Cho lái xe nghỉ việc trái luật, ngân hàng phải bồi thường

Trước đó, tại một buổi hòa giải, phía ngân hàng đã chấp nhận bồi thường cho ông P. hơn 40 triệu đồng, phía ông P. cũng đồng ý.

Theo hồ sơ, ông P. ký hợp đồng với công việc là lái xe của một ngân hàng từ tháng 3-2006. Giữa năm 2011, phía ngân hàng đề nghị chuyển ông P. đến làm bảo vệ tại một phòng giao dịch ở huyện nhưng ông P. không đồng ý. Sau đó, phía ngân hàng đề nghị ông P. lựa chọn một trong ba phương án: Làm bảo vệ; tiếp tục lái xe nhưng phải thanh toán chi phí sửa xe hoặc tự xin nghỉ việc.

Ông P. không chịu cả ba phương án trên nên phía ngân hàng để ông tiếp tục làm tài xế nhưng thay đổi địa điểm đậu xe và không trợ cấp chi phí đi lại như trước. Tiếp đó, ngày 23-6-2011, phía ngân hàng họp và ra quyết định cho ông P. nghỉ việc từ ngày 1-7-2011 mà không gửi cho ông bản tính các khoản trợ cấp theo chế độ khi nghỉ việc…

Ông P. khởi kiện ngân hàng, cho rằng việc ngân hàng yêu cầu ông làm bảo vệ là vi phạm hợp đồng lao động đã ký cũng như pháp luật về lao động. Theo hợp đồng lao động, ông P. là nhân viên lái xe, công việc này là ổn định lâu dài, ngân hàng tự ý thay đổi công việc, gây sức ép nhằm lấy cớ buộc cho ông nghỉ việc là sai.

Mặt khác, quyết định của ngân hàng chấm dứt hợp đồng lao động với ông là trái Điều 38 Bộ luật Lao động vì ông không thuộc trường hợp nào thuộc diện bị đơn phương chấm dứt hợp đồng. Hơn nữa, lý do cho ông thôi việc cũng không được ngân hàng nêu ra, việc đơn phương cho ông nghỉ việc cũng vi phạm thời hạn thông báo trước 45 ngày. Ngoài ra, khi cho ông nghỉ việc, ngân hàng không trao đổi với ban chấp hành công đoàn cơ sở là sai so với khoản 2 Điều 38 Bộ luật Lao động.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm