Cho người lao động rút hay cấm rút BHXH một lần vẫn đang là vấn đề khó

(PLO)- Nhiều ý kiến vẫn còn “băn khoăn” với hai phương án nhận BHXH một lần.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương đặt ra yêu cầu phải có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần.

Với yêu cầu trên, cơ quan soạn thảo Luật BHXH (sửa đổi) phải “siết” nhận BHXH một lần, không thể giữ quy định như hiện hành. Bởi vậy, hai phương án nhận BHXH một lần đã được đề xuất đưa vào dự luật và trình tại kỳ họp thứ 6 và kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. Tuy nhiên, cả hai lần lấy ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy các ý kiến vẫn còn phân tán.

Ý kiến phương án 1 đang áp đảo

Theo tổng hợp của Tổng Thư ký Quốc hội, phiên thảo luận ở hội trường về Luật BHXH (sửa đổi) vào sáng 27-5, có nhiều đại biểu nêu quan điểm về phương án nhận BHXH một lần. Trong đó, có 17 ý kiến đồng ý đề xuất phương án 1, 9 ý kiến đồng ý phương án 2, có ý kiến chưa đồng ý với cả hai phương án Chính phủ đề xuất và có ý kiến đề nghị Quốc hội lấy phiếu biểu quyết của đại biểu Quốc hội về hai ý kiến.

Thêm vào đó, một số ý kiến đề nghị tích hợp giữa phương án 1 và phương án 2, theo đó, chia ra hai nhóm. Nhóm 1 là những người đang và đã đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thì được hưởng BHXH một lần như phương án 1 và nhóm 2 là những người bắt đầu đóng từ ngày luật có hiệu lực thì chỉ được hưởng BHXH một phần, có thể là 50% như phương án 2.

Phương án 1: NLĐ có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (dự kiến ngày 1-7-2025), sau 12 tháng không tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện và thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH 1 lần. Sau thời gian luật có hiệu lực thi hành, NLĐ không được rút BHXH 1 lần nữa.

Phương án 2: Sau 12 tháng NLĐ không tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH 1 lần, nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia khi có điều kiện và hưởng các chế độ BHXH.

Buổi thảo luận ở hội trường cũng ghi nhận có ý kiến đại biểu Quốc hội đồng tình với phương án 1 nhưng giảm điều kiện về thời gian hưởng BHXH một lần từ 12 tháng xuống còn 3 hoặc 6 tháng. Song song đó, có ý kiến đề nghị không cho rút BHXH một lần đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng BHXH.

Cạnh đó, có ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ trong dự thảo “quy định hưởng không quá 50% tổng thời gian đã đóng BHXH” là hưởng của thời gian đầu tham gia đóng hay thời gian cận kề lúc nghỉ việc.

Dự luật lần này bắt buộc phải đưa ra được một phương án hạn chế nhận BHXH một lần. Ảnh: P.PHONG
Dự luật lần này bắt buộc phải đưa ra được một phương án hạn chế nhận BHXH một lần. Ảnh: P.PHONG

Một số ý kiến đại biểu không đi sâu phân tích từng phương án, nhưng đề nghị Chính phủ cần bổ sung, thực hiện các giải pháp để khắc phục tình trạng nhận BHXH một lần. Chẳng hạn như có chính sách tín dụng ưu đãi dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động; dùng nguồn quỹ nào đó cho người lao động (NLĐ) vay để giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở thời điểm đó và khi NLĐ đi làm lại, có điều kiện thì có thể trả khoản nợ này.

Thêm vào đó, có đại biểu đề nghị củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống BHXH thông qua đẩy mạnh cải cách tinh gọn bộ máy tổ chức thực hiện, nâng cao tính hiệu quả trong thực thi chính sách. Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về lao động, việc làm để duy trì ổn định việc làm, thu nhập cho NLĐ…

Đề xuất phương án mới

Để dự luật tạo sự đồng thuận cao, Hội đồng dân tộc cũng cho biết vừa có ý kiến về Luật BHXH (sửa đổi). Theo đó, quá trình lấy ý kiến dự luật đa số thành viên đánh giá hai phương án cơ quan soạn thảo đưa ra chưa khả thi. Tuy nhiên, nếu chọn hai phương án Hội đồng dân tộc chọn phương án 2, nhưng đề nghị phải phân tích nguyên nhân tại sao trong tháng 4 vừa qua đã có trên 121.000 người rút BHXH một lần.

Thêm vào đó, Hội đồng dân tộc đề nghị cơ quan soạn thảo không nên quy định sau 12 tháng mới nghiên cứu, xem xét cho rút BHXH một lần mà nên giảm xuống 6 tháng. Bởi vì rút BHXH một lần nhằm đáp ứng linh hoạt nhu cầu cấp bách của một bộ phận NLĐ mất việc làm, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, để đảm bảo cho NLĐ duy trì cuộc sống.

Cạnh đó, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục bổ sung đánh giá tác động của từng phương án. Mục đích, đảm bảo an sinh xã hội và hoạt động của hệ thống BHXH, bảo đảm tính công bằng, hiệu quả và bền vững, hỗ trợ được cả NLĐ và doanh nghiệp, nhất là lao động người dân tộc thiểu số, người yếu thế ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Hội đồng dân tộc cũng cho biết một số thành viên đề nghị quy định phương án rút BHXH một lần theo hướng. NLĐ có quyền rút BHXH một lần đối với khoản mình đóng, còn phần người sử dụng lao động đóng được xem là nguồn đóng của Nhà nước cho NLĐ nhằm đảm bảo chế độ hưu trí. NLĐ chỉ được hưởng khoản người sử dụng lao động đóng khi đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp hưu trí. Phương án trên đảm bảo nguyên tắc có đóng có hưởng.

“Việc cho phép NLĐ rút BHXH như trên tạo tâm lý "luôn có lợi" cho NLĐ. Trong khi Nhà nước đạt được mục tiêu hạn chế việc rút BHXH một lần để đảm bảo chế độ hưu trí cho NLĐ. Việc quy định như trên sẽ có tính thuyết phục hơn đối với NLĐ và họ sẽ cân nhắc việc rút BHXH một lần…”- Hội đồng dân tộc thông tin.

Cần ưu tiên phương án nào giảm thiểu sự phản ứng của NLĐ

Theo Bộ LĐ-TB&XH, phương án 1 khắc phục được thực trạng NLĐ rút BHXH một lần nhiều lần. Tuy nhiên, phương án 1 có thể có sự so sánh giữa những NLĐ tham gia trước và sau khi luật có hiệu lực.

Với phương án 2, cơ quan soạn thảo cho rằng không có sự khác nhau giữa người tham gia BHXH trước và sau khi luật mới có hiệu lực. NLĐ hưởng BHXH một lần nhưng vẫn bảo lưu được một phần thời gian đóng, khi tiếp tục tham gia sẽ được cộng nối để hưởng chế độ BHXH.

Tuy nhiên, việc quy định chỉ được giải quyết một phần thời gian đóng có thể gặp phải nhiều phản ứng của NLĐ, có thể tăng đột biến số người đề nghị rút BHXH một lần trước khi luật mới có hiệu lực thi hành. Việc này ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp do nó tác động đến tất cả NLĐ, cả những người hiện nay đang tham gia và sẽ tham gia sau thời điểm Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực.

Ngoài ra, phương án 2 cũng không giải quyết triệt để được việc rút BHXH một lần và thực trạng NLĐ nhiều lần rút BHXH một lần. Nếu thực hiện phương án này thì sau đó vẫn phải tiếp tục sửa đổi quy định để tiến tới phù hợp với tiêu chuẩn, thông lệ chung và đúng bản chất, mục tiêu của chế độ hưu trí.

Từ các phân tích trên, cơ quan soạn thảo khẳng định: “Cả hai phương án đều phải chấp nhận lát cắt nhất định, song về mặt xã hội cần ưu tiên phương án nào giảm thiểu sự phản ứng của NLĐ” - Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, cho biết qua nghiên cứu các ý kiến đề xuất, cơ quan soạn thảo cũng tính toán đến tích hợp 2 phương án. Tuy nhiên, sau khi xem xét, các chuyên gia đánh giá thấy rằng nếu tích hợp thì nhược điểm nhiều hơn là ưu điểm.

“Chính vì vậy chúng tôi thấy thấy không có phương án nào khác ngoài 2 phương án nêu trong dự luật…”- ông Đào Ngọc Dung nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm