TP.HCM cần làm gì để thu hút người tài? - Bài 2: Cần cơ chế rõ ràng, bền vững, đãi ngộ tương xứng

(PLO)- TP.HCM cần cải thiện các chính sách về lương, thu nhập, môi trường làm việc và có những cơ chế riêng, đặc thù trong tuyển dụng nhằm thu hút người tài về làm việc trong bộ máy công.

Cuối tháng 7-2023, Thủ tướng phê duyệt chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những mục tiêu đáng chú ý của chiến lược là phấn đấu đạt 100% nhân tài (được công nhận) tiếp tục ở lại làm việc sau năm năm được thu hút và trọng dụng làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước.

P4_bai2_thinguyen_pthao.jpg
Hoạt động nghiên cứu ở ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: THANH THÙY

Nên có cơ chế riêng để chủ động tuyển dụng người tài

Tại TP.HCM, địa phương đã có kế hoạch tuyển dụng công chức, viên chức TP từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ năm 2023. Dự kiến trong tháng 9-2023 này, TP.HCM cũng sẽ tuyển dụng 12 công chức và 51 viên chức.

Việc thu hút, trọng dụng nhân tài luôn là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước và của TP.HCM nhưng cơ chế cũng như các chính sách nhằm giữ chân họ ở lại còn nhiều bất cập.

TP.HCM cần có chính sách thu hút riêng chứ không thể áp dụng chính sách chung như các nơi khác.

Theo TS Nguyễn Thị Thiện Trí (Trường ĐH Luật TP.HCM), một trong những nguyên nhân khiến việc thu hút các sinh viên, người có tài năng của TP gặp khó là do cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ còn mang tính chất truyền thống.

TS Trí cho rằng TP chưa thị trường hóa lao động khu vực công mà vẫn đặt nặng tư duy lao động theo kiểu công chức. Tiêu chí lựa chọn cũng khác với khu vực tư nhân như phải đảm bảo các tiêu chuẩn khác ngoài chuyên môn.

Dù TP đã có chế độ đãi ngộ đầu vào nhưng dường như chưa tính đến đường dài. “Các cơ chế bảo đảm chưa bền vững, chưa xuyên suốt nên không tạo ra sự yên tâm cho người tham gia” - TS Trí nói.

Cũng theo bà Trí, hiện các chế độ, chính sách quản lý còn thiếu minh bạch và những người có năng lực, năng động không chọn vào khu vực công vì họ cảm thấy khó tìm được cơ hội phát triển.

“Một người tài năng muốn cống hiến thật sự sẽ chọn con đường mà họ nhìn thấy được tương lai, ít nhất là 5-10 năm sau họ như thế nào... Với một đô thị như TP.HCM, cần có chính sách thu hút riêng chứ không thể áp dụng chính sách chung như các nơi khác. Vì vậy, trung ương cần cho phép TP có quy định riêng, được đưa ra chính sách thu hút riêng, đặc thù, đặc biệt” - TS Trí khẳng định và nói trong chính sách thu hút TP phải xây dựng lộ trình rõ ràng, từ lúc đầu cũng như trong suốt thời gian họ làm việc.

TP cũng có thể áp dụng cơ chế trả lương theo hiệu quả công việc ngoài trả lương theo ngạch, bậc; có chính sách để kết hợp thi tuyển công chức và xây dựng chế độ đãi ngộ hợp lý.

“TP.HCM cần có cơ chế để chủ động hơn. Sự chủ động này bắt đầu từ việc tuyển dụng đến cơ chế sử dụng và chính sách về lương, sử dụng nhân sự…” - TS Trí nói.

Nghẽn cơ chế hấp thụ tri thức

Một TP năng động, hội tụ nhiều tiềm năng phát triển như TP.HCM nhưng vẫn thiếu chuyên gia, thiếu người. Phải chăng cơ chế hấp thụ tri thức nghẽn như cơ chế hấp thụ vốn hiện nay?

Qua nhiều năm làm việc với vai trò chuyên gia, được TP tin tưởng giao vai trò tập hợp các chuyên gia ở một số lĩnh vực, tôi nhận thấy những gì chuyên gia góp ý, đề xuất thì “không có ai nghe”.

Nhiều chuyên gia có ý tưởng phát triển tốt nhưng không ai trả lời là được hay không được, dù họ rất tâm huyết với cái họ nghiên cứu… chính điều này đã khiến họ nản.

Do đó, TP.HCM cần xây dựng cơ chế mà ở đó guồng máy hành chính có thể hấp thụ tri thức của chuyên gia khoa học. Sở KH&CN cùng Viện Nghiên cứu phát triển TP có thể phối hợp, tập hợp chuyên gia cùng xây dựng đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học.

Đề án này tập trung vào ba nội dung chính, gồm đánh giá toàn bộ tiềm năng của chuyên gia tại TP.HCM và cả khả năng của chuyên gia nước ngoài; những vướng mắc, tồn tại trong việc hấp thụ nguồn tri thức đó; cơ chế thu hút và đặc biệt là phải làm rõ TP này cần đột phá về cái gì, về cơ chế, chính sách gì.

TS TRẦN DU LỊCH, chuyên gia kinh tế,

chia sẻ tại một hội thảo do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức

Cơ chế làm việc chưa rõ ràng

Trong khi đó, TS Nguyễn Thành Trung, Trường ĐH Fulbright, cho rằng vấn đề đầu tiên trong chính sách thu hút người tài hiện nay là mức lương chưa tương xứng. Hệ thống lương vẫn theo thang bậc, điều này có thể đúng với một số nghề nghiệp khác nhưng lại không thích hợp trong lĩnh vực tri thức, đòi hỏi chuyên môn bằng cấp và đào tạo lâu dài.

“Bản thân tôi đã học xong tiến sĩ ở nước ngoài nhưng khi về nước làm việc trong rất nhiều năm trước đây, tôi chỉ nhận mức lương 5 triệu đồng/tháng khi đã hơn 30 tuổi” - ông Trung nói.

Theo TS Nguyễn Thành Trung, sau dịch COVID-19, số lượng cán bộ, công chức nghỉ việc rất nhiều. Do vậy, TP.HCM cần xây dựng chính sách hỗ trợ khác để có thể thu hút, giữ chân họ. Môi trường làm việc khu vực công hay tư thì cũng đều có những thách thức riêng, tuy nhiên khi nhìn vào hệ thống nhà nước, có thể thấy có những cơ chế làm việc không thực sự rõ ràng.

Ông cho rằng cơ chế đề bạt trong môi trường làm việc ở khu vực nhà nước không chỉ hoàn toàn dựa trên năng lực. “Vì vậy, cơ chế khuyến khích người tài hiện nay theo tôi là không hiệu quả” - ông Trung nhìn nhận và cho biết trong một khảo sát mà ĐH Quốc gia TP.HCM công bố cho thấy chỉ 10% trong số 20.000 sinh viên được khảo sát của khối ĐH Quốc gia muốn ở lại khu vực công sau khi ra trường.

“Con số này đáng buồn nhưng đã thể hiện đúng với thực tế hiện nay” - ông Trung nói thêm. Ông cũng cho rằng sinh viên có quyền cân, đo, đong, đếm xem nơi nào đánh giá đúng năng lực, trả giá đúng cho năng lực đó và chấp nhận làm việc.

TP.HCM cũng cần cải tiến môi trường làm việc. Bởi mọi thứ trong khu vực nhà nước hiện quá cồng kềnh, nặng về hành chính, thủ tục lòng vòng.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa tất cả mọi thứ là hướng đi mà TP đã đặt ra, đây là định hướng tốt nhưng cần hành động quyết liệt hơn.

“Những người giỏi, có năng lực thực sự sẽ luôn tìm kiếm cơ hội để phát triển bản thân. Vì vậy, môi trường làm việc để thu hút người tài là rất quan trọng. Chính quyền cần đặt mình vào vị trí của những người giỏi để trả lời câu hỏi: “Chúng tôi nhận được gì khi làm việc trong khu vực công?”” - ông Trung nói.•\

Trình đề án thu hút sinh viên theo Nghị quyết 98 vào cuối năm nay

Tháng 8-2023, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ký kế hoạch tuyển dụng công chức, viên chức TP từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ năm 2023; bổ sung đội ngũ công chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao và tạo nguồn cán bộ trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP.

Đối tượng đăng ký dự tuyển là sinh viên tốt nghiệp ĐH loại xuất sắc tại các trường ĐH trong nước hoặc nước ngoài, được công nhận tương đương về văn bằng, chứng chỉ theo quy định, có kết quả học tập và rèn luyện xuất sắc các năm học của bậc ĐH, trong độ tuổi quy định. Đồng thời phải đáp ứng một trong các tiêu chuẩn về việc đoạt giải trong các kỳ thi.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng đã yêu cầu Sở Nội vụ đẩy nhanh tiến độ đề án xây dựng nền công vụ TP.HCM ưu tú, với mục tiêu làm cho đội ngũ cán bộ, công chức tự hào làm việc trong bộ máy hành chính và cống hiến cho sự phát triển của TP.

Tại hội nghị mới đây, Sở Nội vụ TP.HCM thông tin: Sở này đang xây dựng về xây dựng đề án đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TP.HCM ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng nền công vụ ưu tú, hiệu lực, hiệu quả. Trong đề án này, sở cũng đã đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm tạo động lực giữ chân cán bộ, công chức, viên chức.

Sở Nội vụ TP.HCM cũng đang dự thảo tờ trình theo Nghị quyết 98 về chế độ, chính sách tuyển dụng, thu hút sinh viên làm việc trong cơ quan nhà nước. Hiện sở đang lấy ý kiến các cơ quan liên quan góp ý cho dự thảo tờ trình. Dự kiến sẽ trình HĐND TP.HCM xem xét tại kỳ họp cuối năm nay.

Trong nội dung này, Sở Nội vụ TP cho biết có đề xuất một số cơ chế thu hút như về tiền lương. Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, giỏi vào làm trong cơ quan nhà nước sẽ được hưởng gấp hai lần so với mức lương tối thiểu nếu có bằng ĐH, gấp ba lần nếu có bằng thạc sĩ và gấp bốn lần nếu có bằng tiến sĩ. Ngoài ra sẽ được hưởng thêm tỉ lệ phần trăm tính theo những sáng kiến mà họ đề xuất, tùy theo giá trị ngân sách đưa ra. Ngoài ra, sở này cũng xây dựng các chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm