Ghi nhận của PV sáng 5-4, đường Nguyễn Duy Dương, đoạn từ đường Bà Hạt đến Vĩnh Viễn (thuộc phường 4, phường 9, quận 10, TP.HCM) việc đi lại thuận lợi, tình trạng lấn chiếm lòng đường họp chợ đã không còn diễn ra. Một người dân địa phương cho biết thêm lực lượng trật tự đô thị địa phương thường xuyên rảo quanh đây nên tình trạng tái lấn chiếm lòng đường hầu như không còn. Có chăng thỉnh thoảng một số người chạy xe bán cây cảnh, trái cây dừng một hồi rồi đi…
Giải tỏa điểm nóng
Từ nhiều năm trước, chợ tự phát trên đường Nguyễn Duy Dương này phát triển mạnh… Bà Trần Hương, một người dân ở đây kể: “Ngày trước khi chợ Bà Hạt bị dẹp, sáp nhập cùng chợ Nhật Tảo thì không đủ chỗ cho tiểu thương, dần dần họ bán tràn ra ngoài tạo thành khu chợ tự phát trên đường Nguyễn Duy Dương này. Lúc đó nhiều người cứ thẳng xe vào chợ tự phát này khiến việc đi lại rất khó khăn. Ngoài ra, việc bày bán đồ tươi sống, cá, mực gây ô nhiễm cho khu vực. Thế nhưng hiện nay tình trạng này không còn, lòng đường Nguyễn Duy Dương đã thông thoáng, sạch sẽ hơn”.
Bà Trần Thị Quý (phường 9) cho biết thêm lúc trước còn chợ tự phát trên đường Nguyễn Duy Dương thì bà và nhiều người dân khu vực có thuận tiện. Nhưng đây là lợi bất cập hại vì hệ lụy chợ tự phát gây ra, như làm ảnh hưởng đến mỹ quan, tác động đến cuộc sống người dân.
Theo bà Hương, thực tế hiện vẫn còn một số vị trí có để đồ đạc vượt giới hạn song vẫn nằm trên vỉa hè, không còn tràn xuống lòng đường nữa. “Việc dẹp chợ có gây ra chút bất tiện cho việc đi chợ mua sắm đồ nhưng điều này không quá phức tạp. Trong khi đó, tôi vào chợ truyền thống mua đồ ăn thì cảm thấy an tâm hơn nhiều vì các thực phẩm được thường xuyên kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng an toàn thực phẩm” - bà Hương nhận xét.
Lòng đường Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh) bị chiếm dụng làm chợ tạm kéo theo nhếch nhác, ô nhiễm và mất trật tự đô thị. Ảnh: MINH HUỆ
Đường Nguyễn Duy Dương (phường 9, quận 10) nay đã thông thoáng, sau khi chợ tự phát ở đây được xóa. Ảnh: MINH HUỆ
Muốn là làm được!
Được biết trước tình trạng họp chợ trên đường Nguyễn Duy Dương “nở nồi”, năm 2008, quận đã có chủ trương xử lý nhưng vẫn không đạt được kết quả. Ông Đặng Danh, Phó Chủ tịch UBND phường 9, quận 10, nhớ lại: “Năm 2012, quận nhắc lại chủ trương phải thực hiện dứt điểm việc giải tỏa các chợ tự phát và tái lấn chiếm. Quận yêu cầu thực hiện triệt để”.
Sau đó, UBND phường 9 đã vạch ra kế hoạch cụ thể như rà soát hộ kinh doanh cố định và không cố định, có giấy phép hay không, người địa phương hay nơi khác tới… Từ đó, phường tuyên truyền, vận động những tiểu thương buôn bán lấn chiếm di dời vào chợ Nhật Tảo nhằm đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm. Phường cũng ra thời hạn một tháng để những tiểu thương vi phạm tìm, thuê điểm kinh doanh được phép.
“Tuy vậy, thực tế gặp không ít khó khăn. Mặc dù đã tuyên truyền, vận động nhiều lần, nhiều người vẫn vi phạm. Vì vậy, phường thực hiện bước kế tiếp là tập trung xử phạt mạnh như tạm giữ hàng hóa, phương tiện (như cân, mâm…) và dần dần người bán giảm bớt. Tương tự, các xe ba bánh, gánh hàng rong cũng bị kiểm tra hằng ngày. Một điểm đáng lưu ý là phải kiên trì vận động, đề nghị người dân vô thuê sạp buôn bán hợp pháp hoặc chuyển đổi kinh doanh hay giới thiệu vay vốn nhằm tránh đối đầu, tạo áp lực với người vi phạm. Từ các biện pháp này, khu vực này đã dần đi vào ổn định và nơi này đã không còn chợ tự phát nữa” - ông Danh chia sẻ.
Chốt hai đầu xóa được chợ
Quận Thủ Đức là một trong những địa bàn có khá nhiều chợ tự phát. Tuy vậy, ông Lưu Trọng Nghĩa, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Thủ Đức, khẳng định: “Nếu kiên quyết làm tới nơi tới chốn, đặc biệt phải có sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành đoàn thể và người dân, cùng xem đây là trách nhiệm chung thì hoàn toàn có thể dẹp được chợ tự phát. Sắp tới, quận sẽ mạnh tay hơn trong việc dẹp chợ tự phát trên địa bàn quận”.
