Chó sủa quá ba tiếng là phạm pháp

Chó sủa quá ba tiếng là phạm pháp ảnh 1

Sủa ba tiếng là phạm pháp đó nha anh bạn!

Ngoài ra, khi chó ra khỏi khuôn viên nhà, chủ phải dắt bằng dây nối với vòng cổ. Người Mỹ dắt chó cưng đi dạo phố phải mang theo túi plastic để hốt phân chó. Công viên nội ô các thành phố Mỹ không cho phép dắt chó cảnh vào, còn tại các vườn hoa ngoại ô thì được phép nhưng phải mua vé vào cửa. Giá với người là 8 USD, còn với chó là 5 USD.

Nếu chó ra phố mà không có dây dắt, tạo nên mối nguy hiểm cho người và các loài gia súc khác, chủ chó sẽ bị phạt vi cảnh khá nặng. Nếu chó tương bậy ra phố sẽ bị biệt giam hoặc bị xử euthanasia (chết êm dịu). Người Mỹ luôn cho rằng, mua một con chó, tức là phải mua thêm rất nhiều trách nhiệm và nhiều phiền toái.

Anh: Hầu chó thật lắm công phu

Cả nước Anh hiện có 6,8 triệu con chó. Tiếng chó sủa thường quấy rầy cuộc sống yên bình của chòm xóm. Bởi vậy, chính phủ Anh đã chỉ thị cho ngành hữu quan có biện pháp làm thế nào để chó không sủa ầm ĩ. Chủ chó có thể cài đặt camera để quan sát những biểu hiện khi chó phải ở nhà một mình.

Chó sủa quá ba tiếng là phạm pháp ảnh 2

Giấc ngủ ngon bên anh bạn quý

Chủ chó có thể giả vờ ra ngoài, rồi đến một chỗ kín đáo quan sát hành động của chó khi vắng chủ. Từ đó, chủ chó tìm ra cách vỗ về trấn an để chúng không sủa ngậu lên vì bức xúc nhưng không được phép trừng phạt. Trong thời gian phi xã giao như đêm khuya chẳng hạn, chớ nên đùa giỡn với chó, nếu không, bởi hưng phấn nó sẽ sủa ngậu.

Hãy thỉnh giáo, tư vấn các vị bác sĩ thú y, người hoạt động bảo vệ động vật để giúp đỡ động vật thích nghi với môi trường tạm vắng chủ nhà. Nếu chú chó cưng ngoan ngoãn kiềm chế được ý muốn sủa ầm ĩ, bạn nên thưởng nó bằng miếng mồi ngon.

Hàn Quốc: Ăn hay thôi ăn thịt chó?

Người ta ước tính riêng thành phố Seoul mỗi ngày có khoảng 1.500 con chó vô chủ lang thang, mức bình quân hàng năm lên tới hai vạn con. Biện pháp đối phó với tình trạng chó lang thang vô chủ của Hàn Quốc là thu gom bảo vệ, rồi dán thông báo trong vòng một tháng để tìm chủ sở hữu. Ngoài hạn đó không có người tới nhận, ban quản lý trại thu dung động vật sẽ đem tặng sở thú, người yêu thích động vật hoặc đoàn thể bảo vệ động vật và tổ chức học thuật. Số còn lại đều bị hóa kiếp bằng biện pháp chết êm dịu!

Nhằm hạn chế hiện tượng ngược đãi động vật, ngoài chọi trâu, chọi gà thì ngay cả đấu chó (cho chó cắn nhau chí mạng) và thi chó chạy nhanh đều bị Hàn Quốc liệt vào hành vi ngược đãi động vật. Hành vi này bị phạt tiền dưới 20 vạn won, thêm một tuần đến dưới sáu tháng lao động công ích không giam giữ hoặc phạt trọn gói hai triệu won.

Chó sủa quá ba tiếng là phạm pháp ảnh 3

Xin đừng ăn thịt tui!

Như Việt Nam, người dân Hàn Quốc cũng có câu ca "Sống trên đời ăn miếng dồi chó". Nghĩa là họ cũng có truyền thống văn hóa rượu thịt chó như ở ta. Nhưng điều lạ là người Hàn Quốc khoái ăn thịt chó vào mùa hạ vì thịt chó mùa này giúp chống lại độ ẩm nóng của thời tiết và có tác dụng “dưỡng tinh súc nhuệ”. Tuy nhiên, truyền thống này ngày nay đang vấp phải sự phản đối của tổ chức bảo vệ động vật. Thậm chí một số người còn hóa trang đội lốt chó xuống đường biểu tình chống lại.

Vậy nên, ăn hay không ăn thịt chó là vấn đề mà người Hàn Quốc đang rất khó xử.

Thái Lan: Chip điện tử cho chó

Chó vô chủ lang thang chiếm tới 1/5 tổng số chó toàn Thái Lan, lên tới 70 vạn con. Hiện tượng chó cắn người thành thương tật là chuyện cơm bữa. Số người chết vì bệnh dại hàng năm do bị chó điên cắn không ít. Đối phó với tệ chó hoang, bởi không được phép ăn thịt, cũng không được đập chết đem chôn nên chính phủ Thái Lan cho áp dụng biện pháp phẫu thuật triệt sản để giảm số lượng. Hàng năm, họ mở chiến dịch vây bắt thu gom, tiêm vắc-xin phòng dại và thiến không nương tay.

Chó sủa quá ba tiếng là phạm pháp ảnh 4

Vua Thái Lan bên chú chó cưng

Gần đây, thủ đô Bangkok áp dụng biện pháp gắn chíp điện tử mini có chép đầy đủ thông số về tên tuổi, địa chỉ gia chủ  vào chó nhà. Nếu nó đi hoang là phát hiện được ngay. Mỗi chiếc chip giá 150 baht (tương đương 90.000 VNĐ). Thái Lan quy định chỉ những người ở độ tuổi từ 15 đến 65 mới được phép dẫn chó dạo phố và dây dắt không được dài quá 50 cm! Đây là kích thước dây dắt chó ngắn nhất theo quy định của mọi quốc gia trên thế giới.

Xem ra cảnh sát đường phố Thái Lan quá bận rộn. Tình hình chính trị bất ổn mà thêm việc phải tất bật xác định độ tuổi hợp pháp của người dắt chó và độ dài dây dắt theo quy định thì thật lắm việc phải làm.

Trung Quốc: Mỗi gia đình chỉ một con chó

Lệnh được công bố vào tháng 3-2009. Rất nhiều gia đình trung lưu ở Quảng Châu cảm thấy khó xử khi phải lựa chọn giữ lại con nào trong số các con chó cưng mà họ đã “lỡ” nuôi trong nhà trước khi quy định mỗi nhà chỉ được nuôi một con chó của chính quyền thành phố Quảng Châu có hiệu lực.

Thành phố Quảng Châu nằm trong số những thành phố giàu nhất của Trung Quốc. Nhiều gia đình trung lưu nuôi hơn một con chó cưng và đối xử với chó cưng như thành viên trong gia đình. Phải vứt chúng đi là điều khiến họ cảm thấy đau lòng nhất.

Chính quyền thành phố Quảng Châu có những lý do chính đáng để ban hành quy định trên. Số lượng những con chó hoang sống vất vưởng trên đường phố đã gia tăng trong nhiều năm qua. Chúng bị vứt ra đường khi số chó nuôi trong nhà quá nhiều nên hết được chủ cưng.

Chó sủa quá ba tiếng là phạm pháp ảnh 5

Người Quảng Châu dắt chó đi chơi

Quảng Châu lại đang ráo riết chuẩn bị đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao châu Á vào năm 2010. Chính quyền đang mở chiến dịch làm sạch đẹp đường phố, không thể “dung thứ” cho những con chó hoang sống lang thang nhếch nhác. Tuy nhiên, nhiều người e rằng quy định mới sẽ làm tăng số lượng chó hoang đi rong ngoài đường. Bởi muốn thực hiện đúng quy định này, các chủ chó sẽ tống khứ những con chó còn lại ra đường sau khi chọn một.

Thật ra, chủ trương mỗi gia đình chỉ nuôi một con chó đã được áp dụng ở một số thành phố khác tại Trung Quốc. Số chó dư được giải quyết bằng cách vây bắt và “tru di” hàng loạt. Trong tháng 6-2009, thành phố Hán Trung thuộc tỉnh Thiểm Tây đã ra lệnh giết 34.000 chó trong các vùng bị dịch chó dại. Năm 2006, Bắc Kinh đã giết 29.000 con chó không đăng ký. Tại một huyện của tỉnh Vân Nam, sau khi có ba người chết vì bệnh chó dại, chính quyền đã cho giết 50.000 con chó.

Hiện các gia đình nuôi hơn một con chó ở Quảng Châu đang chạy đôn chạy đáo tìm người thân hay bạn bè không nuôi chó nhận đăng ký hộ những con chó còn lại của họ. Họ xem đây là cách lách luật hay nhất.

BÙI BẮC GIANG - PHÚ DƯƠNG

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 7-2009)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm