Hôm nay, dự kiến toàn bộ 10 tuyến cao tốc trên cả nước chấm dứt thu phí thủ công để chuyển sang thu phí tự động không dừng (ETC) và chỉ duy trì một làn thu phí hỗn hợp tại mỗi trạm thu phí để xử lý sự cố.
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình: Không còn cảnh xếp hàng
Theo ghi nhận của PV, trong các ngày triển khai ETC, trạm thu phí trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cầu Giẽ - Ninh Bình không còn cảnh xe xếp hàng dài như thu phí thủ công trước đây. Mọi phương tiện đều thoát rất nhanh qua trạm, các nhân viên thu phí không phải xếp hàng để điều tiết giao thông.
Chưa thu phí cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Ngày 31-7, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết qua hơn 90 ngày vận hành phục vụ người dân lưu thông không thu phí, cao tốc này dự kiến ngày 1-8 sẽ đưa vào vận hành thu phí chính thức. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có ý kiến chính thức từ tỉnh Tiền Giang (cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
Trao đổi với PV, ông Lý Hoàng Chiêu, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết hiện tỉnh và doanh nghiệp dự án đã họp xong và cơ bản hai bên đã thống nhất phương án để chuẩn bị thu phí trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số vấn đề cần được xem xét kỹ càng hơn để thống nhất cao theo đúng quy định pháp luật và đúng với thực tiễn.
“Về phía tỉnh Tiền Giang cũng đã có văn bản gửi Bộ GTVT cho ý kiến về mức thu phí đối với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và tỉnh đang đợi ý kiến trả lời của Bộ GTVT. Sau đó tỉnh mới quyết định mức thu phí và thời gian thu phí chính thức trên tuyến này” - ông Chiêu nói. Đ.HÀ
Anh Dương Văn Thôn, ngụ Hà Đông (Hà Nội), khẳng định dán thẻ vào đi qua trạm rất nhanh, không phải mất thời gian như trước: “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc áp dụng công nghệ vào thu phí đường bộ như thế này. Hy vọng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ đồng bộ hoạt động này trên tất cả tuyến đường để thuận tiện cho người dân di chuyển” - anh Thôn nói.
Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Hải Long, phụ trách Trung tâm Giám sát vận hành đường cao tốc Việt Nam, khẳng định đến nay công việc lắp đặt trên các tuyến được giao nhiệm vụ đảm bảo an toàn gần như tuyệt đối, đồng thời đảm bảo về mặt công nghệ. Về các sự cố có thể xảy ra, ông Long cho biết đã có những kịch bản để xử lý. Ông cũng thừa nhận trong thời gian đầu vận hành khó tránh khỏi những trục trặc, nhưng quan trọng là các đơn vị phải phối hợp để xử lý kịp thời.
“Từ hôm nay, nếu chủ xe chưa nắm được chủ trương thu phí ETC hay thẻ ETC không đủ tiền sẽ được hướng dẫn làm thẻ ngay tại trạm…” - ông Long nói.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Xe không dán thẻ cho qua lần đầu
Chị Đỗ Thị Xuân Tuyết, nhân viên Trung tâm Khai thác vận hành đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cho hay ngày 31-7 là ngày làm việc thủ công cuối cùng của các nhân viên. Khi cao tốc đưa vào vận hành thu phí đường bộ theo hình thức ETC, các nhân viên sẽ được tăng cường về phụ trách hỗ trợ khách hàng.
Sau nhiều ngày đưa hệ thống thu phí không dừng vào hoạt động, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vẫn ùn ứ cục bộ do nhiều xe chưa dán thẻ ETC. Ảnh: HV |
Các tuyến cao tốc sẽ thu phí không dừng từ hôm nay. Đồ họa: HỒ TRANG |
Xe xếp hàng dài chờ dán thẻ ETC ở trạm Long Phước. Ảnh: HV |
Ông Mai Thành Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Khai thác vận hành đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cho biết kể từ ngày 1-8, các trường hợp không đủ điều kiện thông xe sẽ phân ra nhiều tình huống. Tại các trạm, trung tâm sẽ bố trí nhân viên xử lý tất cả trường hợp cụ thể.
“Từ 18 giờ ngày 31-7, hệ thống sẽ đưa vào vận hành, xe vào cao tốc không có nhu cầu dán ETC có thể cho qua lần đầu tiên, hệ thống sẽ lưu lại thông tin, biển số xe và từ chối phục vụ nếu tiếp tục vào cao tốc mà chưa dán ETC. Trường hợp cố ý vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định” - ông Phúc thông tin.
Theo ông Phúc, trung tâm bố trí nhân sự ở tất cả các trạm đề phòng hệ thống gặp sự cố. Tình huống hệ thống bị lỗi sẽ có nhân viên phát thẻ đầu vào, đầu ra cũng có nhân viên phát phiếu thu thông thường. Đồng thời, đơn vị thi công lắp đặt hệ thống ETC khắc phục ngay tức thì.
TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây: Dán gần 1.500 thẻ ETC/ngày
Còn tại khu vực phía Nam, trước hạn thu phí không dừng, nhiều chủ phương tiện mới “lật đật” dán thẻ ETC, tình trạng này khiến một số trạm thu phí ùn ứ thời gian ngắn. Riêng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây xe vẫn xếp hàng dài những ngày cuối tháng 7 ở trạm thu phí Long Phước do tỉ lệ dán thẻ ETC còn thấp.
Ghi nhận ở trạm thu phí xa lộ Hà Nội ngày 31-7, tình hình dán thẻ ETC khẩn trương hơn, khu vực hướng dẫn dán thẻ lúc nào cũng có gần chục xe đậu lại để được nhân viên thu phí chỉ cách kích hoạt tài khoản và dán thẻ.
“Xe tôi đã dán thẻ ETC lâu rồi, nay chợt nhớ còn chiếc của ba tôi chưa dán nên tranh thủ lái xe của ba đi dán thẻ luôn cho kịp trước 1-8. Tôi thấy việc dán thẻ rất nhanh, được nhân viên tận tình hướng dẫn, chỉ khoảng 2 phút là xong” - anh Nguyễn Sang (TP Thủ Đức) cho biết.
Còn tại khu vực dán thẻ đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, xe nối đuôi nhau xếp hàng dài chờ đến lượt dán thẻ. Trung bình mỗi ngày có khoảng 1.500 thẻ ETC được dán ở khu vực trạm này. Tuy nhiên, việc ùn ứ tại khu vực trạm thu phí Long Phước vẫn diễn ra do nhiều xe chưa dán thẻ đi qua hoặc trong tài khoản không đủ tiền nên buộc phải thu phí thủ công như trước.
Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), tính đến ngày 29-7, lượng phương tiện thanh toán phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức ETC trên cao tốc này chiếm 60% tổng phương tiện qua tuyến.
Xe chưa dán thẻ: Phải cam kết không vi phạm
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng giám đốc VEC, cho biết VEC đã có văn bản gửi Sở GTVT, công an, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị phối hợp hỗ trợ phân luồng từ xa tất cả điểm đấu nối với đường cao tốc, nhằm tránh ùn tắc.
Trường hợp xe chưa dán thẻ đi vào cao tốc sẽ được vận động dán thẻ, hoặc di chuyển qua làn xử lý sự cố. Theo đó, nhân viên thu phí phát thẻ giấy cho tài xế và yêu cầu trả tiền mặt tại đầu ra, song chủ xe phải cam kết không vi phạm, nếu tái diễn sẽ bị xử lý theo quy định.
Phó Tổng giám đốc VEC cũng mong muốn người dân chấp hành quy định trên vì việc thu phí ETC không chỉ tạo cảm giác thoải mái cho người tham gia giao thông do không phải dừng chờ tại các trạm thu phí mà còn giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, sự cố và tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian lưu thông, qua đó tiết kiệm nhiên liệu và tăng tuổi thọ của xe…
“Hiện cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã có hơn 60% tài xế chấp hành rồi nên tôi nghĩ số còn lại cũng cần sớm dán thẻ để thuận tiện trong lưu thông. Việc dán thẻ cũng tương đối thuận lợi chỉ ít phút là xong…” - ông Nhi nói.
Theo Công ty TNHH Thu phí tự động VETC, tỉ lệ dán thẻ hiện có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương, đặc biệt ở các tỉnh có số lượng xe lớn. Điển hình, tỉ lệ dán thẻ ETC Hà Nội trên 85%, TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ dưới 65%. Tỉ lệ ETC qua trạm theo đó có sự chênh lệch lớn, đặc biệt tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây còn rất thấp, tính đến ngày 28-7 ở mức 48%.•
Xử lý trách nhiệm cá nhân, đơn vị khi để xảy ra lỗi kỹ thuật
Bộ GTVT vừa có công điện yêu cầu Tổng cục Đường bộ, Sở GTVT trên cả nước và các đơn vị cung cấp dịch vụ ETC đẩy nhanh việc dán thẻ định danh đối với ô tô. Theo đó, bộ yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT phối hợp với lực lượng CSGT hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư BOT tại các địa điểm dán thẻ. Mục đích tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ các phương tiện khi tham gia dán thẻ; bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tránh ùn tắc tại các trạm thu phí, đặc biệt tại các trạm thu phí trên các tuyến cao tốc...
Bộ GTVT cũng yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ rà soát, khắc phục triệt để các tồn tại, bất cập trong quá trình vận hành hệ thống. Đồng thời làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị khi để xảy ra lỗi kỹ thuật, gây ùn tắc, khó khăn cho người và phương tiện tham dán thẻ tham gia dịch vụ. “Cạnh đó, có giải pháp để chủ phương tiện thuận lợi hủy hoặc thay thế thẻ dịch vụ đã dán thông qua việc tăng cường các điểm dịch vụ hoặc thực hiện online qua hệ thống Internet...”- Bộ GTVT yêu cầu.