cấp xã có 17 vị trí.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết đến nay đã có 16/20 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành thông tư về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành, làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Các thông tư còn lại sẽ được các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung rà soát, chỉnh lý và ban hành trong thời gian tới.

“Trong quý IV-2023, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phê duyệt vị trí việc làm công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc phạm vi quản lý” - bà Trà nói và cho biết đây là cơ sở để từng bước cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Đồng thời, đổi mới công tác tuyển dụng, quản lý, bố trí, sử dụng, đánh giá, đào tạo, quy hoạch cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, đặc biệt là hướng tới trả lương theo vị trí việc làm.

Ngân sách dành cho cải cách tiền lương dư gần 263.000 tỉ đồng

Tại báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ QH về tình hình thực hiện Nghị quyết 74/2022 của QH về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ cho hay đến cuối năm 2021, nguồn cải cách tiền lương từ ngân sách trung ương chưa sử dụng hơn 54.500 tỉ đồng, trong đó các bộ, ngành chưa dùng gần 82 tỉ đồng. Các địa phương cũng dư tiền dành cho cải cách tiền lương gần 208.500 tỉ đồng.

Như vậy, đến cuối năm 2021, ngân sách dư gần 263.000 tỉ đồng cho cải cách tiền lương nhưng chưa thực hiện. Số tiền dư tới cuối năm 2022, Bộ Tài chính đang đốc thúc các đơn vị báo cáo, sẽ trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

Hiện việc quản lý, sử dụng nguồn cải cách tiền lương được quy định tại Nghị quyết 27 của trung ương, Nghị quyết 23 của QH về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công năm 2021-2025.

Chính phủ cho biết Bộ Tài chính sẽ rà soát, thống kê và báo cáo QH đầy đủ nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa sử dụng của từng bộ, ngành, địa phương tại thời điểm 31-12-2022.

Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH hôm 18-9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay bộ này sẽ đề xuất cơ chế quản lý, sử dụng nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa sử dụng đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm