Chính phủ xử lý quyết liệt vụ AVG, Vũ ‘nhôm’...

Ngày 3-5, phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng (PCTN), lãng phí, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục được tăng cường.

Theo Thủ tướng, Chính phủ đã xử lý quyết liệt nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận quan tâm như vụ AVG, đất đai tại Đà Nẵng, vụ Vũ “nhôm”, Út “trọc”, vụ đánh bạc trên Internet… Chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, hành động của Chính phủ, của bộ, ngành được xã hội đánh giá cao, đồng tình. Đây là điều kiện quan trọng tạo nên không khí mới trong đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng.

Vụ AVG: Các bên tích cực thực hiện kết luận thanh tra

Liên quan đến việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về dự án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của AVG (ngày 14-3), tại cuộc họp báo Chính phủ vào chiều tối cùng ngày, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam đã thông tin cho báo giới một số vấn đề.

Ông Lam cho hay qua theo dõi cho thấy MobiFone cũng như Bộ TT&TT, các cơ quan, đơn vị liên quan đang tích cực, khẩn trương triển khai thực hiện kết luận này. Trong đó có nội dung liên quan nhóm cổ đông AVG thanh toán, hoàn trả số tiền mà MobiFone đã mua 95% cổ phần của công ty này.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, tổng hợp, xem xét, xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp trên thì Thanh tra Chính phủ sẽ tổng hợp báo cáo” - ông Lam nói.

Như chúng tôi đã thông tin, đến nay AVG đã hoàn trả 8.445 tỉ đồng cho MobiFone. Ở chiều ngược lại, MobiFone cũng đã có văn bản gửi Bộ TT&TT để xin ý kiến liên quan đến thủ tục chuyển trả cổ phần đã mua của AVG trước đó.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4.  Ảnh: VGP

Theo đó, số tiền các cổ đông AVG trả cho MobiFone được thực hiện theo năm đợt, trong đó có bốn đợt trả vào tài khoản của MobiFone tại VietinBank với hơn 4.533 tỉ đồng, một đợt trả vào tài khoản của MobiFone tại BIDV với hơn 3.971 tỉ đồng.

Theo văn bản này, hiện MobiFone chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn về thủ tục chuyển trả cổ phần cũng như chuyển trả Công ty AVG cho các cổ đông và đơn vị này cũng chưa thực hiện chuyển trả lại cổ phần cho nhóm cổ đông. Từ đó, MobiFone kính báo với Bộ TT&TT và đề nghị Bộ sớm có hướng dẫn các bước tiếp theo cũng như đề nghị Thanh tra Chính phủ xác định số tiền các cổ đông chuyển nhượng phải trả để MobiFone thực hiện đúng quy trình.

Trước đó, ngày 12-3, tại trụ sở Bộ TT&TT, nhóm cổ đông và hội đồng thành viên, ban tổng giám đốc MobiFone đã có cuộc họp, trao đổi về việc chấm dứt hợp đồng mua AVG với nguyên tắc: Nhóm cổ đông MobiFone thống nhất việc chấm dứt hợp đồng; MobiFone hoàn trả toàn bộ cổ phần AVG cho nhóm cổ đông; nhóm cổ đông hoàn trả đầy đủ số tiền MobiFone đã thanh toán cộng với tiền lãi và các chi phí liên quan. Việc này được thực hiện trong vòng 90 ngày kể từ ngày hai bên ký “thỏa thuận nguyên tắc”. 

Trạm BOT Cai Lậy: Nghiêng về phương án giảm giá vé

Cũng tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 3-5, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết về vấn đề BOT Cai Lậy hiện bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm phương án khác nhau, có phân tích những ưu điểm và hạn chế của từng phương án... Sau đó Thủ tướng Chính phủ đã họp và có kết luận. Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang xem xét xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể và quyết định thời điểm tổ chức thu giá.

“Phương án thứ nhất là giữ nguyên trạm hiện tại và giảm mức thu. Cụ thể, giảm giá từ 35.000 xuống 15.000 đồng đối với xe con. Đây được đánh giá là phương án tối ưu trong bối cảnh hiện tại vì nó ít tác động nhất đến việc tổ chức giao thông trong nội đô của thị xã Cai Lậy, ít tác động tiêu cực về ô nhiễm môi trường” - ông Đông nói.

Phương án thứ hai là đặt thêm một trạm nữa trên tuyến tránh, song song thu phí của hai trạm này, khi hoàn vốn phần tiền cho quốc lộ 1 thì dỡ trạm trên quốc lộ 1, hoàn vốn của tuyến tránh thì kết thúc toàn bộ dự án.

Lãnh đạo Bộ GTVT phân tích phương án này sẽ phát sinh kinh phí đầu tư xây dựng trạm thu giá ở vị trí mới, từ đó chi phí thu sẽ tăng lên, kéo dài thời gian thu phí và ảnh hưởng tới người dân.

Qua so sánh, ông Đông đánh giá phương án thứ nhất có nhiều ưu điểm hơn. “Trên cơ sở kết luận của Thủ tướng, Bộ GTVT sẽ thực hiện chỉ đạo, tiếp tục triển khai, phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Tiền Giang để tính toán chi tiết các vấn đề đặt ra, làm tốt công tác truyền thông. Khi Chính phủ quyết định thời gian cụ thể, chúng tôi sẽ thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng và thông báo đến người dân” - Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới