Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam (VN). Đi cùng ông là phái đoàn đại diện 205 doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc. Thông tin này rất được chú ý, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn sau đại dịch.
Cơ hội cho cả hai bên
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS khoa học chính trị Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak, Singapore (ISEAS), nhận định đây là cơ hội cho cả hai nước.
“Số lượng các doanh nghiệp Hàn Quốc đi cùng đông đảo như vậy cho thấy mối quan tâm rất lớn của họ với khả năng đầu tư và hợp tác với phía VN. Điều này cũng tương đồng với chính sách hướng nam của Seoul, khẳng định vị thế quan trọng của VN trong chính sách ngoại giao kinh tế của Hàn Quốc, cũng như thành công của nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc khi đầu tư và kinh doanh tại VN” - theo TS Nguyễn Khắc Giang.
|
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân Phan Thị Thanh Tâm chào đón Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và phu nhân Kim Keon-hee thăm cấp nhà nước tới Việt Nam. Ảnh: VGP |
Trước chuyến đi của Tổng thống Yoon Suk Yeol, Phó Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Tae-hyo cho biết: “Trọng tâm của chuyến thăm lần này là tăng cường hợp tác kinh tế với VN - đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc. Để kích thích các hoạt động kinh tế song phương, chúng tôi sẽ rà soát các nền tảng thể chế và mở rộng triển vọng hợp tác song phương sang các lĩnh vực mới như chuỗi cung ứng khoáng sản chiến lược, năng lượng mới và tái tạo, các ngành khoa học và công nghệ tiên tiến cũng như hợp tác phát triển TP thông minh”.
Điều này cũng được Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Sung-han khẳng định khi thông báo về chuyến thăm của Tổng thống Yoon SukYeol tới VN.
Hợp tác kinh tế - trụ cột quan hệ Việt - Hàn
Hợp tác kinh tế được xem là trụ cột trong tổng thể quan hệ VN - Hàn Quốc, TS Huỳnh Tâm Sáng, giảng viên khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV, nhận định với báo Pháp Luật TP.HCM. Hai nước đã ký Hiệp định thương mại tự do Việt - Hàn (VKFTA), có hiệu lực vào tháng 12-2015, đóng góp quan trọng vào thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương. Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của VN, sau Mỹ và Trung Quốc, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đạt 86,4 tỉ USD, tăng 10,4% so với năm 2021.
Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại VN, có tổng vốn đăng ký gần 81,6 tỉ USD với hơn 9.500 dự án đang hoạt động. Hàn Quốc cũng là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn thứ hai cho VN, sau Nhật.
Những năm gần đây, xu hướng các công ty Hàn Quốc chuyển dịch nhà máy sản xuất sang VN tăng nhanh. Lý do chủ yếu là các công ty này nỗ lực đa dạng hóa thị trường và giảm phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung diễn ra gay gắt. Bên cạnh đó, môi trường kinh tế ổn định của VN và các chính sách ưu đãi nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã gia tăng sự tin cậy và qua đó thu hút các nhà đầu tư Hàn Quốc. Khi các tập đoàn lớn của Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào VN thì các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ của Hàn Quốc cũng sẽ “tiếp bước” và phát triển quan hệ với các nhà cung cấp nội địa VN.
Nhận xét thêm về hợp tác kinh tế Việt - Hàn, TS Nguyễn Khắc Giang lưu ý hai nước đều là thành viên của các khuôn khổ kinh tế như Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á và các đối tác Trung Quốc - Nhật - Hàn Quốc (ASEAN+3), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... Hai nước đã tận dụng tốt các nền tảng khu vực để thúc đẩy hợp tác kinh tế đa phương.
Sẽ có “cú hích” hợp tác
Trao đổi với Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc gặp tại thượng đỉnh G7 mở rộng ở Nhật hồi tháng 5, Tổng thống Yoon Suk Yeol có đề cập việc hai nước cam kết mở rộng hợp tác kinh tế và thương mại song phương. Lưu ý việc VN là một trong ba đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc, Tổng thống Yoon Suk Yeol khi đó đã bày tỏ ý định hợp tác để đạt được mục tiêu đạt 150 tỉ USD kim ngạch thương mại song phương vào năm 2030.
Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Yoon Suk Yeol cho thấy VN có vị trí quan trọng trong chính sách và chiến lược của chính quyền Seoul. Việc VN là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên mà Tổng thống Yoon Suk Yeol đến thăm càng nhấn mạnh sự kết nối sâu sắc và ý nghĩa ngày càng tăng của mối quan hệ song phương. Không chỉ là đối tác kinh tế lớn, VN còn giữ vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc, là cầu nối giúp Seoul giải quyết cải thiện quan hệ với các thành viên ASEAN.
TS khoa học chính trị Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu sinh tại
Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak, Singapore (ISEAS)
Nhận định với Pháp Luật TP.HCM, TS Huỳnh Tâm Sáng cho rằng các mục tiêu kinh tế nêu trên khá tham vọng nhưng không phải là không có cơ sở, nhất là khi khía cạnh kinh tế đang nổi lên như trọng tâm trong quan hệ Việt - Hàn. Để đạt được các mục tiêu trên, VN cần quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, đủ sức ứng phó với những biến động kinh tế và an ninh bên ngoài. Song song đó, VN cần tạo đột phá trên các phương diện là thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Những cải cách này sẽ giúp tăng cường lợi thế cạnh tranh của VN trong nhận thức của phía Hàn Quốc.
Hai nước cũng cần trao đổi thẳng thắn các vướng mắc và biện pháp cụ thể để các mặt hàng nông sản, thủy sản, hải sản, trái cây theo mùa của VN hiện diện nhiều hơn tại thị trường Hàn Quốc. Về lâu dài, VN cần tận dụng cơ hội từ việc Hàn Quốc mở rộng cơ sở hạ tầng thương mại và chủ động đề xuất tổ chức nhiều hơn các hoạt động giao thương trực tiếp lẫn trực tuyến để tạo nhiều cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp hai nước. Hai quốc gia đối tác cũng nên mở rộng cơ cấu hợp tác thương mại trong lĩnh vực chuỗi cung ứng, các ngành chăm sóc sức khỏe và thương mại bổ sung (như hàng hóa trung gian và linh kiện).
Trong khi đó, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Khắc Giang lạc quan rằng “khi cả hai nền kinh tế tiếp tục đa dạng hóa, phạm vi hợp tác trong tương lai dường như vô tận, mang đến cơ hội phát triển trong các lĩnh vực mới nổi như năng lượng tái tạo, công nghệ kỹ thuật số và công nghệ sinh học”.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Khắc Giang lưu ý rằng dù các nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm đến VN nhưng để thu hút thêm các nhà đầu tư từ quốc gia Đông Á này thì VN cũng như các nước ASEAN cần cải thiện một số khía cạnh. Cụ thể, các nước ASEAN nên tăng cường tính minh bạch về quy định, nâng cao trình độ kỹ năng của lực lượng lao động, đặc biệt là lao động trong lĩnh vực công nghệ cao và phát triển cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh và thúc đẩy môi trường đổi mới, thân thiện với khởi nghiệp cũng sẽ giúp mở rộng hơn cánh cửa thu hút đầu tư.•
Vai trò định hình câu chuyện kinh tế khu vực
Bên cạnh hợp tác song phương, VN và Hàn Quốc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình câu chuyện kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo TS Nguyễn Khắc Giang, trong bối cảnh hiện tại khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, vai trò của VN và Hàn Quốc trong việc đảm bảo khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong các lĩnh vực quan trọng như chất bán dẫn, trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Vị chuyên gia nhận định trong những năm tới, khi các lĩnh vực mới như kinh tế kỹ thuật số, quá trình chuyển đổi xanh và công nghệ y tế trở thành xu hướng, các chiến lược của cả hai quốc gia nhằm điều hướng các lĩnh vực này sẽ đóng góp đáng kể vào câu chuyện kinh tế của khu vực.