“Ngày 15-9, Nghị định 90/2017 phạt chó không đeo rọ mõm khi đưa ra nơi công cộng chính thức có hiệu lực. Cũng trong ngày này, Chi cục Thú y TP.HCM đã bắt hai con chó chạy rông trên địa bàn phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM. Điều đáng nói là cả hai con chó đều không được đeo rọ mõm” – ông Dương Thanh Đa, Trạm Phòng chống dịch và Kiểm dịch động vật thuộc Chi cục Thú y TP.HCM, cho PV Pháp Luật TP.HCM biết thông tin trên vào sáng 18-9.
Hai con chó chạy rông bị bắt giữ được đưa về Trạm Phòng chống dịch và Kiểm dịch động vật (252 Lý Chính Thắng, phường 9, quận 3). Khoảng một tiếng sau, chủ nhân của chó lông xám đến nhận chó.
“Sau khi chủ nuôi mô tả đúng hình dạng và khu vực chó bị bắt, chúng tôi tiến hành lập biên bản xử phạt hành vi không đeo rọ mõm chó theo điểm b, khoản 2, điều 7 Nghị định 90/2017 với số tiền 700.000 đồng. Ngoài ra, con chó này cũng chưa được tiêm phòng bệnh dại nên chủ nuôi còn bị phạt thêm 700.000 đồng nữa theo điểm a, khoản 2, điều 7 cũng của Nghị định 90/2017. Còn con chó thứ hai, do đã được tiêm phòng bệnh dại nên chủ nuôi chỉ bị phạt hành vi không đeo rọ mõm cho chó với số tiền 700.000 đồng", ông Đa nói.
Chó chạy rông bị Chi cục Thú y TP.HCM bắt. Ảnh: TRẦN NGỌC
Hiện Trạm vẫn còn giữ hai con chó chạy rông bị bắt ngày 13-9 tại khu vực phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP.HCM và đều không đeo rọ mõm. “Do hai con chó bị bắt trước ngày Nghị định 90/2017 có hiệu lực nên chủ nuôi không bị phạt hành vi không đeo rọ mõm cho chó. Tuy nhiên, chủ nuôi sẽ bị phạt 200.000 đồng với hành vi thả rông động vật nuôi nơi công cộng theo điểm c, khoản 1, điều 5 Nghị định 167/2013. Trong trường hợp chó chưa được tiêm bệnh dại thì chủ nuôi còn bị phạt thêm 2,5 triệu đồng theo điểm c, khoản 5, điều 2 Nghị định 41/2017” – ông Đa cho biết.
Theo quy định của Bộ NN&PTNT, chó thả rông bị bắt giữ sau 72 giờ nếu không có người đến nhận thì sẽ tiêu hủy. Ông Đa cho hay hai con chó nói trên bị bắt hôm thứ Tư, tính đến nay đã qua 72 giờ. Tuy nhiên, do chủ nuôi gọi điện đến Trạm thông báo sẽ đến nhận nên Trạm sẽ chờ. Trường hợp chủ nuôi không đến nhận Trạm sẽ giao chó cho Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM để dùng vào việc nghiên cứu khoa học.
Sau khi nghe một cuộc điện thoại gọi tới, ông Đa kể đó là cuộc gọi của một người ở quận 2 (TP.HCM) cho biết nhà có nuôi con chó bị ghẻ lở, trị hoài không hết. Người đó nhắn khi nào Chi cục Thú y TP.HCM tổ chức bắt chó chạy rông ở quận 12 thì gọi điện báo để ông thả chó bệnh ra đường cho thú y bắt luôn. "Chó bệnh thả ra đường rồi chui rúc trong bụi rậm, ngóc ngách thì cơ quan thú y không thể phát hiện và bắt giữ. Sau đó mầm bệnh từ con chó này sẽ phát tán và lây lan ngoài cộng đồng, rất nguy hiểm", ông Đa nhận định.
Cũng theo ông Đa, người nuôi phải có trách nhiệm với chó, kể cả khi chó bệnh. Nếu chó bệnh đã được điều trị nhưng không cải thiện thì người nuôi nên tự giác mang tiêu hủy sau khi chó chết. “Người nuôi có thể mang chó chết đến trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân (điện thoại 028.38755191) hoặc nhà máy xử lý chất thải Đông Thạnh, huyện Hóc Môn (028.37110579) để thiêu. Chi phí thiêu chó từ 6kg trở xuống là 110.000 đồng, chó trên 6 kg thì mỗi ký sẽ tính thêm 16.500 đồng. Chủ nuôi muốn nhận lại tro cốt chó thì trả thêm tiền” – ông Đa cho biết thêm.
Chó chạy rông ngày càng ít Hiện nay, do nhiều chủ nuôi nhận thức được trách nhiệm nên số lượng chó thả rông bị bắt ngày càng ít. Bình quân mỗi ngày Chi cục Thú y TP.HCM chỉ bắt từ 2-3 con trong khi cách đây độ vài năm, con số này khoảng 7-8 con. Trước đây, nhân viên tổ bắt chó chạy rông luôn bị chủ nuôi đe dọa, chửi bới mỗi khi chó bị bắt. Thậm chí chủ nuôi còn phang ly, chọi đá, chặn xe bắt chó. Nay nhờ sự phối hợp của chính quyền và công an địa phương nên tình trạng trên giảm hẳn. Ông NGUYỄN XUÂN VŨ, đội bắt chó chạy rông Chi cục Thú y TP.HCM. Rọ mõm chó “ăn theo” Nghị định 90/2017 Theo ghi nhận của PV Pháp Luật TP.HCM, lượng tiêu thụ rọ mõm chó trên địa bàn TP có chiều hướng gia tăng do nhiều chủ nuôi thông suốt Nghị định 90/2017. Bà H (chủ cửa hàng bán dụng cụ thú cưng trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, TP.HCM) cho biết rọ mõm chó có nhiều loại, được làm bằng da, nhựa, thép… với giá từ 60.000 đồng đến 180.000 đồng. “Trước đây người mua rọ mõm chó chỉ loe hoe, mỗi ngày bán chừng hai cái. Hiện mỗi ngày tôi bán trên dưới 10 cái” – bà H khoe. |