Chớ chủ quan với dự phòng đột quỵ

Khoa bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 (TP.HCM) đang điều trị cho nhiều bệnh nhân bị đột quỵ, trong đó có không ít bệnh nhân đột quỵ lần đầu hoặc không tuân thủ uống thuốc dự phòng đều đặn, bị tái phát đột quỵ.

Tự ý ngưng thuốc dự phòng

Những ngày qua, chị Võ Thị Thắm, con gái ông VQN (53 tuổi, ngụ Bến Tre), phải xin nghỉ việc để lên TP chăm cha bị đột quỵ. Theo lời chị Thắm, ông N. từng có tiền sử bị đột quỵ hai lần, lần đầu cách đây bảy năm, lần hai cách đây năm năm.

Trong thời gian năm năm này, ông uống thuốc dự phòng đột quỵ rất đều đặn dưới sự kiểm soát của bác sĩ. “Tuy nhiên, cách đây 10 ngày bị ho, sốt, ông tự mua thuốc cảm ho uống nên bỏ thuốc điều trị đột quỵ. Có lẽ đây là nguyên nhân bệnh tình của ông tái phát” - chị Thắm rầu rĩ nhìn cha đang mê man trên giường.

Nằm cùng dãy giường bệnh với ông N. là bệnh nhân THC (47 tuổi, ngụ Đồng Nai). Chăm ông C. tại BV là chị Trần Thị Liên. Chị Liên cho hay ông C. được chẩn đoán mắc bệnh cao huyết áp hơn một năm nhưng ông chỉ dùng được khoảng 5-6 tháng thì ngưng thuốc. “Dùng thuốc được một thời gian thì ông nói khỏe, ổn nên không dùng nữa. Cách đây một tuần, ông đột ngột xây xẩm mặt mày, yếu liệt tay chân bên trái nên chúng tôi đưa ông vào BV ở dưới Long Khánh (Đồng Nai) nhưng tình trạng không ổn, phải chuyển ông lên đây” - chị Liên kể lại.

Người bệnh điều trị đột quỵ tại Khoa bệnh lý mạch máu não, BV Nhân dân 115. Ảnh: BVCC

Bốn nhóm bệnh “sát thủ”

PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa bệnh lý mạch máu não BV Nhân dân 115 kiêm Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, cho biết đột quỵ là một trong những cấp cứu y khoa khẩn cấp bởi nguy cơ tàn phế và tử vong rất cao nếu không được điều trị kịp thời.

“Ở Việt Nam, đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Đây là điều đáng lo ngại vì trên thế giới đột quỵ đứng hàng thứ ba gây tử vong, sau tim mạch và ung thư” - BS Thắng cảnh báo.

Cũng theo PGS Nguyễn Huy Thắng, ngoài gây tử vong, bệnh nhân đột quỵ có nguy cơ tàn phế cũng rất cao. “Mặc dù đột quỵ rất nguy hiểm, xảy đến đột ngột nhưng không phải là không có cách phòng ngừa. Phòng ngừa đột quỵ hết sức quan trọng và mang tính chất quyết định” - PGS Nguyễn Huy Thắng nhấn mạnh.

Để điều trị dự phòng hiệu quả, theo PGS Nguyễn Huy Thắng, cần xác định nhóm bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ gồm các bệnh nhân có huyết áp cao, mắc đái tháo đường, rung nhĩ, từng có tiền sử đột quỵ. “Đây là những sát thủ giấu mặt, vô hình, không biểu hiện triệu chứng trước khi gây ra cơn đột quỵ thực sự” - BS Thắng cho hay.

Theo PGS Nguyễn Huy Thắng, bệnh nhân từng đột quỵ hoặc chưa mà có nguy cơ đột quỵ đều có đầy đủ thuốc giúp bệnh nhân giảm các nguy cơ đột quỵ. “Bệnh nhân rung nhĩ nếu tuân thủ điều trị, sử dụng thuốc kháng đông thì giảm được 70% các biến cố đột quỵ trong tương lai. Tương tự, bệnh nhân kiểm soát huyết áp, tiểu đường, cholesterol trong máu tốt cũng làm giảm 65% các biến cố đột quỵ” - PGS Nguyễn Huy Thắng cho hay.

Tuy nhiên, theo BS Thắng, mặc dù các loại thuốc kiểm soát yếu tố nguy cơ đều có đầy đủ nhưng việc thuyết phục bệnh nhân tuân thủ lâu dài lại là một thách thức. “Nếu như ở nước ngoài, người dân ý thức rất cao trong việc sử dụng thuốc phòng ngừa mà còn tuân thủ điều trị rất tốt. Còn ở Việt Nam, thông thường rất khó thuyết phục bệnh nhân đang ở tình trạng bình thường sử dụng thuốc lâu dài. Theo một nghiên cứu, trong các nhóm bệnh nhân bị rung nhĩ, chỉ có 2% bệnh nhân đang phòng ngừa hữu hiệu, 98% các bệnh nhân không phòng ngừa gì cả hoặc phòng ngừa không đúng cách” - BS Thắng dẫn chứng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm