Liên quan đến vụ chôn 40 tấn bùn nhiễm thuốc trừ sâu ở bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, TP.HCM) mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, theo cơ quan chức năng, số bùn này là của Xí nghiệp Bình Triệu thuộc Công ty CP Thuốc sát trùng Việt Nam (240 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM).
Hôm qua (28-9), ở khu vực thực hiện dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (gọi tắt là dự án Vành đai ngoài) tại khu vực Xí nghiệp Bình Triệu vẫn còn ngổn ngang những đống bùn trộn lẫn xà bần bốc mùi thuốc trừ sâu nồng nặc. Phía trong công trình, ngoài một số công nhân thi công dự án Vành đai ngoài đang bơm nước, một nhân viên của Xí nghiệp Bình Triệu đang nối dây, chuẩn bị bơm thuốc khử mùi thuốc trừ sâu của đống đất bùn, xà bần. Theo lời nhân viên này, mỗi ngày phải bơm chế phẩm khử mùi năm lần, trong đó cứ một lần bơm phải dùng đến tám thùng phuy (150 lít/thùng) để ngăn mùi hôi phát tán.
Dân chịu hết xiết vì mùi hôi
Đống bùn, xà bần nhiễm thuốc trừ sâu này được tập kết về một khu đất sát đường số 19, khu phố 4, phường Hiệp Bình Chánh, cách một chợ dân sinh chỉ khoảng 200 m. Theo UBND phường Hiệp Bình Chánh, trước đây lượng đất bùn và xà bần này đã được chở đi đổ ở nơi khác nhưng do người dân tại đó phản ứng gay gắt về mùi thuốc trừ sâu phát tán nồng nặc nên số đất được chở trả về vị trí hiện nay.
Theo phản ánh của người dân địa phương, dù đống đất, bùn trên thường xuyên được khử mùi nhưng mùi vẫn không dứt, nhất là những lúc có gió. “Những lúc như vậy, chúng tôi phải đóng kín cửa trốn trong nhà” - một người dân ở cạnh đống đất bùn, xà bần nhiễm thuốc nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi quyết định chuyển số bùn, đất này về bãi rác Đông Thạnh, các đơn vị liên quan đã tham khảo đơn giá xử lý ở một số đơn vị có năng lực và chức năng xử lý. Theo đó, phương án xử lý triệt để là đốt sẽ tiêu tốn 55 triệu đồng/tấn và tổng chi phí xử lý lên đến gần 35 tỉ đồng. “Chi phí xử lý quá lớn nhưng hiện vẫn chưa xác định được chủ thể chịu trách nhiệm trong việc chi trả” - ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết. Ông giải thích thêm, phần đất này trước đây thuộc phạm vi quản lý, sử dụng của Xí nghiệp Thuốc sát trùng Bình Triệu, sau đó khu vực này bị giải tỏa, chuyển giao cho Công ty GS (GS Engineering & Construction Corporation - NV) thực hiện dự án xây dựng đường Vành đai ngoài.
Đống đất bùn, xà bần nhiễm thuốc trừ sâu nằm lộ thiên. (Ảnh chụp tại dự án trong ngày 28-9) Ảnh: KB - MP
Nói cấp bách, làm rề rà
Trong văn bản báo cáo UBND TP, Sở TN&MT cho rằng việc xử lý bùn nhiễm thuốc trừ sâu bằng cách khử mùi và chôn lấp là do tính cấp bách của vụ việc. Thế nhưng trên thực tế, từ thời điểm Sở TN&MT nhận được thông tin về khu đất nhiễm thuốc trừ sâu đến khi xử lý kéo dài hơn hai tháng, dù đơn vị thi công dự án đường Vành đai ngoài liên tục có văn bản hối thúc.
Cụ thể, nhà thầu thi công của GS đã phát hiện hố chôn hóa chất (23 thùng phuy chứa hóa chất dạng rắn, 200 kg/thùng) từ ngày 21-6-2011. Sự việc được báo cho các cơ quan chức năng, trong đó có Sở TN&MT. Sau đó số hóa chất đã được xử lý sơ bộ nhưng việc thi công vẫn không thể thực hiện được vì đất, nước và không khí bị nhiễm độc trầm trọng.
Văn bản gửi UBND TP.HCM của Giám đốc dự án Vành đai ngoài Min Man Keang phản ánh: “Sau khi Công ty Thuốc sát trùng Vipesco xử lý sơ bộ bề mặt ở khu vực phát hiện thuốc trừ sâu thì cơ quan ban ngành vẫn không có bất kỳ hành động nào nhằm loại bỏ hoàn toàn chất thải mặc dù môi trường sinh hoạt của người dân xung quanh và những người trực tiếp tham gia thi công bị đe dọa nghiêm trọng, công tác thi công phải dừng lại”.
Theo ban giám đốc dự án Vành đai ngoài, dù đã liên tiếp gửi công văn kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý nhưng sau gần hai tháng tạm ngưng thi công đơn vị này vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin hay phản hồi nào về vụ việc nói trên. Trong khi đó, Sở TN&MT đã kiểm tra, lấy mẫu đất, mẫu nước để phân tích và thông báo số đất bùn, xà bần trên sẽ được xử lý sau khi có kết quả phân tích.
Theo Sở GTVT TP.HCM, Công ty GS không chấp nhận bỏ chi phí xử lý đống bùn. Trong khi đó, việc chậm trễ xử lý đã làm trì hoãn tiến độ thi công tuyến đường Vành đai ngoài.
Theo một kết quả phân tích mẫu đất nhiễm thuốc trừ sâu, nhiều chỉ tiêu về dư lượng thuốc trừ sâu trong mẫu vượt ngưỡng chất thải nguy hại. Trong đó, chỉ tiêu Gama - Lindane vượt hơn chín lần. Trả lời Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến cho biết Bộ NN&PTNT liệt Gama - Lindane vào danh mục cấm sử dụng do tính độc hại của nó. Trong khi đó, GS-TS Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường (ĐH Công nghiệp TP.HCM), cho rằng chế phẩm GEM - K chỉ có thể khử được mùi hôi chứ không thể khử hết tính độc hại của thuốc trừ sâu nhiễm vào đất. |
KHANG BÁCH - MINH PHONG