'Chơi' ma túy ở bệnh viện tâm thần: Xử lý sao?

Ngày 1-4, Thượng tá Nguyễn Quang Hiền, Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an TP Hà Nội, đã cung cấp một số thông tin liên quan đến vụ mua bán ma túy “khủng” ngay trong Bệnh viện (BV) Tâm thần Trung ương I (Bộ Y tế).
Sáng cùng ngày, Bộ Y tế đã họp khẩn và quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Vương Văn Tịnh, Giám đốc BV Tâm thần Trung ương I, để làm rõ trách nhiệm trong vụ việc.
Có nhận thức là phải chịu tội
Theo công an, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an phát hiện một nhóm mua bán trái phép chất ma túy với số lượng rất lớn (hơn 6 kg ma túy tổng hợp), trong đó có cả những người đang điều trị tâm thần tại đây.
Công an đã bắt giữ sáu người, trong đó có người cầm đầu là Nguyễn Xuân Quý (38 tuổi, trú tại Thanh Trì, Hà Nội) và một nhân viên BV. Điều đáng nói là Quý từng có nhiều tiền án, tiền sự và vào điều trị bệnh tâm thần tại BV này từ tháng 11-2018.

Căn phòng trong BV Tâm thần Trung ương I mà Quý cải tạo dùng làm nơi sử dụng trái phép chất ma túy hiện đã được dọn dẹp. Ảnh: UYÊN TRANG

Vấn đề pháp lý khá quan trọng trong vụ việc này là trách nhiệm hình sự (TNHS) của những nghi can đang là bệnh nhân tâm thần, trong đó có Quý sẽ như thế nào?
TS Vũ Thị Thúy, Trưởng Bộ môn luật hình sự, Trường ĐH Văn Lang, cho biết theo Điều 21 BLHS, để được loại trừ TNHS do không có năng lực TNHS thì người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội phải thỏa mãn hai điều kiện. Đó là người đó đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác và do mắc bệnh mà bị mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
Vụ này, CQĐT cần trưng cầu giám định pháp y tâm thần tại thời điểm xảy ra hành vi phạm tội để đánh giá khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của Quý và đồng phạm. 
Nếu có kết luận Quý và đồng phạm thực hiện hành vi trong khi đang bị bệnh tâm thần nhưng vẫn còn khả năng nhận thức thì vẫn phải chịu TNHS. Lúc này Quý và đồng phạm sẽ bị xử lý về tội mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Tình trạng bị mắc bệnh tâm thần có thể được coi là tình tiết giảm nhẹ theo điểm q khoản 1 Điều 51 BLHS (người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình).
ThS Trần Thanh Thảo, giảng viên Khoa luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM, phân tích thêm, Quý và đồng phạm chỉ được miễn TNHS (theo Điều 21 BLHS) khi tại thời điểm phạm tội, những người này vẫn bị bệnh tâm thần và hoàn toàn không nhận thức được hành vi. Còn nếu qua giám định Quý và đồng phạm đã hoàn toàn khỏi bệnh thì phải chịu TNHS như người bình thường. 
Trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện ra sao?
Về tội danh, theo ThS Trần Thanh Thảo, thứ nhất, nếu xác định Quý và đồng phạm nhận thức được hành vi nhưng vẫn thực hiện việc mua bán trái phép chất ma túy thì có thể bị xử lý về tội này theo Điều 251 BLHS (khung hình phạt tối đa lên đến tử hình).
Thứ hai, về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy trong BV có hai tình huống. Nếu các đối tượng tàng trữ để sử dụng dần thì sẽ có dấu hiệu của tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249 BLHS). Còn nếu họ tàng trữ với mục đích để mua bán thì hành vi này có thêm dấu hiệu của tội mua bán trái phép chất ma túy.
Thứ ba, nếu Quý lôi kéo, tổ chức cho những người khác sử dụng ma túy trong phòng ở BV thì có thể bị xử lý thêm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo Điều 255 BLHS.
Theo TS Vũ Thị Thúy, đối với cán bộ BV Tâm thần Trung ương I, nếu ai đó trực tiếp cùng Quý thực hiện hành vi mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thì phải chịu TNHS về các tội danh đã nêu với vai trò đồng phạm. Trong trường hợp này, cán bộ BV có thể bị áp dụng tình tiết tăng nặng TNHS là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Tình huống cán bộ BV không tham gia trực tiếp nhưng biết rõ Quý và đồng phạm thực hiện hành vi này mà không tố cáo thì có thể bị xử lý về tội không tố giác tội phạm. 
ThS Trần Thanh Thảo thì cho rằng không thể xử lý hình sự lãnh đạo BV về hành vi buông lỏng quản lý, để xảy ra sự việc này vì BLHS không quy định. Tuy nhiên, có thể xem xét trách nhiệm của những người này theo Nghị định 112/2020 (quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức). 
Theo Điều 6 Nghị định 112, nếu cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật.
Điều 7 nghị định này quy định tùy vào mức độ, tính chất và hậu quả của hành vi gây ra họ có thể bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức như cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.

 Cán bộ BV tiếp tay cho tội phạm là cực kỳ nguy hiểm

Các đối tượng được sự câu kết của một số nhân viên BV, thông qua việc quản lý lỏng lẻo, tiếp tay, làm cho đường dây mua bán ma túy này hoạt động càng tinh vi hơn.

Cụ thể, bản thân các nhân viên trong BV là những người điều trị bệnh cho bệnh nhân lại tham gia vào việc sử dụng ma túy, biết các đối tượng hoạt động như vậy nhưng lại làm ngơ. Đây là điều ngạc nhiên, trong quá trình trinh sát chúng tôi không thể vào sâu được, không thể biết các đối tượng sẽ bố trí buồng như thế nào. Chỉ biết rằng có thông tin các đối tượng đã sử dụng buồng bệnh để sử dụng ma túy.

Cái nghiêm trọng hơn là đối tượng sử dụng buồng điều trị bệnh trong BV để làm nơi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, làm nơi giao dịch, mua bán ma túy, đồng thời là nơi cất giấu ma túy. 

Thượng tá NGUYỄN QUANG HIỀN, Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an TP Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm