Chính thức công bố kế hoạch 180 ngày hành động gỡ thẻ vàng thủy sản

(PLO)- Chi tiết Kế hoạch hành động 180 ngày với 6 giải pháp cần được triển khai ngay và 8 giải pháp lâu dài, để đưa Việt Nam ra khỏi diện thẻ vàng IUU của EC.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều nay, 20-2, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị công bố Kế hoạch hành động chống khai thác IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 4. Đây là kế hoạch của Thủ tướng, thể hiện trong Quyết định 81/QĐ-TTg ngày 13-2.

Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì công bố Kế hoạch hành động 180 ngày chống khai thác IUU.
Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì công bố Kế hoạch hành động 180 ngày chống khai thác IUU.

180 ngày hành động trước khi EC vào thanh tra lần 4

Mở đầu hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngày 23-10-2017, Uỷ ban Châu Âu (EC) đã đã đưa ra thẻ vàng cảnh báo với thuỷ sản khai thác Việt Nam. Cùng với đó, EC đã tiến hành ba đợt thanh tra.

Để gỡ thẻ vàng, Thủ tướng Chính phủ đã có ít nhất hai lần chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương. Gần đây nhất, ngày 13-2, Thủ tướng ra Quyết định về Kế hoạch triển khai 180 ngày hành động trước khi EC vào thanh tra lần 4.

Về các giải pháp mà Việt Nam triển khai từ khi bị EU áp thẻ vàng đến nay, Thứ trưởng Tiến cho hay, qua ba lần thanh tra trước, EC đánh giá các giải pháp của Việt Nam đi đúng hướng, có chuyển biến tích cực, nhưng chưa đạt yêu cầu để gỡ thẻ vàng, thậm chí có giai đoạn “nguy cơ thẻ đỏ cận kề”.

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 28 tỉnh, thành phố ven biển. Ảnh: AH

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 28 tỉnh, thành phố ven biển. Ảnh: AH

Qua thanh tra, EC đưa ra 4 nội dung quan trọng mà Việt Nam cần phải đáp ứng.

Thứ nhất, khung pháp lý. Việt Nam nhận thức rõ vấn đề này, đã ban hành Luật Thuỷ sản 2017 cùng một loạt nghị định, thông tư, các văn bản quy phạm pháp luật, hình thành khung pháp lý cho yêu cầu tháo gỡ thẻ vàng.

Thứ hai, quản lý, giám sát đội tàu. Thứ trưởng Tiến thông tin số lượng tàu vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn. Từ đầu năm đến nay đã có 6 tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, chủ yếu ở Malaysia, trong đó Bình Định 3 tàu, Khánh Hoà 1 tàu, Bình Thuận 2 tàu.

“Nếu không quản lý được đội tàu, còn vi phạm vùng biển nước ngoài thì không gỡ được thẻ vàng. Đây là vấn đề mấu chốt phải giải quyết” - ông Tiến nhấn mạnh.

Thứ ba, truy xuất nguồn gốc, quản lý cả sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm đánh bắt trên biển.

Thứ tư là việc thực thi pháp luật chưa đồng đều, chưa hiệu lực hiệu quả. Rất nhiều thông tin tàu vi phạm gửi các địa phương, nhưng chỉ yêu cầu các chủ tàu ký cam kết, nhiều tỉnh chỉ lập biên bản, không xử lý hành chính. Ngoài ra, hạ tầng nghề cá vẫn còn rất yếu kém, chỉ mới đáp ứng 15-18%. Sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương còn hạn chế.

“Thẻ vàng ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu thuỷ sản. Trước đây, khi xuất khẩu thuỷ sản sang châu Âu, thủ tục chỉ mất 1-3 ngày, bây giờ 2-3 tuần. Không những thế còn ảnh hưởng đến vị thế của thuỷ sản Việt Nam trên trường quốc tế. Nếu không gỡ được thẻ vàng sẽ ảnh hưởng đến đời sống ngư dân, ảnh hưởng ngành thuỷ sản, vị thế của đất nước” - lãnh đạo Bộ NN&PTNT nói.

6 nhiệm vụ, giải pháp từ nay đến tháng 5-2023

Tại hội nghị, Bộ NN&PTNT đã công bố Quyết định 81/QĐ-TTg về "Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4".

Theo đó, Quyết định 81 đưa ra sáu nhiệm vụ, giải pháp từ nay đến tháng 5-2023.

(1) Thông tin truyền thông: Thực hiện chiến dịch thông tin truyền thông cả trong nước và trên diễn đàn quốc tế đảm bảo minh bạch, trung thực về nỗ lực chống khai thác IUU của Việt Nam. Đa dạng các hình thức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến cho cộng đồng ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan quy định về chống khai thác IUU.

(2) Khung pháp lý, cơ chế, chính sách: Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo khuyến nghị của EC và đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn theo trình tự, thủ tục rút gọn.

(3) Quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá: Hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) theo quy định. Cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).

Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại đồn/trạm biên phòng tuyến biển; kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào tại cảng cá theo đúng quy định đảm bảo thiết bị VMS hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng; theo dõi, giám sát 24/7 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá.

Xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương để kiểm soát 100% tàu cá của tỉnh hoạt động trên địa bàn ngoài tỉnh, tàu cá của tỉnh khác cập cảng làm xác nhận nhưng thực hiện chứng nhận tại tỉnh khác.

Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ chủ tàu cá mua, lắp thiết bị VMS và cước phí thuê bao vệ tinh để duy trì hoạt động thiết bị VMS.

(4) Xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác: Đảm bảo 100% hồ sơ các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU) và các thị trường khác có yêu cầu truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác.

(5) Thực thi pháp luật, xử lý vi phạm: Đến tháng 5-2023 chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

(6) Hợp tác quốc tế: Đàm phán, ký kết và tổ chức thực hiện đường dây nóng giữa Việt Nam và Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc để trao đổi thông tin, xử lý các vụ việc về tàu cá, ngư dân hai nước.

Ngoài 6 nhiệm, vụ giải pháp thực hiện từ nay đến tháng 5-2023, Quyết định 81 cũng đưa ra 8 nhiệm vụ, giải pháp lâu dài nhằm quản lý khai thác và phát triển bền vững ngành thuỷ sản vì lợi ích của người dân, của quốc gia, nâng cao vị thế, hình ảnh, trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế trong bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển bền vững góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh, chủ quyền biển, đảo của tổ quốc.

Quyết định 81 liệt kê các nhiệm vụ theo hai phụ lục, nêu rõ nội dung phải thực hiện, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, thời gian phải hoàn thành, sản phẩm chứng minh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm