Chọn “khóa tu mùa hè” cho con

Những ngày này, nhiều phụ huynh bắt đầu chuẩn bị chương trình hè cho con em. Ngoài du học hè tại các nước và những khóa học về kỹ năng ngắn hạn của các trung tâm thanh thiếu niên tổ chức, các khóa tu mùa hè cũng thu hút không ít sự quan tâm của phụ huynh, đặc biệt là những gia đình đang gặp khó khăn trong vấn đề thu xếp thời gian và giáo dục con cái.

Học quét lá đa

Gần đây, một số chùa ở TP.HCM như chùa Hoằng Pháp, Giác Lâm, Quang Minh, Xá Lợi… luôn tổ chức những khóa tu dành cho thanh thiếu niên. Tại các khóa học này, thanh thiếu niên sẽ được sinh hoạt, tu tập và học những điều thiện. Một số chùa chỉ nhận con em đến tu học trong ngày (như hình thức bán trú của nhà trường), một số có khóa học nội trú kéo dài từ một đến 10 tuần. Việc tiếp xúc với phụ huynh hoặc xin về nửa chừng là rất hạn chế.

Một vị sư phụ trách nhận thanh thiếu niên đăng ký tại chùa Hoằng Pháp cho biết: “Hiện chúng tôi đang có khóa tu hè dành cho thanh thiếu niên độ tuổi từ 15 đến 22. Tất cả các em khi đăng ký đều phải có sự bảo lãnh của gia đình, có CMND. Trong suốt khóa học, các em phải mặc quần áo màu lam, không quan trọng là kiểu mẫu gì, miễn là phải kín đáo, gọn gàng; bên ngoài sẽ mặc áo tràng lam của nhà chùa. Lịch tu tập sẽ cho phụ huynh và các em tham khảo trước để… lượng sức mình, vì thời gian học và sinh hoạt không dễ dãi như khi sống tại gia đình hay nhà trường”.

Chọn “khóa tu mùa hè” cho con ảnh 1

Khóa tu hè năm 2011 tại chùa Hoằng Pháp thu hút 5.000 thanh thiếu niên tham gia.

Chùa Phật Quang ở Kiên Giang cũng thu hút không ít bạn trẻ trong và ngoài tỉnh đến tham gia các khóa tu hè tại chùa. Sư Thích Minh Mẫn chia sẻ rằng các bé ở chùa trong vòng tám đến 10 tuần. Ngoài thời gian học chương trình văn hóa và chương trình hướng đạo với giờ giấc rất nghiêm, các bé sẽ được dạy cách tự lập, từ việc giặt quần áo, lau nhà, rửa chén, dọn dẹp, học thiền, nghe giảng đạo... Sống tập thể nhưng nếu một người không tuân theo, tất cả đều bị phạt. “Dù không tu tập để làm sư nhưng đã vào chùa thì phải biết “quét lá đa” như sãi ở chùa” - sư Minh Mẫn giải thích.

Không ít hiệu ứng ngược

Sự nghiêm túc về giờ giấc, cách sinh hoạt tự giác, cộng với giáo trình giáo lý dành cho thanh thiếu niên của nhà chùa được nhiều phụ huynh lựa chọn khi họ gặp khó khăn trong việc giáo dục con cái. Tuy nhiên, không phải con em nào cũng phù hợp để có thể sống trong môi trường này.

Chị Ngọc Linh (Tân Định, quận 1) chia sẻ nhà chị không theo đạo Phật nhưng khi nghe có những khóa học như vậy, bản thân chị rất thích. Với mục đích được theo sát con gái và hy vọng con mình có thể bỏ tính ăn chơi lêu lổng, vợ chồng chị thỏa thuận chị sẽ cùng con vào chùa tu học theo các sư. Nào ngờ, vì bất đồng với quyết định của cha mẹ, con chị còn hung hăng hơn, kiếm chuyện đập phá bạn cùng phòng. “Các sư thì nghiêm nhưng họ rất hiền, đâu có biện pháp gì ngoài lời nói khuyên bảo. Vì không muốn làm ảnh hưởng người khác nên tôi đành cho con về”.

Theo Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn: “Việc chọn các khóa học tu hay gửi con đến chùa là một trong những lựa chọn khi phụ huynh rất căng thẳng hoặc “đuối” trong chuyện giáo dục con cái. Phụ huynh thường xem nơi đó là cứu cánh niềm tin để con mình thay đổi... Tuy nhiên, nhiều phụ huynh chủ động việc gửi con đến chùa hoặc do sự tác động của người xung quanh mà không lắng nghe hoặc hỏi ý kiến con mình. Nếu trẻ không hợp tác sẽ khó có kết quả như ý”.

Đã từng có nhiều người thành công trong việc hướng thiện cho con bằng môi trường nhà chùa và giáo lý nhà Phật nhưng cũng không ít phụ huynh đón nhận kết quả không như mong muốn khi gửi con tham gia các khóa tu trước đây. Nhiều em trầm cảm, sợ hãi, khóc lóc… vì không chịu nổi sự tĩnh mịch và tiếng kinh kệ hằng ngày - một môi trường sinh hoạt khác xa với những gì em tiếp xúc và được dưỡng dục bấy lâu. Ngoài ra, sự nghiêm trang của các nhà sư khiến các bé khó lòng tìm được sự gần gũi như tình cảm gia đình, người thân - điều mà các em có thể đã cảm thấy thiếu khi sống tại gia đình.

Phụ huynh cần phải xem xét tính cách, ước muốn của trẻ khi chọn lựa môi trường giáo dục này cho con em trong vài tháng hè. Sự phù hợp là điều quan trọng nhất. Mặt khác, cũng cần giải thích trước về môi trường tôn giáo để con cái có sự chuẩn bị tâm lý khi đồng ý tham gia các khóa tu hè.

TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn: Sẽ có thể gây sốc về mặt tâm lý

Môi trường tĩnh tâm của chùa có thể làm tâm hồn con người nhẹ và dịu lại. Sống trong khuôn viên nhẹ nhàng, không gian tĩnh mịch, tiếng kệ lời kinh có thể làm mỗi cá nhân dành thời gian để tự ý thức, tự đánh giá và tự tu dưỡng chính mình. Tuy nhiên, hiệu quả đích thực là hiệu quả xuất phát từ chính bản thân người đó, hiệu quả được xác lập khi chính cá nhân có nội lực và khả năng tự điều chỉnh.

Việc phó mặc cho con cái ở chùa, không chuẩn bị tâm lý cho con cái... đều có thể gây cho trẻ những cú sốc về tâm lý. Bản thân những trẻ có những biểu hiện cảm xúc tiêu cực hay những tiền “rối nhiễu” sẽ có nguy cơ bị trầm cảm, bị stress... Điều này cần được các phụ huynh ý thức và thực sự tỉnh táo để có những ứng xử thích hợp với con cái khi chọn lựa môi trường giáo dục cho con em mình.

THỤY LÊ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm