Tất nhiên, chuyện sĩ tử mang “phao” vào phòng thi là không mới. Nhưng câu hỏi đặt ra là cái chuyện cũ xì này đến bao giờ mới lùi hẳn? Rõ ràng tính trung thực là câu chuyện đạo đức vỡ lòng mà các em đã được học từ ngày còn mẫu giáo. Trước mỗi kỳ thi các em đều đã được phổ biến quy chế, kỷ luật phòng thi một cách kỹ lưỡng và đã tập dượt qua các lần thi thử. Các em cũng quá biết cái giá phải trả cho hành vi không trung thực của mình khi bị phát hiện. Thế thì tại sao mọi chuyện lại vẫn cứ diễn ra như thế?
Phải chăng các em quên mất bài học về sự trung thực mình đã học, phớt lờ hậu quả xảy ra cho chính bản thân, gia đình? Có thể sự xuề xòa, dễ bỏ qua cho những gian dối thường gặp đã làm cho các em “lờn thuốc”. Hậu quả là các em đã không hình thành được kháng thể về đức trung thực cho mình. Hay chính sự gian dối của xã hội đang diễn ra hằng ngày (từ mua điểm, mua bằng, mua đường, mua chức…) đập vào mắt những học sinh này khiến các em dần thấy nó bình thường và thầm nghĩ rằng “chuyện này có gì đâu, người ta gian dối đầy ra đó, mình có gian dối một lần này cũng chẳng sao”. Để rồi từ đó các em bước vào phòng thi với tâm thế “cầu may” cho sự gian dối của mình sẽ không bị lộ.
Cũng có thể sức ép từ một xã hội sính bằng cấp đang tác động rất lớn đến nhận thức của các em khiến các em phải vượt qua kỳ thi bằng mọi giá, kể cả lòng tự trọng của chính mình. Nói như thế không có nghĩa phủ nhận giá trị của những tấm bằng được tạo nên từ sự tự học, mà để thấy rằng chuyện sính bằng cấp vẫn đang ám ảnh tương lai của không ít học sinh.
Giáo dục là môi trường cực kỳ quan trọng để xây dựng nền tảng đạo đức cho xã hội; không thầy cô, nhà trường nào mong muốn học trò của mình như thế. Bản thân xã hội không mong chờ đón nhận và kỳ vọng những người đi qua gian dối sẽ trở thành người có ích cho sự phát triển, xã hội cần những người thực học, thực tài, thực đức. Câu chuyện học sinh mang “phao” vào phòng thi sẽ lùi vào dĩ vãng chỉ khi nào cả giáo dục và xã hội cùng chung tay thực sự tạo ra kháng thể cho các em về đức trung thực. Muốn thế, không còn cách nào khác mọi người phải chung tay loại bỏ gian dối ra khỏi đời sống xã hội. Đừng để các thế hệ tương lai của đất nước phải chứng kiến những cảnh dối trá “từ trong nhà ra đến ngoài ngõ”, từ chốn học đường đến chốn quan trường.
Có như thế mới mong một ngày nào đó Bộ GD&ĐT sẽ mang đến cho chúng ta một thông tin vô cùng tốt lành: “Kỳ thi này là một kỳ thi sạch”.
MẠNH LÊ