Chó vô chủ có thể phục vụ cho khoa học

Bắt đầu từ ngày mai (15-9), theo quy định mới tại Nghị định 90/2017, chủ nuôi không rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị phạt 600.000-800.000 đồng.

Sắp vào giờ G

Theo thông tin từ Cục Thú y - Bộ NN&PTNT, mỗi năm nước ta có hơn 90 người chết vì bệnh dại, hơn 400.000 người bị chó cắn. Trên 97% các ca bệnh dại là do bị chó cắn. Thiệt hại kinh tế trực tiếp đối với những người phải đến các cơ sở y tế dự phòng do bị chó cắn lên tới 800 tỉ đồng/năm. Trước tình hình đó, việc siết chặt các quy định về cắt giảm nguy cơ tiềm ẩn từ thú nuôi là thực sự cần thiết.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 13-9, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết quy định trên đã được các địa phương ở TP.HCM phổ biến rộng rãi qua nhiều kênh thông tin như phát thanh trên hệ thống loa, bản tin phường, xã… để dân biết và thực hiện. Bên cạnh đó, website của chi cục (http://chicucthuyhcm.org.vn) cũng đăng tải Nghị định 90/2017 để người dân có thể cập nhật.

Thẩm quyền xử phạt hành vi trên thuộc trách nhiệm của UBND xã, phường. “Bên cạnh đó, chó thả rông không mang rọ mõm bị chi cục bắt giữ, khi chủ nuôi đến nhận lại cũng sẽ bị chi cục phạt tiền” - ông Thảo nói.

Cụ thể, chó thả rông được đưa về 252 Lý Chính Thắng, phường 9, quận 3. Chủ nuôi khi đến nhận lại phải xuất trình giấy tờ tùy thân và giấy tiêm phòng bệnh dại của chó. Nếu không có giấy tiêm phòng thì ngoài số tiền bị phạt vì lỗi thả chó rông nơi công cộng, chủ nuôi còn bị phạt thêm 600.000-800.000 đồng vì nuôi chó không tiêm phòng dại.

Chó chạy rông bị bắt nhốt và sẽ tiêu hủy sau 72 giờ không có người nhận.  Ảnh: TRẦN NGỌC

Liên kết, đưa chó hoang về nghiên cứu khoa học

Đề cập đến vấn đề tiêu hủy chó vô chủ, ông Thảo cho biết trong Quyết định 2891/QĐ-BNN-TY (ngày 14-11-2012) của Bộ NN&PTNT có nêu: Trạm thú y nuôi nhốt chó, mèo bị bắt, theo dõi sức khỏe và chờ chủ nuôi gia súc đến nhận. Việc tiêu hủy chỉ thực hiện trong trường hợp không có người đến nhận sau 72 giờ.

“Căn cứ quy định này, chó chạy rông bị chi cục bắt sau 72 giờ nếu không có người nhận sẽ đưa vào diện vô chủ và buộc phải tiêu hủy” - ông Thảo giải thích.

Theo ông Thảo, nhiều ý kiến cho rằng tiêu hủy chó không mang tính nhân văn. Có thể áp dụng biện pháp khác như cho vào cơ sở nuôi thú hay đem cho người dân có nhu cầu nuôi. “Tuy nhiên, không loại trừ người xin chó mang về không nuôi mà lại giết thịt. Chưa kể nếu con chó bị dại, nguy cơ phát tán mầm bệnh trong cộng đồng rất cao, nguy hiểm cho người nên biện pháp này là không thỏa đáng” - ông Thảo nói.

Hiện nay, nhiều nước thành lập cơ sở nuôi dưỡng chó, mèo vô chủ thay vì tiêu hủy. Nếu ở Việt Nam cũng cho phép và có kinh phí để thành lập những cơ sở như vậy thì sẽ được nhiều người tán thành. Đáng mừng, ông Thảo thông tin: “Để hạn chế việc tiêu hủy chó vô chủ, gần đây chi cục có liên kết, cung cấp chó cho Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, liên quan đến giải phẫu và thử nghiệm các loại thuốc. Trong việc này hai bên có cam kết và giám sát trách nhiệm rất rõ ràng”.

Xử phạt không dễ

Một phó chủ tịch UBND phường trên địa bàn TP.HCM cho rằng việc xử phạt chủ nuôi không rọ mõm chó gặp khá nhiều khó khăn.

Vị này nói: “Hầu hết UBND phường, xã đều thiếu nhân sự, nếu kiêm nhiệm thêm việc phát hiện, xử phạt này thì sẽ quá tải. Muốn xử phạt được hành vi không rọ mõm cho chó thì UBND phường, xã cần thành lập tổ xử phạt, trong đó có công an. Mà như vậy lại phải tăng thêm nhân sự”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm