Sáng ngày 22-5, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã tiến hành cưỡng chế thu hồi, giải phóng mặt bằng với 8 hộ dân trú tại khu biệt thự cũ, góc ngã tư Ngô Quyền - Trần Hưng Đạo, để thực hiện dự án xây dựng trường Tiểu học Võ Thị Sáu.
Công tác cưỡng chế được triển khai hai tuần sau khi UBND quận Hoàn Kiếm ra thông báo cưỡng chế, và đăng tải kế hoạch này trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Diễn biến cuộc cưỡng chế sáng nay cho thấy, các hộ dân này dù chưa thực sự tự nguyện nhưng đã chủ động thu dọn đồ đạc, chuyển đi nơi khác. Việc cưỡng chế được tổ chức nhanh gọn, không căng thẳng.
Đây là kết quả của một thời gian dài, quận Hoàn Kiếm tích cực, vận động, thuyết phục, xây dựng chính sách và phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo hướng có lợi nhất đối với các hộ dân ở khu đất vàng.
Như PLO đã đưa tin, các hộ dân này sinh sống trong khuôn viên biệt thự cũ thuộc sở hữu nhà nước, với diện tích khoảng 1.200m2, tại địa chỉ 43F-47C Ngô Quyền và 36A Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Cơ sở nhà đất này trước đây do Nhà máy văn hóa phẩm Hồng Hà và 25 đơn vị, cá nhân khác sử dụng. Năm 1993, chính quyền có chủ trương thu hồi khu đất để xây dựng trụ sở Kho bạc Nhà nước và sau đó thu hồi đất của 1 tổ chức và 10 cá nhân.
Đến năm 2014, Hà Nội điều chỉnh chủ trương, giao quận Hoàn Kiếm giải phóng mặt bằng với 15 hộ dân còn lại để có mặt bằng triển khai dự án xây dựng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu.
Sau nhiều lần trao đổi, thuyết phục, gần đây nhất, UBND quận đã đề xuất phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư với tổng giá trị 163 tỉ đồng, cao hơn rất nhiều so với mức 37,6 tỉ đồng đề xuất năm 2023.
Sau đó, đã có 7 hộ dân nhận tiền đền bù, tự nguyện giao mặt bằng cho quận Hoàn Kiếm. 8 hộ còn lại không chịu bàn giao mặt bằng, dẫn đến việc chính quyền địa phương phải quyết định cưỡng chế.
Với kết quả cuộc cưỡng chế được tổ chức sáng nay, UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định mọi việc đã diễn ra công khai, an toàn, đúng trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền và các quy định hiện hành.