Chó, mèo đã tiêm vaccine dại được đeo vòng cổ để nhận diện

Video: Người nuôi chó mèo cần đọc để không bị phạt

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2151 (có hiệu lực kể từ 21-12-2021) về việc phê duyệt "Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022-2030".

Quyết định được ban hành với mục tiêu kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng.

Theo đó, quyết định này quy định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến kiểm soát bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi. Cụ thể như:

Nhân viên Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM tiêm ngừa dại cho chó. Ảnh: TRẦN NGỌC

Trách nhiệm của chủ nuôi  chó, mèo: Chủ nuôi chó, mèo phải tuân thủ một số điều kiện: Có trách nhiệm đăng ký, khai báo nuôi chó, mèo với chính quyền cấp xã; cam kết nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình; chó, mèo khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt đề phòng cắn người.

Ngoài ra, nếu để chó, mèo thả rông cắn người thì chủ vật nuôi phải chi trả những chi phí liên quan theo quy định; áp dụng việc đánh dấu để nhận diện (đeo vòng cổ) cho chó, mèo đã được tiêm vaccine dại.

Đối với chính quyền các cấp phải có trách nhiệm tổ chức quản lý, lập danh sách hộ nuôi chó hoặc sổ quản lý chó, mèo; cập nhật số liệu nuôi tại địa phương trên Hệ thống báo cáo trực tuyến quản lý chó, mèo. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành chính trong quản lý nuôi chó, mèo, không tiêm vaccine dại cho chó, mèo.

Về yêu cầu chung tiêm vaccine dại: Tiêm vaccine dại cho toàn bộ đàn chó, mèo nuôi trong địa bàn cấp xã; chó, mèo đã tiêm vacinne dại nên được đánh dấu để nhận diện (vòng đeo cổ).

Hằng năm, ưu tiên tiêm vào trước thời điểm nắng nóng, trước mùa hè. Tổ chức tiêm vaccine dại cho trên 70% đàn chó, mèo đã hết thời gian miễn dịch, mới nuôi, bảo đảm tối thiểu 1 lần/năm trong giai đoạn 2022 - 2025; tiêm vaccine dại cho trên 80% đàn chó, mèo thuộc diện tiêm trong giai đoạn 2026 - 2030; thường xuyên rà soát, tiêm bổ sung cho đàn chó, mèo mới phát sinh.

Về tổ chức tiêm vaccine dại: UBND cấp xã có trách nhiệm bố trí các lực lượng thống kê đàn chó, mèo nuôi; tuyên truyền, vận động chủ nuôi chó, mèo chủ động kinh phí tiêm vắc xin dại; phối hợp với cơ quan thú y để triển khai tiêm vaccine dại và cấp giấy chứng nhận tiêm phòng bệnh dại…

UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí; phê duyệt kế hoạch và bố trí kinh phí hỗ trợ mua vaccine, tổ chức tiêm vaccine dại cho đàn chó, mèo trên phạm vi cấp tỉnh đồng loạt vào cùng một thời điểm…

Như vậy, một trong những điểm mới của chương trình quốc gia về phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030 là những đàn chó, mèo sau khi được tiêm vaccine dại thì sẽ được đeo vòng cổ để nhận diện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm