Chuyên gia Hàn Quốc thích thị trường Blockchain Việt Nam

(PLO)- Việt Nam đang được xem là thị trường có mức chấp nhận Blockchain cũng như phát triển công nghệ Blockchain thuộc nhóm hàng đầu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Chuyên gia Hàn Quốc thích thị trường Blockchain Việt Nam

Sáng 8-6, sự kiện "World Blockchain Web 3.0 Marvels HCMC 2023" giữa Việt Nam và Hàn Quốc chính thức diễn ra tại TP.HCM.

Theo báo cáo của Grand View Research, công nghệ Blockchain vẫn đang được nhiều quốc gia xem là một trong những lựa chọn quan trọng cho mục tiêu phát triển kinh tế. Quy mô thị trường toàn cầu đạt 5,92 tỉ USD vào năm 2021, khoảng 7,18 tỉ USD năm 2022 và dự kiến 163,83 tỉ USD vào năm 2029.

Nhiều kỳ vọng phát triển công nghệ chuỗi khối tại Việt Nam

Tại hội thảo ông Park Bong Kyu, Trưởng đoàn kiêm Tổng giám đốc Korea CEO Summit cho biết, tại Hàn Quốc công nghệ blockchain đã được xem là một trong những lĩnh vực tiên tiến nhất của quốc gia này. Việt Nam đã và đang bắt đầu có sự quan tâm nhiều hơn và đánh giá cao sự tiềm năng của công nghệ này.

"Dù vậy, blockchain đang là công nghệ mới, việc nắm bắt và ứng dụng công nghệ chuỗi khối này cần nguồn lực chất lượng và thời gian nghiên cứu lâu dài. Tôi kỳ vọng với sự hợp tác của hai nước chúng ta sẽ có học hỏi, trao đổi được cách thức sử dụng và quản lý blockchain để giải quyết được những vấn đề xã hội"- ông Bong Kyu nói.

Bà Yang Hyang Ja, Ủy viên Quốc hội Chính phủ Hàn Quốc, Chủ tịch Ủy ban Công nghiệp chất bán dẫn Hàn Quốc, cũng gợi ý Hàn Quốc và Việt Nam có thể hợp tác phát triển lĩnh vực blockchain trong 3 lĩnh vực: giáo dục, xây dựng hệ sinh thái blockchain với các chương trình hợp tác chung dành cho doanh nghiệp hai nước, xây dựng các thể chế và chính sách quản lý blockchain.

Mặt khác, nhờ sự đi trước của Hàn Quốc, có thể hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý để quản lý công nghệ mới này.

Cũng theo đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nước ta đang được xem là thị trường có mức chấp nhận Blockchain, cũng như phát triển công nghệ Blockchain hàng đầu. Hiện có hơn 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo người Việt Nam có vốn hóa trên 100 triệu USD và đã xuất hiện những start-up “kỳ lân” trong lĩnh vực này.

Nước ta đang được xem là thị trường có mức chấp nhận Blockchain, cũng như phát triển công nghệ Blockchain hàng đầu. ẢNH: THU HÀ

Nước ta đang được xem là thị trường có mức chấp nhận Blockchain, cũng như phát triển công nghệ Blockchain hàng đầu. ẢNH: THU HÀ

Ông Trương Gia Bảo, Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số DTS Group thông tin thêm, ở Việt Nam hiện có khoảng 17 triệu ví liên quan đến tiền điện tử và tài sản số (NFT). Những năm gần đây, mỗi năm có thêm khoảng 500-1.000 doanh nghiệp ứng dụng blockchain.

Từ những ứng dụng đầu tiên trong việc truy xuất nguồn gốc trong sản xuất nông nghiệp, nay blockchain ngày càng được ứng dụng rộng rãi hơn ở Việt Nam trong nhiều lĩnh vực từ tài chính - ngân hàng, từ thiện, y tế, giáo dục...

Đồng thời, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có lượng người sở hữu NFT lớn nhất trên thế giới. Do đó, một số bằng sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng đang nghiên cứu để NFT hóa và bán ra thế giới.

“Việt Nam có lực lượng dân số trẻ, mức độ thích nghi với công nghệ luôn cao. Ngoài ra, lực lượng lập trình viên công nghệ cũng rất tài năng, với ngày càng nhiều công ty công nghệ và đại học đào tạo về công nghệ. Do đó, khi blockchain bùng nổ, Việt Nam có hệ sinh thái đáp ứng được nhanh chóng”, ông Bảo nhìn nhận.

Vẫn còn nhiều rào cản

Tuy vậy, ông Trương Gia Bảo vẫn nhìn nhận các doanh nghiệp (DN) Việt vẫn đang gặp khó trong việc ứng dụng blockchain vào kinh doanh, bởi hệ sinh thái hỗ trợ vẫn chưa hoàn thiện. Các viện nghiên cứu và đơn vị cung ứng giải pháp còn thiếu, đặt ra khoảng trống lớn cho các DN muốn chuyển đổi.

Mặt khác, với các DN dựa trên công nghệ blockchain để phát hành tài sản số hay gọi vốn, ông Bảo cho hay đang gặp trục trặc về pháp lý. Ông nhấn mạnh đây vẫn là một ngành công nghiệp non trẻ và sự bền vững vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Do đó, ông đánh giá cao việc Chính phủ Hàn Quốc vẫn đang theo dõi và cập nhật hướng đi của các nước khác nhằm tìm công thức ứng dụng tốt nhất cho Việt Nam.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Trần Thị Đan Thanh, CEO MVOT, hoạt động lĩnh vực làm đẹp đang nghiên cứu ứng dụng blockchain, cũng thừa nhận, rào cản lớn nhất là khó tiếp cận thông tin và giải pháp. Hiện tại, bà đang hoàn thiện quá trình NFT hóa thương hiệu làm đẹp của doanh nghiệp để ra mắt trong vòng 2-3 tháng tới. Tuy nhiên, chi phí hiện cao gấp đôi so với việc ra mắt thương hiệu thông thường. Dù vậy, bà cho rằng tiềm năng lớn nếu nhìn về dài hạn, đây cũng là cách để doanh nghiệp gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường làm đẹp.

Ông Kim Yong Seok, Chủ tịch Ủy ban cải cách quy chế thuộc văn phòng Tổng thống Hàn Quốc lại bày tỏ sự lo ngại trước tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ và Internet. Nhất là sự ra đời của nền tảng Blockchain và các thuật ngữ mới như môi trường số, tài sản số... khiến cho nhiều quốc gia vẫn chưa kịp thích ứng và chưa đưa ra được cơ chế quản lý phù hợp.

Kể cả ở Hàn Quốc, Chính phủ vẫn chưa đưa ra một cơ chế, chính sách quản lý toàn diện đối với những thay đổi nhanh chóng của công nghệ số.

Ngay cả những nhà khoa học, nghiên cứu về công nghệ cũng phải thừa nhận bản thân họ chưa thực sự theo kịp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật thông minh như robot Ai, Chat GPT...

"Mặc dù chúng ta không thể phủ nhận công nghệ thông minh đem đến nhiều lợi ích cho cuộc sống, nhưng rõ ràng sự tiến bộ này sẽ ảnh hưởng tới nhiều điều, trong đó có cả an ninh quốc phòng, an toàn thông tin quốc gia. Chính vì thế, các quốc gia trong đó có Hàn Quốc và Việt Nam cần phải nghiêm túc xem xét hành lang pháp lý để quản lý"- ông nói

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm