Chúng tôi đang buôn bán ở chợ Văn Thánh, phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Chợ này gồm ba tầng nhưng hiện tầng trệt chỉ có một vài sạp tạp hóa, hai sạp cá, một sạp thịt heo và một sạp rau. Trên tầng một có một vài sạp bán quần áo nhưng gần như chẳng có khách nào ghé. Trong khi đó, cùng con hẻm, ngay sát chợ Văn Thánh lại tồn tại khu chợ tự phát, tấp nập mua bán, giao thông thường xuyên ùn ứ.
Trong số chúng tôi, có người là tiểu thương ở chợ Văn Thánh cũ, sau khi chợ cũ bị giải tỏa thì được bồi thường một sạp bán mới ở chợ Văn Thánh hiện hữu. Nơi đây tiền thuê sạp rẻ hơn tiền thuê mặt bằng ở ngoài nhưng từ ngày qua đây buôn bán rất ế ẩm, chỉ toàn bán cho mối quen chứ ít ai chịu vào đây mua. Thi thoảng có vài khách đến, đến chừng 10 giờ trưa là chẳng còn ai vào, người bán rau thì phải lấy bạt che rau lại cho đỡ héo, người bán thịt thì ngáp ngắn ngáp dài... Đến chừng 3 giờ chiều chúng tôi đành chất hàng lên xe đẩy ra ngoài bán, có lúc chạy không kịp, bị lực lượng trật tự đô thị tịch thu hết hàng. Nghĩ mà thấy khổ quá, làm đúng quy định, ở trong chợ không bán được, phải đi ra ngoài bán dạo để bị phạt thế này...
Chợ Văn Thánh buôn bán rất ế ẩm, sạp trống được dùng để đồ đạc. Ảnh: LÊ THOA
Lại có người phải rời khỏi chợ sau đúng ba tuần chuyển từ chợ Văn Thánh cũ qua chợ Văn Thánh mới, dù phí thuê sạp chỉ chừng hơn 100.000 đồng/tháng. Có người chỉ một năm buôn bán trong chợ Văn Thánh mới mà đã lỗ nặng, tuần nào cũng nghỉ đến mấy ngày. Bán ở chợ tự phát, có lúc không có chỗ để thuê mặt bằng, buộc lòng ngồi đại ở lòng lề đường. Biết là sai nhưng vì mưu sinh đành phải làm liều.
Chợ Văn Thánh có thiết kế khá bí bách khi xây lầu và xây tường, thoạt nhìn như căn nhà lầu vậy. Nhiều sạp bỏ trống, chất đầy những vật dụng, đồ đạc, hàng hóa của nhiều người buôn bán gửi. Trong khi đó, nếu chợ được xây trên diện tích rộng hơn, chỉ cần một tầng trệt, thoáng sáng, không xây tường bịt kín và được chia khu ra thì người mua và người bán đều cảm thấy dễ chịu.
Chúng tôi biết việc bươn ra chợ tự phát là sai nhưng nếu tuân thủ nội quy, vô chợ bán thì làm sao sống? Mỗi ngày chính quyền đều có lực lượng trật tự đô thị đi kiểm tra nhưng chợ tự phát lớn quá, kéo dài từ Pearl Plaza vòng qua hẻm. Lượng khách mua rất đông, trong khi chợ chính thức lại nhỏ xíu, người bán ở khu tự phát cứ thuê nhà dân ngồi bán lấn ra đường, hoặc tràn ra lối đi, việc đẩy đuổi như bắt cóc bỏ dĩa. Thật tình chúng tôi cũng không muốn vi phạm nhưng cách xây chợ như thế, cộng với tình trạng chợ tự phát, chúng tôi mà vào chợ, chỉ có nước khóc!
LÊ THOA (Ghi theo lời một số tiểu thương chợ Văn Thánh)
Tăng cường xử lý buôn bán lấn chiếm đường Năm 2010, chợ Văn Thánh mới được xây dựng và đưa vào hoạt động, một số tiểu thương không vào chợ mà thuê nhà có mặt tiền trong hẻm. Tình hình trên khiến hoạt động kinh doanh tại chợ Văn Thánh rất chậm, hiện trong chợ chỉ còn 53/165 sạp (37 hộ) tiểu thương. UBND phường đã phối hợp với UBMTTQ Việt Nam phường và các hội, đoàn thể tăng cường công tác vận động tuyên truyền đến các hộ dân không mua hàng tại các điểm kinh doanh buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường; kiên quyết xử lý các trường hợp kinh doanh lấn chiếm; vận động các hộ thuê sạp để kinh doanh… Đồng thời, miễn thu tiền cơ sở vật chất đầu vào, sắp xếp, di dời các ngành hàng cho phù hợp. Đối với việc buôn bán trong chợ tự phát, UBND phường có kế hoạch triệt để tăng cường công tác kiểm tra và xử lý. Hiện nay việc kinh doanh tại mặt tiền các hẻm giáp chợ Văn Thánh đã được thu dọn gọn gàng, tuy chưa như mong muốn nhưng UBND phường sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân, đồng thời tăng cường xử phạt. Phường sẽ kiến nghị lên UBND quận Bình Thạnh bố trí cho các hộ buôn bán hàng rong để trả đường cho giao thông. Bà NGUYỄN THỊ MAI TRINH, Phó Chủ tịch UBND phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM ________________________ Chợ hợp pháp có nhiều điểm yếu - Đa số chợ hợp pháp được xây từ rất lâu nên không còn đáp ứng được quy mô cũng như cách mua sắm hiện nay. - Xây kiên cố nhưng không thông thoáng. Nóng bức và tối tăm làm ảnh hưởng đến tâm lý của người mua. - Người mua phải gửi xe mới được vào chợ. Lối đi trong chợ chật hẹp. - Vệ sinh trong chợ kém, rác thải, nước đọng thường xuyên. (Trích một nghiên cứu của Sở Công Thương TP.HCM) |