Cho thuê võng ngủ rồi cưu mang luôn người cơ nhỡ

Là một trong các quán cà phê võng nằm dọc theo quốc lộ 1A đoạn qua quận Bình Tân, TP.HCM nhưng quán 439 của bà Quy đặc biệt hơn bởi nơi ấy đậm tình người.

Quán có khoảng 40 chiếc võng xanh thẫm giăng dọc hai bên lối đi, đằng sau có nơi để khách cất xe và cả chỗ tắm giặt khi cần. Quán còn có các thanh sắt vắt ngang để khách treo đồ cùng những cánh quạt máy phủ bụi.

Bà Nguyễn Thị Quy - chủ quán võng đêm 439. Ảnh: TÚ NGÂN

Ông Hùng bị tai biến đã hai năm nay, được chủ quán thương tình cho ở lại không thu tiền và nấu cơm cho ăn. Ảnh: TÚ NGÂN

Ai đói khổ quá thì được ăn, ở miễn phí

Ông Lê Thanh Tùng (75 tuổi, quê Tiền Giang) dáng vẻ gầy gò với chiếc xe đạp cũ cùng bao ve chai trở về quán sau một ngày dài. Ông nói: “Mấy nay ve chai sụt giá lắm, giảm gần một nửa. Bữa nào người ta uống bia người ta cho thì tôi lượm được nhiều, hôm nay đi cả ngày nhưng ít quá nên tôi về sớm”.

Theo lời kể của ông, trước đây khi chưa có dịch, buổi tối ông thường ra đường Ba Tháng Hai để xin cơm từ thiện. Có hôm người ta cho 2-3 phần thì mang về chia cho mấy người khó khăn ở đây ăn chung. Mấy lúc đó về khuya lắm, gần 1 giờ sáng mới về. Bây giờ dịch bệnh nguy hiểm nên ông không đi nữa, có gì ăn đó. “Ở đây chủ quán cho tắm rửa, giặt giũ thoải mái, đợt dịch bùng phát mạnh chủ quán giúp đỡ cơm nước, giờ dịch bớt rồi mình phải tự lo, đâu thể để chủ quán lo hoài được”. Là khách ở quán võng này đã hai năm, ông Tùng thân thiết với chủ quán như người nhà. Nụ cười tươi rói khi ông kể về ân tình ở nơi trú thân vẫn thường trực trên khuôn mặt đã hằn sâu những khổ cực của đời người.

Ở trong góc quán, sát bức tường xi măng, một người đàn ông nằm đó trên chiếc giường được cho lại từ một người khách thuê khác đã rời đi, ánh mắt buồn xa xăm nhìn lên trần nhà. Thuê võng ở đây được bốn năm thì bệnh tai biến ập đến, người đàn ông tên Hùng (55 tuổi, quê Tây Ninh) giờ đây đã mất đi khả năng lao động, hai năm nay chủ quán thương tình cho ông nằm lại, cho gì thì ăn đó.

Như trút được nỗi lòng, ông kể: “Tôi và vợ ly hôn được 10 năm, đứa con gái theo mẹ nó rồi không nhớ tôi nữa. Tôi xuống Sài Gòn chạy xe ôm, thời gian đầu chạy xe đến đâu thì tôi ngủ ở đó, hôm thì ngủ trên xe, ngày ngủ ở vỉa hè. Rồi người ta thấy vậy chỉ xuống đây thuê võng ngủ cho rẻ, có 20.000 đồng, chứ hồi đó giờ làm gì có tiền mà mướn nhà trọ ở. Từ ngày đổ bệnh tai biến đứt mạch máu não, tôi bán xe, bán điện thoại để vô bệnh viện rồi mua thuốc uống. Chủ quán thấy vậy không lấy tiền nữa, còn nấu cơm cho ăn, người ta ăn gì thì chị cho tôi ăn đó. Mấy tháng nay dịch bệnh không có tiền, hết thuốc gân tay chân nó rút lại, duỗi thẳng ra nó đau lắm”.

Sẵn lòng cưu mang người dưng đến cùng

Ai khó khăn quá thì tôi chấp nhận cho họ ngủ lại rồi mỗi ngày nấu cơm cho người ta ăn. Già rồi ở vậy nó vui. Tôi mở quán này hoài, cho họ ở hoài, chừng nào chủ đất lấy đất lại thì tôi mới thôi.

Nguyễn Thị Quy, chủ quán võng 

Không đành lòng thấy người ta ngủ gầm cầu

Chia sẻ về những vị khách đặc biệt nương náu nhiều năm ở đây, bà Nguyễn Thị Quy (50 tuổi) - chủ quán võng vui vẻ chia sẻ: “Tôi mở quán võng này được bảy năm rồi, tại thấy người ta không có chỗ ngủ nên mình mở ra cho người ta ngủ thôi chứ để người ta ngủ gầm cầu, ngoài đường tội lắm, ngủ ở đây giá rẻ. Đa số ở đây là dân tứ xứ, người lượm ve chai, đi phụ hồ, chạy xe ôm… Có khi vợ chồng, con cái dẫn nhau tới đây ở, tôi bao tắm giặt, nhà vệ sinh sạch sẽ, nước đá uống thoải mái và chỉ lấy 20.000 đồng mỗi ngày”.

Cũng theo lời kể của bà Quy: “Thời điểm dịch bệnh, chính quyền đến kiểm tra nhưng vẫn cho khách ở kẹt lại chừng 20 người mà mình đóng cửa cho họ ở trong nhà luôn. Chứ bắt họ đi ra ngoài, họ mang bệnh họ chết rồi sao, mà đi ra rồi họ ngủ dưới gầm cầu bị đuổi, bị bắt”.

Bà Quy vừa dứt lời, đằng trước quán, một ông cụ tóc bạc, da nhăn nheo vì tuổi già dựng chiếc xe đạp nép sát vào trong rồi tiến về chỗ bà chủ quán. Ngồi xuống chiếc ghế nhựa, ngả lưng sau một ngày bán hơn trăm tờ vé số, cụ ông Cao Quang Vinh (76 tuổi, quê Sóc Trăng) chậm chạp nói: “Sáng tôi đạp xe lên Khu công nghiệp Tân Tạo bán vé số tới chiều thì về đây nấu nướng, ngủ nghỉ. Đợt dịch rồi tôi kẹt ở đây không về quê được, cả hai vợ chồng tôi đều bị F0, cách ly hết gần một tháng mà may mắn khỏi bệnh. Tôi chỉ mới đi bán lại gần một tháng nay thôi, trước đây bán được 200 tờ mà nay 100 tờ mỗi ngày là tốt lắm rồi, dịch bệnh khó khăn nên người ta ít mua”.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm