Mỗi ngày có đến 300-400 người đến bờ sông Lưu (xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, Vĩnh Long) tìm việc. Ông Thi Công Dụng, Chủ tịch xã Nhơn Phú, cho biết ở xã có 520 cơ sở làm gạch với gần 1.000 miệng lò nên thu hút nhiều lao động nơi khác đến.
Phiên chợ tứ xứ
Mới 3 giờ sáng, trời hãy còn mù sương mà đôi bờ sông Lưu đã rộn rã tiếng người. Đến sớm, họ ghé vào chợ xã Nhơn Phú mua gói xôi hay ổ bánh mì lót bụng. Và họ bắt đầu một ngày chờ việc làm.
Lao động ở đây chủ yếu làm nghề “thợ đụng”, đụng gì làm đó: bưng gạch, phơi gạch, vác gạo, lúa, trấu, trái cây... Gọi là chợ nhưng thật ra điểm tập trung của các nhóm lao động là quán nước, bến đình, bến sông nằm cạnh ngã ba sông Lưu và chợ xã Nhơn Phú (xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, Vĩnh Long).
4 giờ sáng, mưa lắc rắc, ghe bắt đầu đi ngang sông Lưu, chủ ghe kêu: “Ghe Cà Mau, ghe Bến Tre... tới. Cần 10 công đi bốc gạch, vác tràm...”. Lập tức, nhiều người bật đứng dậy. Tiếng một nhóm trưởng phân chia: chị Sáu, chú Tư, anh Ba, cô Út đi chuyến này nghen! “Gọi là nhóm trưởng cho bảnh chứ thực là do tui làm lâu thì được mọi người trong nhóm gọi cho vui thôi” - anh Dương Văn Dừa, 10 năm làm nghề “thợ đụng” lý giải. Nhóm anh Dừa có 60 người, khi ghe đến, mối của ai người đó đi, ai ít việc thì được cả nhóm nhường cho đi trước.
Cứ thế, ghe đậu lại vài phút kêu người làm rồi vội vã đi cho kịp con nước. Người đi làm lâu có nhiều mối quen, người mới vào nghề ít có mối nên được những người khác thiếu công kêu đi. Có người đợi cả buổi sáng mà không có việc, mặt buồn thiu. Gói xôi mua theo để dành ăn trưa họ đem ra ăn luôn. “Chèn ơi, ăn thua gì chú, tui làm nghề bốn năm rồi, có bữa đợi dài cổ không thấy ghe mối, đành đợi bữa khác” - chị Trần Thị Tuyết, 39 tuổi quê ở Bến Tre tâm sự. Mỗi ngày chị Tuyết mất nửa tiếng qua phà An Phú mới đến được chợ này. Chị kể, nhà có miếng ruộng làm lúa nhưng giá lúa thấp quá, chị chuyển sang đi may nhưng cũng chẳng ăn thua. Vậy mà chị trụ được với nghề này. Ngày khá chị kiếm được 50 ngàn đồng, ngày ít cũng được 30 ngàn đồng. Chị bảo ở đây người ta không giành giật nhau, cũng không phân biệt người xứ khác. Chị Tuyết cho hay hai tháng trước, chị Ngân (quê Cần Thơ) đi bưng gạch bị gãy tay, chị được “đồng nghiệp” đưa đi bó bột, còn phụ lo tiền thuốc men.
Có nhiều người tranh thủ lúc nông nhàn ra chợ kiếm việc. Chị Nguyễn Thị Linh (ở ấp Phú Quới, xã Nhơn Phú) tám năm nay, lúc nào rảnh thì vợ chồng chị đi làm. Mỗi ngày thu nhập hai vợ chồng khoảng 70-100 ngàn đồng. Chị Linh cho biết nhiều chủ ghe chở gạch kén công lắm, người nào mà yếu ớt quá thì họ không cho làm, vì sợ bị xỉu! Tuy nhiên, người trưởng nhóm bảo lãnh là được, tiền công vẫn được chia đều.
|
Ông Ba Chuẩn, 67 tuổi trên đường đến “chợ”. Ảnh: N.ĐỨC |
Tuổi già mưu sinh
Ông Út Một, 65 tuổi, ngụ ấp Phú Quới, một trong những người “họp chợ” lâu năm ở đây cho hay hai năm nay thanh niên đổ xô về các đô thị lớn để tìm việc nên thanh niên ở chợ thưa dần, chỉ còn những người có tuổi, phụ nữ tìm đến chợ ngày một tăng. Ông Một nhẩm tính có khoảng 50 người là phụ nữ, đàn ông phần lớn tuổi từ 40 đến 60. “Chú muốn biết lịch sử của chợ lao động thì hỏi ông Ba Chuẩn, ổng làm lâu nhất ở đây” - ông Một giới thiệu rồi đạp xe tới điểm họp chợ.
Khi tôi hỏi thăm về ông Ba Chuẩn, một người cho hay: “Hôm qua tới 9 giờ tối ổng mới bưng gạch xong, chắc sáng nay mỏi người nên đi trễ, chứ thường 4 giờ sáng là đã có mặt ổng rồi”. Vừa nhắc xong, ông Chuẩn đã lạch cạch đạp xe đến. Nhìn khuôn mặt rắn rỏi, ít ai biết ông Ba Chuẩn đã 67 tuổi và có đến 25 năm gắn bó với nghề tại bến sông này. Xưa ông theo nghề chăn vịt chạy đồng, bán nước mắm thuê. Một lần, ông ra chợ Nhơn Phú bán rau phụ người hàng xóm; bán xong có ghe từ Bến Tre đi ngang chợ nhờ ông vác trấu. Từ ngày ấy, ông ra ngồi ở mé sông cạnh chợ đợi ghe. “Thấy tui mần ăn vậy mà được, nhiều người rủ nhau làm theo, lâu dần quen miệng gọi là chợ” - ông Ba Chuẩn cho hay.
Ông khoe ngày làm ít ông được 20.000 đồng, có ngày nhiều ông được tới 70.000 đồng, thường là bưng gạch, vác cây, vác trấu. Hỏi ông “họp” được bao nhiêu phiên chợ rồi, ông cười: “Chú hỏi cắc cớ chi, mỗi ngày họp hai đến ba lần, cứ làm xong ghe này lại về bến đợi ghe khác kêu. Cứ 3 giờ sáng họp, 2 giờ chiều tan, tùy con nước. Biết bao nhiêu mà nhớ”.
8 giờ sáng, mưa to dần mà người đợi việc vẫn kiên nhẫn chờ ghe, gió sông thổi lên lạnh buốt. Ông Ba Chuẩn than, đến mùa mưa công ế lắm. Nhưng ngày nào cũng có nhiều người ra sông Lưu này chờ đợi. Rồi ông tươi tỉnh ngay khi có người chạy sang tìm ông vác lúa. “Bây giờ hiện đại lắm, nhiều người mua được điện thoại nên chủ ghe khi cần bao nhiêu công là ở đây tập trung liền” - ông Ba nheo mắt cười.
Có tiếng một thanh niên hát ghẹo ai đó bằng câu vọng cổ “chế”giữa cơn mưa đầu ngày: “Ghe lúa Cà Mau đã cặm sào trên bờ sông Nhơn Phú, sao không thấy em yêu mang nước đá cho qua vậy… trời”.
NGUYỄN ĐỨC