Đền Bà Kiệu tại 59 phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà nội là di tích đạo Mẫu quý giá của Thủ đô, từ năm 1994 đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Nhưng do biến động lịch sử, trong khuôn viên di tích này đang có một doanh nghiệp và 7 hộ dân làm ăn, sinh sống.
Những năm gần đây, với yêu cầu bảo tồn di tích, Hà Nội đã nỗ lực vận động người dân trả lại mặt bằng. Cuộc đối thoại do quận Hoàn Kiếm tổ chức đến tối muộn hôm qua, 21-8 là những bước đi cụ thể.
Chuẩn bị giải phóng mặt bằng
Khu đất phải giải tỏa để tôn tạo đền Bà Kiệu rộng khoảng 250m2 án ngữ vị trí khá đắc địa với mặt nhìn ra hồ Hoàn Kiếm.
Tại hội nghị đối thoại, 5/7 hộ dân đã có ý kiến xung quanh các nội dung như xác định công trình phụ trợ của di tích; công khai dự án bằng cách treo pano trước dự án để người dân được biết; xin đất ngoại thành thay vì bố trí nhà chung cư...
Còn đại diện Công ty CP Mỹ thuật và vật phẩm văn hoá Hà Nội thì bày tỏ sự ủng hộ chủ trương tôn tạo di tích đền Bà Kiệu, nhưng đề nghị chính quyền hỗ trợ thêm trong bồi thường, giải phóng mặt bằng như công văn đơn vị này gửi UBND quận Hoàn Kiếm trước đó.
Giải đáp ý kiến của bà con, đại diện Sở VHTT Hà Nội dẫn quy định của Luật Di sản văn hóa cùng các Nghị định 166, Nghị định 98, Thông tư 15 về tu bổ, phục hồi di tích. Theo đó, khu vực 1 có yếu tố gốc cấu thành di tích bao gồm bản thân kiến trúc chính, sân vườn ao và các công trình thuộc di tích. Các diện tích này thuộc diện giải phóng mặt bằng nên mong các hộ dân ủng hộ, chia sẻ.
“Như di tích này, kiến trúc chính gồm đền Bà Kiệu, nhà Tiền đế, Trung cung, Hậu cung cùng sân, vườn, ao, tam quan. Còn đối với công trình phụ trợ là phần kiến trúc không phải để ở mà là phục vụ cho bảo vệ và phát huy giá trị di tích” - đại diện sở VHTT Hà Nội nêu.
Như thế, theo quy định hiện hành, các kiến trúc chính, hạng mục chính là khu vực 1 phải giữ nguyên trạng, bất khả xâm phạm. Còn với ý kiến của một số hộ dân, đề nghị đầu tư các công trình phục vụ di tích thì phải được sự chấp thuận của Bộ VHTT&DL, hiện vượt thẩm quyền của địa phương.
Sau khi có mặt bằng sạch, việc xây dựng các công trình này thế nào sẽ được báo cáo UBND Hà Nội để đề xuất tới Bộ VHTT&DL.
Với các nội dung đối thoại như vậy, Phó Chủ tịch quận Hoàn Kiếm Trịnh Hoàng Tùng cho biết sẽ tổng hợp các nội dung báo cáo thành phố.
Dự kiến, sau triển khai dự án, quận Hoàn Kiếm sẽ bàn giao lại để Sở VHTT Hà Nội tiếp nhận, trình thành phố để có một dự án đầu tư tôn tạo tổng thể. Ông Tùng mong muốn các hộ dân đồng hành với quận, vì mục đích chung là bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Có thể phải cưỡng chế
Trước đây một tuần, chính quyền quận Hoàn Kiếm đã ban hành các quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với 7 hộ dân và 1 tổ chức để giải phóng mặt bằng, phục vụ công tác tôn tạo di tích đền Bà Kiệu.
Theo quyết định này, việc cưỡng chế thu hồi có thể được tiến hành trong thời gian từ ngày 14-8 đến 30-9. Nhưng nếu đối thoại thành công, đôi bên đi đến thỏa thuận hợp lý thì người dân sẽ tự nguyện bàn giao mặt bằng mà chính quyền không phải mạnh tay.
Để có cơ sở cho thỏa thuận này, ngày 1-7, UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành quyết định phê duyệt giá đất để tính toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
Giá dùng để tham khảo gồm giá đất mặt tiền, tức vị trí số 1, của ba phố cổ gồm Đinh Tiên Hoàng (hơn 419 triệu đồng/m2), Hàng Dầu (hơn 352 triệu đồng/m2), Lò Sũ (hơn 279 triệu đồng/m2); và đất sâu bên trong, tức vị trí 4, phố Đinh Tiên Hoàng (gần 128 triệu đồng/m2).