Thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký báo cáo về công tác quản lý cán bộ, công chức gửi các đại biểu Quốc hội.
Hơn 23.000 công chức bị xử lý kỷ luật
Theo Chính phủ, giai đoạn 2020-2022 (tính đến tháng 6-2022), các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng hơn 18.800 công chức. Trong sáu tháng đầu năm 2023, các địa phương đã tuyển dụng hơn 2.240 công chức để kịp thời bổ sung số công chức nghỉ hưu, nghỉ việc, thôi việc.
Riêng tuyển dụng thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, đến nay, cả nước đã tuyển dụng được 334 người, trong đó có 167 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, 167 cán bộ khoa học trẻ.
Dẫn báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết kết quả đánh giá công chức cả nước trong năm 2022 có khoảng 18% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hơn 65% hoàn thành tốt nhiệm vụ; hơn 11% hoàn thành nhiệm vụ và gần 5,8% không hoàn thành nhiệm vụ (tỉ lệ này tính trên tổng số gần 254.800 công chức).
Trong năm 2021, có hơn 12.650 công chức bị xử lý vi phạm (chiếm tỉ lệ hơn 5,1% trên tổng số hơn 247.700 công chức). Năm 2022, hơn 10.440 công chức bị xử lý vi phạm (tỉ lệ 4,1% trên tổng gần 254.760 công chức). Số công chức bị kỷ luật năm 2022 giảm so với năm 2021 là 2.209 người.
“Còn biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị”
Theo báo cáo của Chính phủ, công tác quản lý cán bộ, công chức đã có có nhiều đổi mới. Cơ chế, chính sách về công tác công vụ, công chức được sửa đổi, bổ sung bảo đảm thống nhất với quy định của Đảng, đúng thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật...
Dù các quy định về quản lý cán bộ, công chức tuy đã được thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời nhưng vẫn còn nội dung chưa theo kịp yêu cầu. Cạnh đó, chưa có nhiều cơ chế, chính sách để thu hút, trọng dụng người có tài năng trong hoạt động công vụ. Việc thể chế hóa chủ trương tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo còn chưa rõ nét.
“Việc đổi mới cơ chế quản lý công chức theo vị trí việc làm còn chậm, chưa đồng bộ. Công tác bổ nhiệm cán bộ vẫn còn trình trạng bổ nhiệm khi chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện” - báo cáo của Chính phủ thừa nhận.
Ngoài ra, công tác tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức ở một số bộ, ngành, địa phương chất lượng chưa cao, chưa có nhiều đổi mới cho phù hợp với tiến trình đẩy mạnh cải cách công chức, công vụ.
Một hạn chế khác được nêu là việc đánh giá cán bộ, công chức tại một số cơ quan, đơn vị chưa phản ánh đúng thực chất, chưa tạo động lực để phát huy hết năng lực của cán bộ, công chức. Đào tạo, bồi dưỡng một số nơi chưa thực sự gắn với quy hoạch và yêu cầu của vị trí việc làm.
“Chính sách tiền lương còn thấp, chưa thực sự tạo động lực để cán bộ công chức toàn tâm, toàn ý với công việc” - theo Chính phủ.
Tại báo cáo, Chính phủ cũng đánh giá trình độ, phẩm chất, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức còn nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh xây dựng xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và hội nhập quốc tế.
“Trật tự, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, vẫn còn biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sách nhiễu, gây phiền hà khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, tổ chức” - báo cáo của Chính phủ nêu.
Mặt khác, hoạt động kiểm tra trên lĩnh vực công chức, công vụ tại nhiều nơi còn chưa thường xuyên, kịp thời. Một số nơi, người đứng đầu chưa phát huy hết trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, chưa gương mẫu, còn thụ động, né tránh, trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên.
Đẩy mạnh phân cấp về quản lý cán bộ, công chức
Báo cáo Chính phủ cũng điểm lại các nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại, hạn chế trên. Trong đó, Chính phủ đánh giá tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức còn thấp, chưa thực sự tạo động lực, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức tâm huyết, toàn tâm, toàn ý, cống hiến trong quá trình thực thi công vụ.
Nhận thức, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ còn hạn chế; năng lực, phẩm chất, uy tín của một số cán bộ, công chức, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng tại nhiều nơi chưa được coi trọng đúng mức.
Thời gian tới, Chính phủ cho biết sẽ nghiên cứu tổng kết, đánh giá tổng thể, toàn diện các quy định về quản lý cán bộ, công chức tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và pháp luật có liên quan, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 12 để báo cáo Quốc hội các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức cho phù hợp.
Chính phủ cũng sẽ tiếp tục rà soát để trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công vụ và các quy tắc ứng cử của cán bộ, công chức.
"Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp về quản lý cán bộ, công chức gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, phát huy vai trò người đứng đầu" - báo cáo nêu và nhấn mạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực, xử lý nghiêm minh, kịp thời những sai phạm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính.