Công khai tài sản quan chức - Bài cuối: Ngó mắt kỹ các vị 'chóp bu'

Việc ban hành luật công bố tài sản quan chức từ thập niên 1970 tại các nước phát triển như Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Ý đã tạo ra “chiếc lồng kính” soi rọi sự trung thực của tầng lớp lãnh đạo. Bên cạnh đó, các nước còn tăng cường giám sát thực tế để ngăn chặn các quan chức cấp cao giở trò tẩu tán tài sản.

Xây dựng hệ thống dữ liệu thu nhập

Tại các nước, hệ thống dữ liệu tài sản quan chức luôn được cập nhật đầy đủ để các điều tra viên có thể nắm bắt nhanh, hành động kịp thời trước khi quan chức tung ra chiêu trò che giấu. Theo đó, hệ thống cập nhật tài sản qua mạng Internet là một công cụ ưu việt mà các nước cần tiếp cận, áp dụng.

Đối với các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, hệ thống giám sát tài chính quan chức nội bộ là rất quan trọng. Các cá nhân trong một cơ quan có thể truy cập vào tài sản của những cá nhân lãnh đạo. Việc công khai tài sản của lãnh đạo trong nội bộ sẽ tạo ra cơ chế minh bạch nội bộ, giải quyết xung đột lợi ích giữa nhân viên với nhau hoặc nhân viên với lãnh đạo.

Mặc dù tại nhiều quốc gia, chính quyền lo ngại các quan chức sẽ phản ứng vì cho rằng việc giám sát thông tin cá nhân ảnh hưởng đến quyền riêng tư nhưng Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khuyến nghị các nước nên tăng cường đảm bảo dữ liệu bản công bố tài sản cá nhân để giải quyết những mâu thuẫn về mặt lợi ích. Đặc biệt, ở các nước có cơ quan giám sát thông tin tài sản quan chức, dữ liệu thu về nhất thiết phải được đảm bảo bởi một cơ quan độc lập khác nhằm đạt được tính kiểm soát - đối trọng, tạo sự an toàn và trung thực cho thông tin.

 
Quan chức càng cao càng dễ tạo ra tham nhũng nếu không được giám sát tài chính gắt gao. Ảnh minh họa: shrutinshetty

Chuẩn quốc tế về giám sát công bố tài sản

Công ước chống tham nhũng Liên Hiệp Quốc (được thông qua năm 2003) quy ước rất bao quát những vấn đề về giám sát, công bố thu nhập, tài sản của quan chức, các bên liên quan (các công ty, tập đoàn, các đơn vị kinh doanh có cổ phần của quan chức) và thậm chí là người thân (cha mẹ, vợ/chồng, con cái, anh chị em…) của các quan chức.

Trên cơ sở đó, bản kê khai tài chính thu nhập, tài sản của quan chức được so sánh, phân tích liên tục giữa năm này với năm trước, sau đó công bố rộng rãi. Đồng thời, giám sát, phát hiện kịp thời những chiêu trò của quan chức nhằm che giấu tài sản cá nhân như sử dụng các kênh giữ tài sản khác nhau (vàng, cổ phần, đất đai không đứng tên); che đậy tài sản dưới các hình thức khác nhau (tiền mặt, sổ tiết kiệm…); hoặc mượn tay những cá nhân nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ (người thân ở nước ngoài, rửa tiền thông qua hệ thống tội phạm quốc tế…).

Các nước phát triển áp dụng bài học từ Công ước chống tham nhũng Liên Hiệp Quốc còn tạo ra một hệ thống đáng tin cậy để kiểm soát thu nhập và tài sản của quan chức (chẳng hạn thông qua hệ thống thu thuế, bảo hiểm, an sinh xã hội…). Thông qua hệ thống này, người dân có thể được phân quyền truy cập để kiểm tra tài sản của quan chức thuộc các ban ngành cụ thể.

Bên cạnh việc xã hội giám sát tài sản quan chức thì bản thân các quan chức cũng phải có trách nhiệm, tự giác chứng minh nguồn thu nhập của họ. Trên thực tế, có trường hợp quan chức ém được tài sản khi còn đang tại chức. Tuy nhiên, luật pháp tại nhiều nước có quy định ngay cả khi quan chức về hưu thì vẫn không có chuyện “hạ cánh an toàn”. Việc giám sát tài sản vẫn diễn ra và nếu cơ quan điều tra phát hiện quan chức về hưu đột nhiên có thêm tài sản không giải thích được nguồn gốc thì vẫn bị cáo buộc, điều tra, truy cứu.

Để làm được những công tác chặt chẽ như trên, các nước đầu tư phát triển cơ quan giám sát với đội ngũ nhân lực hùng mạnh, chuyên môn vững, năng lực và kỹ thuật làm việc cao, có thẩm quyền và khả năng kiểm soát hiệu quả. Nếu phát hiện tiêu cực, hệ thống pháp luật cho phép ngành chức năng áp dụng những hình phạt răn đe rất mạnh: Từ cách chức, tịch thu tài sản, truy cứu hình sự, phạt tù, tử hình người vi phạm, thậm chí là người thân có hành vi đồng phạm với quan chức. Điều này cũng tạo ra sức nặng khiến các quan chức dễ dàng khai báo tài sản một cách trung thực, tự giác.

Dữ liệu tài sản quan chức nên được cập nhật nhanh chóng, hiệu quả để quan chức không kịp tẩu tán ra nhiều hướng. Ảnh minh họa: BBC

“Đánh mạnh” vào tài sản lãnh đạo cao cấp

Nhiều quốc gia cho rằng nên áp dụng các quy định công khai tài sản quan chức cho toàn bộ các cá nhân thuộc hệ thống quan chức (từ tổng thống, bộ trưởng đến cấp thấp hơn). Tuy nhiên, lại có ý kiến đề nghị chỉ áp dụng luật công bố tài sản đối với một số đối tượng cụ thể mà tập trung vào tầng lớp quan chức lãnh đạo từ tỉnh, bộ trở lên.

Cũng phải lưu ý là không phải kiểm soát tài sản với phạm vi càng rộng thì hiệu quả chống tham nhũng càng cao. Cuộc khảo sát của Ranjana Mukherjee (Ngân hàng Thế giới) và Omer Gokcekus (ĐH Seton Hall, Mỹ) cho thấy 7/16 nước có quy định tất cả công chức buộc phải kê khai, công bố tài sản có chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) không cao hơn so với các quốc gia chỉ “đánh” vào quan chức cấp cao.

Các khảo sát còn chỉ ra những quan chức cấp cao, người có quyền ban hành quyết định chính sách sẽ chi phối chủ đạo đối với vấn nạn tham nhũng. Nhiều người ví von “nóc hư thì cả nhà bị ảnh hưởng” cho thấy vấn đề tài sản “khủng” của quan chức thường xuất phát từ những “chiếc ô lớn” là những người có vị thế, có quyền quyết định quan trọng trong chính phủ hoặc các bộ, ngành trung ương. Thế nên theo kinh nghiệm từ các nước, thay vì giám sát tài sản tất cả công chức hoặc quan chức cấp thấp thì trong ngắn hạn các nước chưa có luật công bố tài sản nên tập trung nguồn lực giám sát tầng lớp cấp cao của các đơn vị hành chính cấp trung ương và cơ quan đứng đầu các địa phương.

OECD gợi ý các nước có thể phân đối tượng công khai tài sản thành hai nhóm. Cụ thể, nhóm quan chức do dân trực tiếp bầu chọn, ví dụ tổng thống hay các nghị sĩ sẽ chịu sự giám sát của một ủy ban quốc hội đặc biệt, do dân cử đại diện, có trách nhiệm công bố thông tin tài sản rộng rãi đến toàn dân.

Nhóm thứ hai bao gồm các quan chức được chính phủ bổ nhiệm như các bộ trưởng, thanh tra chính phủ, quan chức cấp cao ngành tư pháp (các công tố viên, chánh án tòa án tối cao,…), quan chức ngành cảnh sát, an ninh… cũng được đặt dưới những quy định đặc thù theo từng ngành về công khai tài sản đến toàn dân.

Các nước phát triển còn tin rằng những kẻ tham nhũng thường dùng tên người thân, người quen để đứng tên tài sản. Từ đó, hệ thống giám sát tài sản tại các nước tiên tiến có sự song hành giữa giám sát quan chức và giám sát tài sản mang tính toàn dân (thông qua hệ thống thuế, thu nhập cá nhân…). Tuy không cần thiết công khai toàn bộ tài sản của người thân quan chức nhưng các cơ quan giám sát tài sản luôn có sự để mắt rất kỹ đối với những trường hợp có khả năng làm vỏ bọc che đậy những khoản thu nhập, tài sản bất chính.

ĐẠI THẮNG

Đánh giá định kỳ

Khi ban hành luật về công bố tài sản, OECD khuyến nghị các nước nên liên tục giám sát, đánh giá định kỳ các hoạt động kê khai tài sản thông qua nhiều tiêu chí. Gồm có: Mức độ tuân thủ các yêu cầu về hoàn thành và nộp tờ khai; hiệu quả và hạn chế trong các thủ tục pháp lý, biện pháp kỷ luật, hình thức điều tra liên quan việc công khai tài sản; số lượng người dân quan tâm, truy cập, phản hồi trước thông tin tài sản quan chức được công bố… Ngoài ra, hiệu quả của hệ thống công khai tài sản không chỉ phụ thuộc việc đạt được các mục tiêu đề ra, mà còn được phản ánh thông qua mức chi phí hoạt động của hệ thống. Vì vậy, phải cân nhắc đến vấn đề tài chính, nguồn lực quốc gia khi vận hành hệ thống công bố tài sản quan chức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm