Cho con lấy chồng sớm để giảm gánh nặng kinh tế

Ngày 29-6, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Hội thảo phòng ngừa chấm dứt tảo hôn và kết hôn trẻ em.

Bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc), cho biết tình trạng tảo hôn xảy ra cả 54 dân tộc. Tuy nhiên, các dân tộc có tỷ lệ tảo hôn cao và dai dẳng thuộc đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng sâu, vùng xa, miền núi như các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên…

Theo kết quả điều tra thứ nhất về thực trạng kinh tế xã hội của 53 dân tộ thiểu số năm 2015 do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục thống kê thực hiện, cho thấy tỷ lệ tảo hôn chung trong nhóm DTTS khá cao (26,6%), gấp 18 lần so với dân tộc Kinh và gấp 10 lần so với tỷ lệ chung của cả nước.

Về nguyên dẫn đến tảo hôn, theo bà Tư do trình độ dân trí thấp, chịu ảnh hưởng và chi phối mạnh mẽ bởi các phong tục tập quán. Bên cạnh đó, nhiều DTTS cho con gái đi lấy chồng là biện pháp giảm áp lực về kinh tế đối với gia đình. Theo bà Tư, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn cần đưa tảo hôn vào giáo dục từ cấp tiểu học, THCS cùng với các nội dung bình đẳng giới, phòng chống bạo lực... Về lâu dài cần có cơ quan chịu trách nhiệm chung về vấn đề tảo hôn trong cả nước.

Ông Hà Hùng, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cho rằng tảo hôn rất nguy hiểm vì làm hạn chế cơ hội học tập, mất cơ hội được đào tạo và tìm được công việc ổn định. Tảo hôn cũng khiến các em gái dễ mang thai sớm khi cơ thể chưa phát triển toàn diện, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tinh thần và thể chất của các em.

Đặc biệt, tảo hôn tác động trực tiếp đến các vấn đề kinh tế - xã hội khác, tạo thành một vòng luẩn quẩn không lối thoát trong đồng bào DTTS. Đói nghèo, bỏ học, con sinh ra dễ ốm đau bệnh tật, không có cơ hội tìm kiếm việc làm. Đây cũng là nguyên nhân sâu xa làm suy giảm chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng việc tảo hôn do các em tự quyết định, chủ động hẹn hò, kết hôn, nếu bố mẹ không đồng ý sẽ bỏ nhà ra đi, tự tử. Người DTTS hầu như không ép buộc con cái, tôn trọng sự quyết định của con cái. Theo đó, đại biểu đề nghị các địa phương cần tuân thủ theo các quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi và vì lợi ích tốt nhất cho trẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm