Viêm họng cấp là tình trạng viêm niêm mạc họng xảy, ra một cách đột ngột bởi vi sinh vật (vi khuẩn, virut, ký sinh trùng) và do một số yếu tố liên quan. Với virut có thể là virut cúm, virut sởi, virut Adeno. Vi khuẩn gây bệnh
Viêm họng cấp thường do vi khuẩn phế cầu, tụ cầu, liên cầu, Hemophillus influenzae. Nguy hiểm hơn cả là liên cầu khuẩn nhóm A (S. pyogenes) bởi vì nó là thủ phạm gây viêm họng dẫn đến biến chứng viêm khớp cấp, tổn thương van tim (dược gọi là thấp tim tiến triển) hoặc biến chứng viêm cầu thận cấp, nếu không phát hiện sớm sẽ dẫn đến suy thận.
Ngoài các nguyên nhân đó phải kể đến các yếu tố nguy cơ như thay đổi thời tiết (nóng, lạnh đột ngột), ẩm ướt, độ ẩm cao, bụi bẩn (bụi công nghiệp, bụi bẩn), khói (thuốc lá, thuốc lào, khói bếp than, củi, rơm rạ).
Triệu chứng của bệnh viêm họng do virut: phần miệng hầu bị sưng phồng và đỏ tấy lên.
Những triệu chứng ban đầu
Bắt đầu sốt cao, đột ngột (39 - 400C), tuy nhiên, có một số trường hợp (trẻ còi xương, suy dinh dưỡng nặng, người cao tuổi sức yếu) có thể sốt không cao, thậm chí không sốt. Các triệu chứng ớn lạnh kèm theo nhức đầu, nuốt đau, đau mỏi thân mình, ăn, ngủ kém thường xuất hiện.
Một số trường hợp có hạch cổ sưng và đau. Người bệnh ở giai đoạn đầu có cảm giác khô nóng trong họng, khát nước, dần dần cảm giác đau rát tăng lên khi nuốt (ăn, uống, nuốt nước bọt) và khi nói, đau lan lên tai. Có thể có nghẹt mũi (một hoặc hai bên), chảy mũi nước và ho. Vài ba ngày sau, nếu không được phát hiện và điều trị có thể có khàn tiếng.
Toàn bộ niêm mạc họng đỏ rực. Màn hầu, trụ trước, trụ sau và thành sau họng phù nề, đỏ, xuất tiết, xuất huyết thành sau họng (nếu do virut). Ở người còn amidal sẽ sưng to, nếu viêm tái phát, amidal thường có hốc, có thể có mủ hoặc bựa trắng như nước cháo phủ trên bề mặt hoặc miệng các hốc amidal.
Bệnh dễ chuyển thành viêm tai, viêm mũi xoang khi sức đề kháng yếu
Bệnh viêm họng cấp thường diễn ra trong vòng 3 - 4 ngày, nếu sức đề kháng tốt hoặc được điều trị đúng, bệnh sẽ lui dần, các triệu chứng trên sẽ mất đi rất nhanh.
Nhưng khi sức đề kháng yếu (trẻ em, người cao tuổi), không được chữa trị kịp thời, bệnh diễn biến phức tạp hơn, nặng hơn và có thể gây biến chứng như viêm tai, viêm mũi, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm xoang hoặc nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm phổi nặng hoặc trở thành viêm họng mạn tính.
Trong trường hợp viêm họng do vi khuẩn liên cầu nhóm A, có thể gây nên bệnh thấp tim tiến triển hoặc viêm cầu thận cấp.
Chẩn đoán viêm họng cấp, ngoài khám lâm sàng, xét nghiệm công thức máu sẽ thấy bạch cầu tăng cao, tốc độ máu lắng tăng, chỉ số CRP (C Reaction Protein) dương tính. Xét nghiệm nhày họng bằng phương pháp nhuộm đơn thấy nhiều tế bào bạch cầu, vi khuẩn (trực khuẩn hoặc cầu khuẩn). Nhuộm bằng phương pháp gram có thể thấy cầu khuẩn gram dương hoặc âm hoặc thấy cả xoắn khuẩn Vincent.
Nếu có điều kiện nuôi cấy chất nhày họng sẽ xác định được loại vi khuẩn gì gây viêm họng cấp, trên cơ sở đó thực hiện kháng sinh đồ để chọn kháng sinh thích hợp cho việc điều trị.
Nguyên tắc điều trị và phòng bệnh
Khi nghi ngờ bị viêm họng cấp, cần được khám, tốt nhất là khám chuyên khoa Tai mũi họng. Người bệnh cần tuân theo đơn của bác sĩ khám bệnh, mua đúng thuốc và uống thuốc đủ liều, không tự động mua thuốc để chữa bệnh cho mình và người nhà khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Cần bù nước và chất điện giải do sốt cao gây ra. Tốt nhất là uống dung dịch oresol (ORS), có thể dùng ORS cam loại 5,63g/gói cho cả người lớn và trẻ em, pha 1 gói vào 200ml nước (đun sôi, để nguội).
Thông thường, sử dụng ORS như sau: trẻ nhũ nhi dùng 50ml/lần x 2-3 lần/ngày; trẻ từ 2 - 6 tuổi dùng 100ml/lần x 2 -3 lần/ngày; trẻ từ 6 - 12 tuổi dùng 150ml/lần x 2-3 lần.
Với người lớn, dùng theo nhu cầu. Ngoài ra, nên uống thêm các loại nước trái cây (cam, chanh, dưa hấu…). Thức ăn nên dùng loại mềm, nhuyễn, lỏng, dễ nuốt. Cần phải nghỉ ngơi, giữ ấm cơ thể, nhất là cổ, ngực, gan bàn chân. Nên tắm, rửa bằng nước ấm trong phòng kín gió, tắm xong phải lau người thật khô rồi mặc quần áo sạch. Cần vệ sinh họng, miệng hằng ngày như đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Nên súc họng bằng nước muối nhạt hàng ngày, tốt nhất là nước muối sinh lý 9%o.
Khi đi ra ngoài đường, nên đeo khẩu trang để tránh bụi. Nhà ở phải thoáng mát, tránh ẩm thấp. Không nên hút thuốc lá, lào và không nên uống nước lạnh, nước có đá...
BS. Đặng Phương Linh