Ông Nghĩa dẫn chứng quận Thủ Đức đã “xóa sổ” chợ tự phát tại hầm chui Linh Trung (cạnh Khu chế xuất Linh Trung, phường Linh Trung). “Trước năm 2016, chợ tự phát này tồn tại ở nút giao thông quan trọng nên gây ra nhiều bất ổn về trật tự đô thị. Sau đó, Đội Quản lý trật tự đô thị quận kết hợp với UBDN phường Linh Trung và Linh Xuân tuyên truyền và tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm” - ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, hầu hết người bán ở chợ này là từ nơi khác đến, trong đó chiếm phần lớn từ thị xã Dĩ An (Bình Dương) nên cũng có thuận lợi. Ông Nghĩa chia sẻ thêm: “Lực lượng chức năng “chốt” hai đầu nơi họp chợ rồi xử lý kiên quyết và làm công bằng thì không bao lâu đã thành công. Sau khoảng hai tháng thực hiện tập trung, chúng tôi đã dẹp được hẳn chợ tự phát ở khu vực nút giao phường này. Đến nay, ở đây chỉ còn rải rác một vài trường hợp nhưng họ không dám ngồi lâu và nhác thấy bóng dáng của lực lượng trật tự đô thị là tháo chạy ngay”.
Vậy nhưng chợ tự phát trên đường Hiệp Bình (phường Hiệp Bình Chánh) là một điểm nóng, từng được xác định là trọng điểm cần xử lý vẫn tồn tại dai dẳng? Ông Nghĩa giải thích hầu hết những người bán hàng ở chợ này là người dân địa phương, thậm chí là nhà của họ có thể dọn ra, thu hàng vào bất cứ lúc nào nên việc chấn chỉnh khó khăn hơn.
“Trước đó, ở chợ này người dân bán ở dưới lòng đường, xe cộ không qua được nhưng từ năm 2015 đến đầu năm 2016, quận, phường tập trung chấn chỉnh thì tình trạng lấn lòng, lề đường đã giảm mạnh. Tất nhiên vẫn còn tình trạng bung ra bán hàng khi lực lượng rút về. Tuy nhiên, bước đầu đã có kết quả tốt làm cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân và kiên quyết xử lý để chấm dứt” - ông Nghĩa nhấn mạnh.
Những con số giật mình ở chợ tự phát Khoảng 77% chợ tự phát hình thành trước năm 2003, tập trung ở quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức, Tân Phú…, trong đó 67% hình thành từ nhu cầu của người dân; 10% hình thành vì khu vực chưa có chợ, xa chợ, chợ không đủ sạp hoặc ăn theo chợ hợp pháp... Khoảng 49% chợ tự phát chiếm dụng lòng, lề đường và 37% chiếm hẻm. Các chợ này không có hệ thống cấp, thoát nước, thu gom, xử lý rác. Tiểu thương chủ yếu là dân nhập cư nghèo, không đủ tiền thuê mặt bằng, đóng thuế và phí ở chợ hợp pháp. Do đặc thù của chợ này không chịu sự quản lý và các tiểu thương chủ yếu cạnh tranh về giá là chủ yếu nên thường mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Vì vậy, hàng hóa không đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm. Sự tồn tại của chợ tự phát có sự “tiếp tay” lớn từ phía người tiêu dùng. Nguyên nhân cốt lõi dẫn đến sự hình thành, tồn tại các khu mua bán tự phát là do người tiêu dùng ngại đi xa, muốn tiết kiệm thời gian đi chợ hợp pháp đã tạo điều kiện cho những người buôn bán tự phát. Cạnh đó là sự yếu kém, thiếu cương quyết của chính quyền địa phương trong việc xử lý, giải quyết các chợ tự phát. Trích một báo cáo của Sở Công Thương Kinh nghiệm dẹp “chợ cóc” Lúc TP.HCM giải tỏa chợ Cầu Ông Lãnh, Cầu Muối (quận 1) hay chợ gạo Trần Chánh Chiếu (quận 5, đã tồn tại 30 năm) để xây dựng các chợ đầu mối nông sản đã làm rất quyết liệt, không để phát sinh tình trạng người bán chạy chỗ khác lập chợ cóc, chợ tạm. Theo đó, chính quyền các cấp đã có các biện pháp không để người dân ra kinh doanh tự phát trái quy hoạch bằng các quy định. Ví dụ như có quy định không cho đăng ký kinh doanh nông sản, lương thực thực phẩm trên nhiều tuyến đường xung quanh chợ cũ để ngăn chặn người dân lại ra các đường đó buôn bán trở lại. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng quyết liệt xử lý người buôn bán tự phát. Cụ thể, tổ chức lực lượng chốt giữ địa bàn liên tục trong ít nhất hai tháng để không ai quay lại bán tại chợ cũ, cũng không ai đi chợ cũ mua hàng. Nếu phát hiện người nào vẫn bán thì nhắc nhở dẹp, nếu không thì xử phạt. Một vài trường hợp bị phạt nghiêm khắc là tự khắc thành nề nếp. Việc xử lý cần được thực hiện sớm và kiên trì, nếu không tình trạng tái phát chắc chắn xảy ra. Một cán bộ chuyên môn (đề nghị không nêu tên) chia sẻ QN ghi |