Chở động vật sống bằng máy bay bị phản ứng

Theo thông tin trên trang web của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), việc vận chuyển động vật bằng đường hàng không đã bắt đầu từ những năm 1930 và đến nay vẫn được coi là phương thức vận chuyển đường dài nhân đạo nhất và thích hợp nhất.

Việc vận chuyển động vật sống bằng máy bay, theo thời gian, được chuẩn hóa bằng những quy định cụ thể kèm theo. Các quy định về động vật sống (LAR) của IATA được coi là tiêu chuẩn toàn cầu về vận chuyển động vật sống bằng các chuyến bay thương mại: “Cho dù đó là thú cưng, động vật được vận chuyển cho các vườn thú, phục vụ nông nghiệp hay bất cứ lý do nào khác, mục tiêu của LAR là để đảm bảo tất cả thú vật được vận chuyển an toàn và nhân đạo bằng đường không”.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua các nhà hoạt động bảo vệ động vật đã có các chiến dịch kêu gọi các hãng hàng không ngưng việc vận chuyển động vật họ linh trưởng cho các phòng thí nghiệm. Theo Hội Chống giải phẫu sống động vật New English có trụ sở tại Mỹ (NEAVS) và Hội Những người ủng hộ đối xử đạo đức với động vật, đến nay nhiều hãng hàng không lớn đã từ chối vận chuyển linh trưởng cho các phòng thí nghiệm.

Theo tuần san khoa học Nature, việc này đã ảnh hưởng đến các phòng thí nghiệm và nhiều hãng hàng không lớn đứng trước sức ép phải ngưng vận chuyển động vật linh trưởng. Do vậy nhiều nhà khoa học đã đành phải nghĩ đến chuyện chuyển hoạt động sang các nước khác. Tuy nhiên giáo sư Tipu Aziz - khoa giải phẫu thần kinh thuộc Đại học Oxford (Anh) - cho biết có rất ít quốc gia, ngoài châu Âu và Mỹ, có phòng thí nghiệm với cơ sở vật chất tốt.

Từ ngày 1-5, Vietnam Airlines không chở khỉ cho mục đích thí nghiệm

Trao đổi với PV, ngày 19-4, đại diện Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) cho biết từ tháng 4-2012, một số thành viên của Tổ chức bảo vệ động vật Anh (BUAV) và Tổ chức chống bạo hành động vật (PETA) đã tổ chức phong trào phản đối các hãng hàng không có tham gia chuyên chở linh trưởng đến châu Âu cho mục đích thí nghiệm (Air France, China Southern Airlines, Philippines Airlines, Vietnam Airlines...). Trong đó có những lần BUAV và PETA tổ chức biểu tình phản đối trước văn phòng VNA tại Anh và Pháp.

Đại diện VNA cho biết trong năm 2012 và quý 1-2013, VNA không vận chuyển trực tiếp khỉ sống tới Anh mà chỉ vận chuyển một số lô hàng khỉ sống từ VN tới Đức và Pháp, rồi một số lô được tiếp chuyển sang Anh trên hãng khác. Các lô hàng này khi vận chuyển đều tuân thủ các quy định quốc tế (như quy định vận chuyển động vật sống của IATA - IATA LAR; công ước về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp - CITES) và các thủ tục, yêu cầu chặt chẽ khác của VN cũng như của nước sở tại.

Người phát ngôn VNA, ông Lê Trường Giang cho biết mặc dù việc vận chuyển động vật sống của hãng luôn tuân thủ các quy định quốc tế, nhưng kể từ ngày 1-5 VNA sẽ từ chối vận chuyển linh trưởng cho mục đích thí nghiệm. VNA sẽ triển khai các quy trình liên quan trong toàn bộ hệ thống của mình trong thời gian sớm nhất.

Số liệu của PETA năm 2011 cho thấy 72% số linh trưởng chuyển đến các phòng thí nghiệm ở Mỹ là từ Trung Quốc. Còn lại 17% từ Mauritus, 5% từ Campuchia và chỉ 3% từ VN. Số linh trưởng đưa đến các phòng thí nghiệm ở Mỹ chiếm 97% trên tổng số 18.044 linh trưởng nhập vào nước này trong năm 2011 - Ảnh: PETA

Lê Nam

Theo Thu Anh (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới