Cho phép xử lý vật chứng, tài sản ngay trong quá trình tố tụng: Hợp lý

(PLO)- Mở rộng thời điểm xử lý vật chứng vừa đỡ tốn kém trong việc quản lý vừa tối ưu hóa giá trị của tài sản; tuy nhiên cần quy định chặt chẽ cơ chế xử lý.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VKSND Tối cao vừa có tờ trình gửi Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

Đáng chú ý, dự thảo nghị quyết đề xuất cho phép xử lý vật chứng, tài sản ngay trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

P6_anhchinh.jpg
Một buổi xử lý vật chứng của cơ quan thi hành án dân sự. Ảnh: CT

Hài hòa lợi ích của các bên và tránh lãng phí

Liên quan đến việc xử lý vật chứng, tài sản là tiền, theo quy định hiện hành, trong suốt quá trình giải quyết, vật chứng, tài sản là số tiền đã bị thu giữ, tạm giữ, phong tỏa không được lưu thông phục vụ các hoạt động kinh tế và chỉ được trả lại trong những trường hợp nhất định.

Dự thảo nghị quyết quy định theo hướng linh hoạt hơn, khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định sẽ trả lại tiền cho bị hại. Bị hại được nhận lại tiền bồi thường sớm hơn mà không phải đợi đến khi có bản án, quyết định của tòa án. Hoặc số tiền đã thu giữ, tạm giữ được chuyển vào tài khoản của cơ quan tiến hành tố tụng…

Hoặc cho chủ sở hữu tài khoản được chuyển đổi thành hình thức tiền gửi tiết kiệm có thời hạn đối với tiền trong tài khoản đang bị phong tỏa; sau đó cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành phong tỏa tài khoản tiết kiệm này để chờ xử lý. Tiền lãi phát sinh được sử dụng để khắc phục hậu quả cho vụ án…

Theo VKSND Tối cao, quy định nói trên nhằm đảm bảo quyền lợi của bị can, bị cáo; tránh lãng phí và hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền tài sản của tổ chức, cá nhân.

Biện pháp đáng chú ý khác, dự thảo nghị quyết quy định việc nộp tiền đảm bảo để cơ quan tiến hành tố tụng hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa.

Ngoài ra, dự thảo nghị quyết cũng quy định cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản khi có đủ điều kiện…

Lý giải cho đề xuất này, VKSND Tối cao cho hay vật chứng, tài sản là bất động sản (BĐS), tài sản gắn liền với đất, giấy tờ có giá, chứng khoán nếu không tiếp tục được lưu thông trên thị trường, không tiếp tục được khai thác, sử dụng thì sẽ bị giảm hoặc mất giá trị.

“Xây dựng các phương pháp xử lý một cách định lượng có khoa học, tránh tùy tiện, cảm tính để đảm bảo đúng mục đích của việc xử lý vật chứng trong quá trình tố tụng hình sự.”

Luật sư Lê Trung Phát

Bảo vệ giá trị tài sản cho các bên

Đối với biện pháp xử lý vật chứng, tài sản bằng biện pháp cho phép mua bán, chuyển nhượng và tạm giữ tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng để chờ xử lý, luật sư Trần Vĩ Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM, đánh giá đây là một biện pháp xử lý vật chứng, tài sản rất hợp lý.

Cụ thể, đối với việc cho phép mua bán, chuyển nhượng đối với vật chứng là BĐS sẽ đảm bảo cho BĐS được đưa vào quản lý, sử dụng, tránh việc hoang hóa BĐS, giảm giá trị BĐS, tránh việc dẫn đến bị thu hồi theo quy định tại khoản 7, khoản 8 Điều 81 Luật Đất đai 2024, đảm bảo theo quy định về khuyến khích đầu tư vào sử dụng đất đai tại Điều 8, Điều 222 Luật Đất đai 2024.

Luật sư Trần Vĩ Cường cũng đánh giá cao đề xuất “giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng”. Bởi lẽ có những vật chứng là tài sản của người khác (không phải của người phạm tội) được thu thập trong quá trình giải quyết vụ án nhưng ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án. Việc giữ những vật chứng này trong cả quá trình giải quyết vụ án là không cần thiết vì vừa tốn kinh phí bảo quản vừa gây thiệt hại không đáng có cho người chủ sở hữu hoặc quản lý hợp pháp tài sản đó.

Cùng quan điểm với luật sư Cường, luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM, đánh giá rằng các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản được nêu trong dự thảo nghị quyết đã giải quyết phần nào những tồn đọng thực tế trong quá trình tố tụng.

“Người bị buộc tội có cơ hội bảo vệ tài sản của mình, tránh trường hợp bị thu giữ, tạm giữ, kê biên hoặc tạm dừng giao dịch một cách vô lý hoặc kéo dài. Việc được nộp tiền để đảm bảo thi hành án giúp giảm thiểu những thiệt hại kinh tế mà người bị buộc tội có thể phải gánh chịu do việc tài sản bị phong tỏa. Đối với cơ quan tố tụng, việc thu giữ tiền đảm bảo sẽ giúp đảm bảo rằng nếu người bị buộc tội bị kết án thì sẽ có tài sản để thi hành bản án” - luật sư Liên nói.

Năm biện pháp xử lý vật chứng, tài sản

Xử lý vật chứng, tài sản là tiền để bồi thường thiệt hại hoặc để đảm bảo thi hành bản án, quyết định của tòa án;

Xử lý vật chứng, tài sản bằng biện pháp nộp tiền để đảm bảo thi hành bản án, quyết định của tòa án hoặc để tiến hành hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, tạm dừng giao dịch;

Xử lý vật chứng, tài sản bằng biện pháp cho phép mua bán, chuyển nhượng và tạm giữ tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng để chờ xử lý;

Xử lý vật chứng, tài sản bằng biện pháp giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng;

Tạm dừng giao dịch và xử lý tài sản tạm dừng giao dịch.

(Trích dự thảo Nghị quyết thí điểm một số biện pháp xử lý vật chứng, tài sản)

Minh bạch quá trình xử lý vật chứng

Về cách thức thực hiện, luật sư Nguyễn Thị Kim Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng việc minh bạch trong việc xử lý tài sản sẽ đảm bảo rằng các bên đều có cơ hội để tham gia vào quá trình xử lý, được thông báo về tình trạng của tài sản và có thể yêu cầu đền bù hoặc bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra.

“Để đảm bảo rằng biện pháp xử lý tài sản, vật chứng trong quá trình điều tra và tố tụng được thực hiện minh bạch, dự thảo nghị quyết cần yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo quy trình cụ thể, có căn cứ pháp lý rõ ràng. Điều này sẽ giúp đảm bảo rằng việc xử lý được thực hiện theo luật pháp và dựa trên các chứng cứ rõ ràng.

Một khía cạnh quan trọng của việc tăng cường tính minh bạch là đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên liên quan; không chỉ của bị cáo mà còn của chủ sở hữu tài sản, các cổ đông, hay bên thứ ba có liên quan. Khi một tài sản bị xử lý trong quá trình điều tra hoặc xét xử, nếu quá trình này không được thực hiện minh bạch có thể gây ra tranh chấp và thiệt hại cho các bên” - luật sư Phượng nêu vấn đề.

Đồng tình, luật sư Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP.HCM, cũng cho rằng cần xây dựng quy định về cơ chế đánh giá trước khi chọn phương án xử lý vật chứng. Phương án này cần phải được xây dựng một cách khoa học, có sự tham gia của các cá nhân, tổ chức có chuyên môn tham vấn, bằng các phương pháp định lượng rõ ràng.

“Theo tôi, để làm tốt công tác xử lý vật chứng, ngoài việc cho cơ chế thoáng hơn (trước khi có quyết định đình chỉ hoặc kết quả xét xử) thì điều quan trọng nhất vẫn là tập trung vào việc hướng dẫn dựa trên quy định của pháp luật hiện tại. Xây dựng các phương pháp xử lý một cách định lượng có khoa học, tránh tùy tiện, cảm tính để đảm bảo đúng mục đích của việc xử lý vật chứng trong quá trình tố tụng hình sự” - luật sư Phát nói.•

Cần hài hòa lợi ích của cả bên bán lẫn bên mua chứng khoán

Theo VKSND Tối cao, đối với những vật chứng, tài sản là chứng khoán, theo thời gian, giá trị của chứng khoán có thể sẽ tăng lên, giảm xuống hoặc thậm chí không còn giá trị theo diễn biến của thị trường. Điều này có thể gây thiệt hại cho chủ sở hữu, ảnh hưởng đến quyền tài sản của họ và các cổ đông khác.

Theo Luật Chứng khoán, chứng khoán là tài sản bao gồm cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng khoán phái sinh, trái phiếu, chứng quyền, chứng quyền có đảm bảo, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký.

Trong lĩnh vực chứng khoán, đặc thù của ngành này là khi có một tin xấu xảy ra thì chứng khoán sẽ rớt giá. Nếu giá chứng khoán có cơ hội phục hồi thì vô tình làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người có chứng khoán bị tịch thu, kê biên.

Trong trường hợp có khả năng giá chứng khoán về 0 đồng thì việc bán sớm để thu về lợi ích nhằm khắc phục hậu quả sẽ có khả năng ảnh hưởng quyền lợi của người mua...

Do đó, đề xuất này cần được xem xét kỹ lưỡng để hài hòa lợi ích của cả bên bán lẫn bên mua.

Luật sư LÊ NGÔ TRUNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm