Có lẽ ở Sài Gòn, hiếm có ngôi chợ nào lại dễ khiến người ta có thiện cảm, dễ dàng thân tình, cởi mở với nhau như ở cái chợ cũ này.
Chợ đã bắt đầu hoạt động từ sớm tinh mơ. 7 giờ sáng, chợ nhộn nhịp hẳn.
Người bán không níu kéo khách, không khó chịu hay nhăn nhó khi khách chọn xong rồi bỏ đi mà không mua.
Cô Bích Châu, chủ một cửa hàng bán áo quần đi mưa ở cuối góc đường giao với đường Huỳnh Thúc Kháng. Thấy tôi đi ngang qua, cô chỉ nhẹ nhàng hỏi: “Con có muốn xem hàng gì không?”. Khi tôi bảo chỉ muốn đi một vòng quanh chợ, cô nhoẻn miệng cười, rồi tíu tít bắt chuyện. Điều mà tôi hiếm thấy ở những ngôi chợ khác.
Cô Châu là người Sài Gòn, bán ở chợ cũng đã 40 năm nay. Mặt hàng mà cô bán từ đó đến giờ như nhau cả, là những chiếc áo mưa.
Nói chuyện một lúc lâu, khi tôi đi cô Châu còn dặn với theo rằng: “Hôm nào mà muốn tới chơi thì cứ ghé. Chừng nào thấy thích đồ cô bán thì mua thôi, không phải bận tâm nhiều đâu”.
Chợ bán nhiều mặt hàng khác nhau ngay trong cùng một khu chứ không phân thành nhiều khu vực khác nhau như các chợ thương mại thường thấy ở Sài Gòn.
Sự nhiệt tình của người bán khiến khách hàng luôn muốn dừng chân lại để trò chuyện.
Không chỉ riêng cô Châu mà những người bán hàng ở đây ai cũng vui vẻ, cởi mở như vậy. Cứ thấy người khách nào lạ mặt đi ngang cũng chào hỏi. Người đi qua đi lại lúc đông đúc, khi lại thưa thớt nên hoạt động buôn bán của chợ tùy cái nhịp di chuyển như vậy.
Hiếm có khu chợ nào ở ngay trung tâm quận 1 mà vẫn còn những mái che bằng tôn, bằng những tấm vải dù lớn thật lớn được căng ra trên những cây cọc nhỏ.
Những cây cọc được dựng đứng lên, phía trên là tấm bạt lớn được căng ra che nơi bán hàng.
Cũng hiếm có khu chợ nào mà ở đó, người ta thấy rõ cả sự hiện đại, văn minh bên cạnh nét hoài cổ, xưa cũ chỉ cách nhau có vài bước chân. Ở đó, có người bán hàng mặc bộ đồ bộ đơn giản, có cụ già ngồi đọc sách, đeo kính, có cả những người mang áo sơmi trắng đóng thùng, đeo kiếng; thấp thoáng đâu đó là hình ảnh chiếc xe đạp cọc cạch chạy ngang qua...
Ông Hoàng (72 tuổi) tinh nghịch, vui đùa với khách hàng...
Không biết tiếng Anh, khách Tây có hỏi thì ông giơ tờ tiền ra, khách sẽ nhìn đó rồi trả theo tờ tiền của ông...
Gánh chè bán miệt mài từ sáng đến chiều tối...
Loáng thoáng là tà áo dài của một vài cô gái, rồi hình ảnh những anh công nhân người lấm lem mồ hôi cười đùa đi qua, hay những người khách nước ngoài cầm chiếc máy ảnh đến đây tham quan, liên tục thâu vào ống kính máy ảnh những hình ảnh đời thường nhất ở chợ.
Khách Tây đến hỏi chuyện, tham quan là hình ảnh rất quen thuộc ở khu chợ.
Thấp thoáng tà áo dài...
Mọi guồng quay của cuộc sống cứ như thu nhỏ lại trên một con đường dài tầm 700 m, hai bên là những sạp hàng lụp xụp như vậy đó, tách xa hẳn với những con đường khác gần đó...
Người phụ này cho biết gia đình cô bán rau ở chợ này đã hơn 30 năm...
Người bán ở đây, có người là người Sài Gòn, có người lại là người ở quê lên. Dù là ai thì họ cũng đã gắn bó với cái chợ này quá lâu rồi nên khi nghe tin chợ giải tỏa vì an toàn PCCC, nhiều người buồn nhưng họ chấp nhận...
Cô Châu thì bảo gắn bó lâu năm nên nếu không được bán nữa sẽ thấy nhớ. “Mình gắn bó lâu năm nên đúng là nghe tin giải tỏa thấy hụt hẫng sao đó. Nhưng nếu đó là vì sự phát triển chung của thành phố thì chấp nhận thôi” - cô Châu bày tỏ.
Còn dì Thúy, người bán chè từ năm 12 tuổi ở ngôi chợ này, thì chỉ cười: “Tới đâu hay tới đó thôi. Mình bán lâu năm cũng quen khách, ở cái góc này cũng quen rồi. Sẽ nhớ chợ lắm!”.
Dì Thúy (62 tuổi) bán chè ở khu chợ này từ năm 12 tuổi.
Từng gói chè của dì Thúy suốt mấy chục năm nay đã phục vụ cho không biết bao nhiêu lượt khách đến rồi đi. Những ngày cận Tết, dì bán đến tận gần tối 30 Tết vì nhiều người mua chè của dì về để cúng đón giao thừa.
Bác Chi (72 tuổi), quê ở Bến Tre nhưng sống ở Sài Gòn đã mấy chục năm nay. Bác nói từng ngõ ngách, từng gương mặt người qua kẻ lại ít nhiều bà vẫn còn nhớ dù đã già.
Một nhóm người Nhật đến khu chợ để tham quan và mua kem để ăn...
Trong khu chợ, cũng có một cái khách sạn nhỏ mọc lên, có những kiểu nhà giữ kiến trúc xưa.
Khu chợ có lúc cũng nhộn nhịp vào giờ trưa, từ 10 giờ đến 11 giờ.
Càng ngày, nhiều nơi mua sắm, siêu thị mọc lên nên khu chợ càng vắng khách...
Sau lưng khu chợ lụp xụp là tòa nhà BITEXCO, phố đi bộ Nguyễn Huệ...
Chắc hẳn nhiều người sẽ nhớ mãi ngôi chợ này như phần ký ức không thể thiếu.
Một lúc nào đó, giữa trung tâm sầm uất sẽ không còn ngôi chợ đậm chất “quê” như vậy nữa. Nhưng ký ức mấy mươi năm về khu chợ này chắc chắn sẽ còn trong ký ức của nhiều người đã từng buôn bán ở đây, đã từng cùng họ trải qua gần một nửa đời người...
Đến ngày 22-12-2016, UBND TP.HCM đã yêu cầu Sở Công Thương cùng UBND quận 1 và các đơn vị liên quan phối hợp để lên phương án giải quyết nhanh việc giải tỏa chợ Tôn Thất Đạm (phường Bến Nghé, quận 1) sau Tết 2017. Ngoài chợ Tôn Thất Đạm, chợ Nguyễn Văn Tráng (phường Bến Thành) và chợ Nancy (phường Đa Kao) cũng là những ngôi chợ trung tâm nằm trong diện di dời, giải tỏa. |