Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM vừa phối hợp với Thanh tra Sở Y tế kiểm tra và lấy mẫu các loại nước giải khát, nước ép trái cây, thạch… có sử dụng chất tạo đục để xét nghiệm. Thành phố cũng tăng cường giám sát việc mua bán phụ gia dùng chế biến thực phẩm nói chung và chất tạo đục nói riêng trong chợ Kim Biên (quận 5). Đây là ngôi chợ đã có “thương hiệu” mua bán hóa chất và các phụ gia dùng “ảo thuật” thực phẩm.
Một ngày tháng 5, tại chợ Kim Biên, chúng tôi hỏi mua chất tẩy trắng cho rau củ quả và hương tạo mùi thực phẩm ở sạp T.K. Người bán nhìn dò xét một hồi rồi xua tay, nói: “Không có, không bán, đi chỗ khác cho người ta làm ăn”.
Thực phẩm ngon nhờ… hóa chất
Tại sạp N.N, chúng tôi hỏi mua chất tạo màu để nấu xôi. Chẳng mấy vui vẻ, người bán đưa ra một loại bột màu cam đựng trong túi nylon không nhãn mác, bảo là “hàng chất lượng” có giá 30.000 đồng/100 g.
Ghé sạp C.T, chúng tôi hỏi mua hương liệu nấu hủ tiếu, bún riêu... Sau vài câu hỏi dò xét, người bán đưa ra đủ loại hương liệu tạo mùi và màu như thịt, tôm, cua… với giá từ 30.000 đến 40.000 đồng/100 g. “Chỉ cần cho một ít bảo đảm nồi hủ tiếu, bún riêu ngọt lịm, cần bao nhiêu cũng có” - người bán quả quyết. Loại hương liệu này được đựng trong bịch nylon, từ 200 g đến 1 kg, không nhãn mác, không nguồn gốc. Bịch hương tôm có màu đỏ nhạt, mùi rất nồng, nếm thử có vị của tôm.
Chợ Kim Biên còn có tên “chợ hóa chất Kim Biên”. Ảnh: TRẦN NGỌC
Là người kinh doanh hóa chất lâu năm trong chợ Kim Biên và am hiểu khá tường tận các loại hóa chất, ông T. quả quyết thị trường có hóa chất gì thì chợ Kim Biên có loại đó. Ông dẫn chứng: “TP.HCM có hàng ngàn tiệm phở nên xương bò không đủ cung cấp để nấu nước lèo. Tuy nhiên, chỉ một muỗng nhỏ hương liệu bò có thể biến 20 lít nước lã thành 20 lít nước lèo thơm phức mùi… bò. Nấu phở gà thì dùng hương gà. Nấu hủ tiếu thì đã có hương thịt. Để nồi bún riêu nổi váng gạch đỏ au thì cho hương cua. Chưa hết, ướp thịt heo với hương bò rồi sấy khô sẽ biến thành… khô bò. Bánh phồng tôm thì sử dụng hương tôm, cá viên chiên thì làm từ bột và hương cá…”.
Ông T. còn cho biết sữa đậu nành bán nhan nhản ngoài đường hầu hết đều sử dụng hương đậu nành vì giá rẻ. Muốn cà phê nổi nhiều bọt thì trộn sodium lauryl sunfate, một hóa chất dùng sản xuất… xà phòng. Chưa hết, sodium carboxymethyl cellulose (CMC), chất dùng làm keo dán, cũng được trộn chung để khi pha, cà phê hơi sền sệt, trông bắt mắt. Để màu cà phê từ nâu chuyển sang đen thì trộn ít màu công nghiệp. Xi rô là sản phẩm sử dụng chất CMC nhiều nhất để tạo chất kết dính, sệt. Nước giải khát được chế biến từ hương liệu, phẩm màu và chất ngọt nhân tạo như saccharin, cyclamate, aspartme có nguy cơ gây ung thư bàng quang, rối loạn thần kinh. “Nước tương, nước mắm chủ yếu cũng sử dụng hương liệu, pha với nước cùng ít phụ gia khác” - ông T. cho biết thêm.
Cũng theo ông T., để bánh kẹo có màu sắc bắt mắt người ta dùng ôxít sắt, một chất dùng trong ngành gốm, có tác dụng tạo màu sắc cho men khi đun nóng. Măng khô có màu vàng đẹp là do ngâm với diêm sinh. Hạt dưa, bột ớt, bột điều có màu đỏ là nhờ sử dụng màu trong dệt nhuộm. Da heo quay, vịt quay vàng rụm do tẩm phẩm màu nhuộm chiếu. “Để trái cây và rau củ tươi lâu thì sử dụng carbendazim, một hóa chất trị nấm, có nguy cơ gây rối loạn nội tiết. Acid oxalic và tinopal CBS-X là hóa chất độc hại lại được dùng để làm trắng bún. Sử dụng hàn the để rau, thịt vừa giòn vừa dai. Muốn chả lụa, nem, xúc xích… giữ được lâu thì sử dụng nitrit, nitrat sodium, chất có nguy cơ gây ung thư dạ dày. Tẩy trắng mực, chân gà, rau củ quả… thì ngâm với sulfur dioxide, có thể gây dị ứng và hen suyễn. Biến thịt heo ôi thành tươi thì tẩm sodium hydrogen sulfite (NaHSO3), chất được sử dụng trong ngành cơ khí. Các hóa chất trên ở chợ Kim Biên đều có và chỉ được bán cho người quen” - ông T. nói.
Một số hóa chất không nhãn mác được phóng viên mua trong và ngoài chợ Kim Biên. Ảnh: TN - TT
“Vệ tinh” quanh chợ
Trong khi một vài sạp trong chợ Kim Biên vẫn còn kinh doanh lén lút hóa chất thực phẩm không nhãn mác thì nhiều cửa hàng hóa chất khu vực ngoài chợ (trên địa bàn phường 13, quận 5) vô tư chào bán công khai.
Ghé vào cửa hàng H.Đ (đường Trịnh Hoài Đức), nghe chúng tôi hỏi mua hương tạo mùi và màu nấu bún riêu, người bán tươi cười bảo loại gì cũng có và hẹn hôm sau ghé lấy. Tại cửa hàng K. (góc đường Vạn Tượng - Vũ Chí Hiếu), người bán cho biết loại hương liệu nào cũng có, từ hương cua, bò đến tôm, gà…, chỉ cần cho một ít thì nồi phở, hủ tiếu hoặc bún riêu sẽ ngọt lịm, màu cũng đẹp hơn. Có điều ở đây không bán lẻ. Hương bò giá mỗi ký 360.000 đồng; hương tôm, cua, gà mỗi ký giá 250.000 đồng, đựng trong các bịch nylon, can nhựa… không nhãn mác rõ ràng.
Tại cửa hàng T.L (đường Phùng Hưng), nghe chúng tôi hỏi mua hóa chất tạo màu cho xôi, người bán lắc đầu nhưng nói có thể dùng bột màu công nghiệp để thay thế vì giá rẻ, giá 400 g bột màu đỏ là 60.000 đồng. Loại bột này rất khó tẩy sạch nếu dính vào tay hoặc quần áo. Riêng hóa chất tẩy trắng rau, củ, mực… loại rẻ tiền, người bán báo giá 80.000 đồng/lít.
Ghé một số cửa hàng khác, chúng tôi thấy hóa chất các loại không rõ nguồn gốc được bày bán nhan nhản. Một số hóa chất công nghiệp như vec ni, dầu bóng, acid… để lẫn lộn với các thùng nhựa chứa hóa chất thực phẩm. Người bán cũng không giấu giếm khi cho biết hóa chất được các mối bên Trung Quốc tuồn sang.
- Trước năm 1965, chợ Kim Biên chỉ là chợ tự phát, không tên tuổi. Một số vợ con sĩ quan chế độ cũ dựa vào chợ này để trao đổi, mua bán đôla đỏ và hàng quân tiếp vụ. - Năm 1965, chợ Kim Biên chính thức được xây dựng, bố trí quầy sạp. Tiểu thương kinh doanh tại đây cũng chính là vợ con sĩ quan chế độ cũ. - Sau năm 1975, chợ hoạt động theo mô hình hợp tác xã, mua bán lương thực, vật liệu xây dựng, hàng ăn uống… - Năm 1984, do hợp tác xã làm ăn không hiệu quả nên cơ quan quản lý chợ Kim Biên quyết định cho tiểu thương thuê sạp để kinh doanh nhiều mặt hàng, trong đó có cả hóa chất công nghiệp và hóa chất thực phẩm. Theo ông NGUYỄN VĂN CƯỜNG, Phụ gia thực phẩm (hương liệu và chất bảo quản) có 23 tác dụng, được sử dụng trong thực phẩm với mục đích diệt nấm, diệt khuẩn, chống oxy hóa… giữ thực phẩm tươi lâu. Nó còn có tác dụng chống vón, chống đông cục, tạo hương, tạo màu… và giúp thực phẩm đẹp mắt và hấp dẫn. Mỗi quốc gia có danh mục phụ gia được phép sử dụng riêng. Có phụ gia được sử dụng tùy ý nhưng cũng có phụ gia phải sử dụng đúng hàm lượng cho phép. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng có người sử dụng hóa chất “hao hao phụ gia” để dùng trong thực phẩm. Chính chất “hao hao phụ gia” là nguyên nhân gây tác hại xấu đến sức khỏe. BS NGUYỄN XUÂN MAI, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM Hương liệu gồm các loại hương thịt, sữa, cà phê, gia vị, trái cây, đậu… Phụ gia gồm chất tạo giòn, dai, làm nở… Chất bảo quản dùng để chống ẩm, chống mốc… Chất tạo màu để thực phẩm trông ngon hơn. Đa số mặt hàng trên được các công ty có chức năng nhập từ Trung Quốc, Canada, Mỹ, Đức, Nhật… rồi phân phối lại cho tiểu thương trong chợ. Ông NGUYỄN ĐẮC NGHĨA, Tổ trưởng ngành hàng hương liệu thực phẩm chợ Kim Biên Đài Loan phát hiện nước giải nhiệt chứa DEHP Mới đây, Cơ quan Y tế Đài Loan phát hiện và thu hồi nửa triệu chai nước giải nhiệt có chứa DEHP. Đây là chất dùng thay cho dầu cọ để tạo một loại phụ gia có chức năng tạo đục trong thức uống. DEHP có thể gây ung thư, ảnh hưởng xấu đến năng lực sinh dục của nam và kích thích phát triển tính dục sớm ở nữ. |
TRẦN NGỌC - TẤN TÀI