Chính trị gia phải chấp nhận tự đặt mình trong 'lồng kính'

Pháp Luật TP.HCM (ngày 26-9) có đăng ý kiến của ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), cho rằng: Nếu đem công khai cho toàn dân biết thì không lường trước được, hậu quả không nhỏ, như thế sẽ vi hiến chắc chắn vì Hiến pháp luôn bảo vệ quyền tài sản của công dân. Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Võ Trí Hảo, khoa Luật Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.

Không vi hiến!

. Phóng viên: Ông nhìn nhận như thế nào về ý kiến trên?


 
+ TS Võ Trí Hảo: Tôi khẳng định công khai bản kê khai tài sản cho toàn dân biết hoàn toàn không vi hiến vì quyền tư hữu theo quy định của pháp luật, không những quan chức mà người dân cũng bị hạn chế. Liên quan đến quyền bí mật đời tư, một người công dân bình thường sẽ được bảo vệ rất cao nhưng một khi đã là quan chức thì sẽ bị hạn chế bởi vì anh là quan chức thì cần được xã hội giám sát cao hơn so với công dân bình thường. Muốn giám sát cao thì phải minh bạch bằng cách công khai tài sản đó của quan chức.

Quyền tư hữu không phải là tuyệt đối, bởi vì nó phải bị hạn chế nhất định để bảo vệ các quyền hiến định khác, hay nói cách khác các quyền hiến định trong thế cạnh tranh lẫn nhau với quyền tư hữu. Chưa nói quan chức, ngay đối với một công dân bình thường, khi anh sở hữu một loại tài sản tiến hành một hoạt động kinh doanh nhưng nếu anh gây ra những rủi ro lớn cho xã hội thì ngay lập tức quyền đó của anh sẽ bị hạn chế lại.

Ví dụ, bình thường tiền anh để trong nhà băng không ai hỏi nhưng khi anh lấy tiền đó thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, ngay lập tức anh sẽ phải công bố đối với cơ quan đăng ký kinh doanh. Trong trường hợp anh thành lập công ty cổ phần, anh sẽ bị hạn chế theo cách khác. Còn nếu trong trường hợp công ty của anh phát hành chứng khoán ra ngoài xã hội có thể gây rủi ro cho hàng triệu người mua cổ phiếu, đòi hỏi phải công khai thêm một lần nữa. Dẫn đến anh phải có một bản cáo bạch tài chính.

Nhưng đó là những công dân chung, còn đối với quan chức thì quyền tư hữu của họ nói chung và quyền về bí mật đời tư càng bị hạn chế so với người công dân bình thường.

. Có ý kiến cho rằng nếu công khai bản kê khai tài sản cho toàn dân biết, trong đó có thông tin chi tiết về tài sản, liệu có gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của quan chức đó không?

+ Khi đã công khai thì ít nhiều có những rủi ro nhất định nhưng phải nhìn vào cái gì là lợi ích lớn và lợi ích bé để đánh đổi. Tôi cho rằng hệ thống pháp luật, cảnh sát Việt Nam đủ sức để bảo vệ những tài sản nào mà công khai rõ ràng. Bây giờ trên danh bạ điện thoại, tội phạm cướp giật hoàn toàn có thể biết được địa chỉ nhà anh, chả lẽ anh nghĩ rằng tội phạm biết thì sẽ cướp được à?

. Như ông phó cục trưởng nói nếu công khai cho toàn dân biết thì hậu quả sẽ không lường trước được. Ông có nghĩ như vậy không?

+ Nó chỉ “không lường trước được” đối với những ai nắm tài sản bất minh. Bởi vì khi công khai xong rồi, anh không giải trình được cho người dân biết nguồn gốc tài sản đó. Nếu trưng ra, họ sợ rằng dư luận soi chiếu và dẫn đến cấp cao hơn sẽ xử lý họ.

Theo TS Võ Trí Hảo, quyền tư hữu và bí mật đời tư của quan chức bị hạn chế hơn so với công dân bình thường. Ảnh minh họa: HTD

Sớm muộn gì cũng phải công khai rộng rãi

. Với thực trạng hiện nay ở Việt Nam, gần triệu bản kê khai tài sản nhưng chỉ một người bị xử lý vì không trung thực. Trên thế giới, việc công khai bản kê khai tài sản là chuyện bình thường. Theo ông, có cần phải có lộ trình tiến tới công khai bản kê khai tài sản?

+ Quy định nghĩa vụ phải công khai tài sản đã có rồi. Chỉ có điều hiện nay việc công khai tài sản chỉ ở các cơ quan nhà nước, còn đối với người dân bình thường rất khó biết được tài sản của vị quan chức đó bao nhiêu.

Kinh nghiệm ở các nước trên thế giới và trong điều kiện Internet của Việt Nam hoàn toàn cho phép thành lập một website đăng tải thông tin tất cả tài sản của các chính trị gia cho toàn dân biết. Khi đã làm chính trị gia thì phải chấp nhận điều này. Đây là điều bình thường và không có gì phải ngại. Khi người dân dễ dàng truy cập thì người ta mới biết được mức độ giàu có và nguồn gốc tài sản của các chính trị gia đó.

Trong trường hợp anh kê khai sót, ví dụ anh là đại biểu Quốc hội ở miền Bắc nhưng anh có một cái nhà ở miền Nam rất ít người biết nhưng khi công khai trên Internet thì người dân sẽ truy cập vào và biết ngôi nhà này có nằm trong danh sách tài sản kê khai của quan chức đó hay không. Sớm muộn gì cũng phải tiến tới lộ trình này và chức vụ càng lớn thì càng nên công khai trước.

Chúng ta cũng đừng nghĩ giàu là xấu. Nếu đồng tiền đó là trong sạch thì nên trưng ra, đó là niềm tự hào. Ai ngại trưng ra sự giàu có, tôi cho rằng nguồn gốc sự giàu có đó có vấn đề.

. Theo ông, cần có giải pháp như thế nào để hiệu quả của việc kê khai tài sản cao hơn trong việc kiểm soát tham nhũng?

+ Có hai vấn đề Việt Nam gặp khó và cần phải có lộ trình. Khắc phục vào lúc này khó thành công nhưng vài ba năm sau thì tính khả thi cao hơn. Với tình trạng tham nhũng hiện nay nếu mình đưa vào nhanh quá, nó quẫy thì xiềng xích cũng đứt. Phải làm từng bước một.

Theo kinh nghiệm quốc tế mà Việt Nam cũng nên theo, nếu như đã trao cho anh quyền kê khai anh bỏ sót tài sản nào, khi cơ quan chức năng phát hiện thì sẽ tịch thu tài sản đó. Hiện nay chế tài đó chưa có ở Việt Nam, cho nên dẫn tới thực trạng là 15 phần tài sản tôi chỉ khai bảy thôi, nếu như bỏ sót tám phần tài sản cũng không ai làm gì tôi mặc dù có tiếng ra tiếng vào. Chỉ khi nào áp dụng chế tài mạnh như vậy thì lúc đó người ta mới không kê khai sót. Vấn đề này hoàn toàn có thể giải quyết bằng luật. Vấn đề là khi nào thôi.

Tiếp nữa, ở Việt Nam do đặc thù của Nho giáo nên quan hệ bố mẹ, họ hàng, bạn bè thân hữu khá chặt so với phương Tây, dẫn tới nhiều chính trị gia lách việc kê khai tài sản bằng cách đẩy hết tài sản đó cho vợ con, họ hàng, bạn bè đứng tên. Bây giờ luật quy định, quan chức phải kê khai tài sản và những người liên quan đến quan chức đó cũng phải kê khai tài sản nhưng phạm vi thế nào là liên quan thì phải xác định phù hợp để cân bằng giữa cái minh bạch tài sản chống tham nhũng vừa bảo đảm quyền riêng tư của những người không phải là quan chức khi có liên quan.

. Xin cảm ơn ông.

TÁ LÂM thực hiện

Chính trị gia phải chấp nhận tự đặt mình trong “lồng kính”

Ông Putin, người đứng đầu nước Nga hiện nay, từng nói một khi ai muốn làm chính trị gia phải chấp nhận tự đặt mình trong “lồng kính”. Bởi vì chỉ khi nào anh tự đặt mình trong lồng kính thì người dân mới thấy rõ được anh, mà thấy rõ được anh thì người dân mới tin tưởng được. Bây giờ, nếu như nói rằng lương công chức 3 triệu đồng/tháng, anh công khai tài sản “khổng lồ” mà anh không giải trình được sự bất minh đó. Mặc dù người dân không có chứng cứ để thu hồi tài sản đó nhưng sự tin tưởng vào vị quan chức này sẽ giảm đi. Còn nếu anh che giấu, khi mối quan hệ lợi ích của ông không được công khai thì người ta không biết rõ ông đang phát biểu một cách khách quan hay ông đang phát biểu vì một cái resot ở đâu đó, vì một doanh nghiệp ở đâu đó “sân sau” của ông.

Ở các quốc gia khác, không chỉ công khai tài sản mà một khi một ai đã tham gia về chính trường không những tài sản phải công khai mà việc quản trị công ty mà người đại biểu Quốc hội hay chính trị gia đó có cổ phần ngay lập tức phải đặt dưới sự giám sát của cơ quan phòng, chống tham nhũng. Ví dụ, tôi là chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty có 3.000 tỉ đồng, khi tôi trở thành nghị sĩ, ngay lập tức không những tài sản tôi phải kê khai mà bản thân giao dịch tài sản của công ty của tôi đó phải đặt dưới sự giám sát của cơ quan phòng, chống tham nhũng. Bởi vì biết đâu với tư cách nghị sĩ tôi sẽ lobby để làm cho công ty của tôi có được những hợp đồng có lợi mà người ta hay gọi là giao dịch mờ ám.

TS VÕ TRÍ HẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới